Song, đó cũng là lúc kẻ xấu có cơ hội lợi dụng để ăn cắp thông tin cá nhân của trẻ.
Cơ hội cho kẻ xấu
Theo các chuyên gia, việc đăng hình ảnh của con lên mạng xã hội, thậm chí là một bức ảnh ngây thơ trong ngày đầu tiên đi học hoặc chụp trong buổi họp mặt gia đình, có thể khiến chúng dễ bị những kẻ lừa đảo, bắt cóc chú ý.
Những kẻ xấu thậm chí có thể tiến thêm một bước nữa và thay đổi hình ảnh hoặc video kỹ thuật số của trẻ. Sau đó, chúng nhờ tới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo để bắt chước giọng nói nhằm lừa đảo gia đình qua điện thoại.
“Nếu những bức ảnh hoặc video này được đưa lên web đen, chúng thường có thể dẫn đến những tội ác nghiêm trọng hơn, như đánh cắp danh tính hoặc bắt cóc thực sự”, người sáng tạo nội dung tại Mỹ – Alex Hoffman cho biết trong một clip TikTok.
Trong khi đó, sinh viên luật Pepperdine, người cho biết từng làm việc trong lĩnh vực chống tội phạm Internet cho Chính phủ Mỹ nói rằng, nhiều người trong số những kẻ phạm tội này là phụ nữ. Bắt cóc kỹ thuật số đã biến thành một trang web đen miễn phí cho tất cả mọi người nhờ khả năng tiếp cận cuộc sống thông qua mạng xã hội.
Theo tờ Courier Mail của Brisbane (Australia), những kẻ xấu thường giả vờ làm mẹ, sử dụng hashtag (thẻ) #babyrp, viết tắt của “đóng vai em bé”.
“Cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị bắt cóc kỹ thuật số là không đăng bất kỳ hình ảnh nào của con mình lên mạng xã hội”, ông Hoffman cảnh báo, đồng thời, khuyên các phụ huynh nên đăng tải bài viết về con mình trên một tài khoản riêng tư. Bởi, với tài khoản mạng xã hội riêng tư, các phụ huynh có thể quản lý người theo dõi mình một cách chặt chẽ hơn.
Tại mọi thời điểm, Bộ Tư pháp Mỹ ước tính, có tới 50 nghìn kẻ săn mồi trực tuyến. Những kẻ này thường sử dụng mạng xã hội để tiếp cận trẻ vị thành niên. Trong khi đó, hầu hết các trang mạng xã hội đều yêu cầu độ tuổi tối thiