CÔNG TY TNHH MTV SD
Địa chỉ: Số 666- Tổ 19- Ấp Giồng Cát- Xã Lương An Trà- H.Tri Tôn- An Giang
Điện thoại: 0296.3.787 006 Fax: 0296.3.787 006
Công ty TNHH MTV SD hoạt động theo giấy phép kinh doanh số 1601401865 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cấp ngày 05/10/2010.
Ngành nghề kinh doanh:
> Sản xuất và kinh doanh lúa giống.
> Chăn nuôi bò giống, cung cấp bò siêu thịt chất lượng cao.
> Trồng và cung cấp chuối sạch xuất khẩu.
Từng là một trong những nông dân tiên phong lập nghiệp trên vùng kinh tế mới, còn gọi là vùng đất chết Lương An Trà- nơi nhiễm phèn nặng vào những năm 1993…
Một lần nữa ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), ở ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) quyết tâm chinh phục vùng đất miền núi Tri Tôn, bắt đất phèn phải đẻ ra vàng và cũng từ đó ông được mệnh danh “vua lúa giống”. Đến An Giang, hỏi nông dân nào nhiều đất, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người nói ngay là ông Sáu Đức. Ông Đức nổi tiếng bởi thành công với nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: sản xuất lúa giống, nuôi bò, trồng chuối…
Vùng đất Lương An Trà vừa rộng lớn, vừa hoang dại, là vùng nhiễm phèn nặng “ngay cả nông dân thứ thiệt còn bó gối, nói chi như tui còn chưa phân biệt được cây cỏ với cây lúa”- ông Sáu nhớ lại.
Nhưng với sự kiên trì, vừa làm vừa nghiên cứu và tìm tòi học hỏi các cán bộ nông nghiệp nên sau vài năm vật lộn với đồng ruộng ông đã cải tạo và dần dần làm thay đổi bộ mặt của vùng đất này.
Cần mẫn tích lũy kiến thức, ông đã cùng nông dân thắng “giặc phèn” khai thác thành công vùng đất hoang cuối cùng của Tứ giác Long Xuyên để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với suy nghĩ phải tích tụ nhiều ruộng đất để sản xuất sản lượng lớn mới bán được giá, thu nhập cao ổn định. Qua nhiều năm tích góp, ông Sáu Đức đã đầu tư được 120ha đất sản xuất theo hướng cơ giới hóa.
Trước nhu cầu ngày càng cao về nguồn lúa giống thiếu hụt, ông sử dụng toàn bộ diện tích để sản xuất giống cung cấp cho bà con trong vùng và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Sáu Đức thường được biết đến như một người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đầu những năm 2000, bức xúc vì nông dân làm lúa không thuần, năng suất thấp “nhìn trên đồng lúa 3- 4 tầng… bông cỏ”, ông tìm đến Viện Lúa ĐBSCL, trường đại học… để học quy trình sản xuất lúa giống.
HẠT GIỐNG TỐT CHO MÙA VÀNG BỘI THU
Năm 2009, ông thành lập Công ty TNHH MTV SD nổi tiếng trong vùng, cung cấp lúa giống bình quân 3.000 tấn/năm, có thời điểm vượt 10.000 tấn/năm. Ông còn ký hợp đồng với các hộ nông dân lân cận để thu mua lúa giống giá cao hơn thị trường 800-1.000đồng/kg, giúp các hộ tăng thêm thu nhập từ 600 ngàn-1 triệu đồng/ha.
> Logo đã được đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và được pháp luật công nhận bảo hộ.
> Thương hiệu “lúa giống SD” luôn được sự tín nhiệm của bà con nông dân gần xa.
> Quy trình sản xuất khép kín từ khâu làm đất bằng máy lazer đến máy sấy hạt, đóng bao, kho bảo quản tốt nên chất lượng luôn ổn định.
> Giá cả hợp lý- cung cấp rộng khắp trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn và vận chuyển đến tận nơi bằng đường thủy- bộ.
> Xây dựng nội quy về an toàn phòng cháy và chữa cháy.
> Tuân thủ các quy định về luật bảo vệ môi trường.
Trước phải phân từng khu lung, cao, nông hay gò rồi vác cuốc đi ban vất vả…thì giờ đây với công nghệ chan đất bằng lazer chỉ cần đứng một chỗ mà ruộng lúa vẫn phẳng đều rang. “Chan đất tia lazer giống như nấu cơm bằng nồi cơm điện”- Sáu Đức ví von vui. Bên cạnh đó ông đầu tư cơ giới hiện đại để phục vụ sản xuất với 3 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cày, rồi máy sấy, khử lẫn…
Là một nông dân năng động ham học hỏi làm giàu trên chính quê hương mình, nhận thấy lượng phụ phẩm trong nông nghiệp rơm, rạ, lúa lừng, lúa lép quá nhiều. Sau khi tách hạt giống 300-400 tấn/năm mà đem đốt đi hoặc bỏ lãng phí và nhu cầu về bò giống, bò thịt đang rất lớn. Ý tưởng tận dụng phụ phẩm nhen nhóm trong đầu.
Khi Nhà nước có chủ trương, cuối năm 2013 ông mạnh dạn thuê 71 ha đầu tư thành lập trang trại nuôi bò sinh sản và siêu thịt. Sáu Đức đã mạnh dạn làm đê bao hơn 50ha đất trồng lúa của mình để lập trang trại nuôi bò. Nhờ khéo tính và sáng tạo ứng dụng kỹ thuật, ngay trong thời điểm “cực nhất”, trang trại cũng chỉ cần tối đa 3 công nhân.
Việc ông Sáu Đức lập trang trại nuôi bò và sản xuất bò giống chất lượng cao làm nhiều người bất ngờ. Để thực hiện mô hình này, ông Sáu Đức phải học từ những việc nhỏ nhất, như cách làm chuồng, thức ăn, cách chăm sóc bò đến việc khó nhất là kỹ thuật gieo tinh cho bò giống. Bò nuôi được ông tuyển chọn kỹ từ những giống chất lượng cao, siêu thịt như: Brahman, Red, Angus, Italia và nhập thêm các giống bò Úc, Thái, Pháp…
Năm 2015 đến nay, đàn bò sinh sản được áp dụng theo công nghệ cao, gieo tinh nhân tạo nhiều giống chất lượng tốt. Lúc đầu, ông chỉ thử nghiệm 100 con, nay đã tăng lên 600 con, trong đó có trên 300 con bò cái, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 200 con bê. Đặc biệt, ông Sáu Đức lai tạo ra giống bò ba máu (lai ba dòng) có chất lượng thịt tương đương với bò Kobe của Nhật.
Trong điều kiện đất trồng cỏ chưa đủ đáp ứng nhu cầu thức ăn rất lớn của đàn bò, ông Đức đã tự sáng tạo thêm nguồn “lương khô” cho bò với giá thành thấp bằng cách tận dụng phế phẩm nông nghiệp tại chỗ. Đồng thời ông nghiên cứu sử dụng chế phẩm làm đệm sinh học không chỉ giúp giảm chi phí lao động, mà còn tạo ra nguồn phân tự hoại độc đáo. Sau khi thu dọn có thể bón ruộng ngay và có tác dụng “đánh thức” cả những thửa đất tưởng như bất trị vì còn “ngậm phèn” nặng.
Trong lúc đang có trang trại nuôi bò giống chất lượng cao quy mô lớn thì đầu năm 2017, ông Sáu Đức mở rộng thêm 55ha để trồng chuối già Nam Mỹ. Việc thành lập vườn chuối không chỉ bắt đất phèn “đẻ” ra tiền như mong muốn mà nó còn giúp ông hoàn thiện mô hình nuôi – trồng khép kín của mình.
Ông Đức chia sẻ: “Ngoài sản xuất lúa giống, bán bò giống, bò thịt, tôi thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu thông tin kinh tế thị trường”. Thấy trái cây Việt Nam xuất khẩu tăng, tôi nghĩ vùng đất quê mình còn nhiễm phèn nặng không thể trồng được cây có múi, nên chọn chuối cấy mô là hướng đi đột phá để chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Xây dựng trang trại nuôi bò, trồng cỏ, trồng chuối, tràm, nuôi trùn quế tạo mô hình khép kín. Sau khi thu hoạch chuối, thân chuối chế biến làm thức ăn cho bò, thu gom phân bò ủ thành phân hữu cơ bón cây chuối.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà ông còn giúp đỡ những gia đình khó khăn, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2015 và 2016, ông đã đóng góp 255 triệu đồng để xây dựng 2 cây cầu treo bằng trụ bê tông nối qua Kênh Vĩnh Thành 4 và qua Kênh Nam Vĩnh Tế thuộc ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn.
Thành công hôm nay, ông Sáu Đức cho rằng ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhất là chính sách về vốn vay ưu đãi, cơ sở hạ tầng, chủ trương tích tụ ruộng đất… dành cho doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch, có ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, khi làm ăn lớn, rồi đi tham quan, học tập mô hình nông nghiệp ở những nước phát triển, ông Sáu Đức trăn trở nhiều vấn đề, trong đó có chuyện liên kết giữa các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã. Với ông, liên kết được xem là đường hướng duy nhất để tồn tại và phát triển bền vững trong thời buổi hội nhập như hiện nay.
Hiện nay, doanh thu từ lúa giống, bò và trồng chuối xuất khẩu của công ty ông Sáu Đức lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trừ hết các chi phí còn lời trên 5 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Sáu Đức còn giải quyết công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên. Trong tương lai, ông mong muốn biến khu trang trại của mình trở thành khu du lịch sinh thái.
KÍNH CHÚC BÀ CON TRÚNG MÙA- ĐƯỢC GIÁ
0296.3.787 006 |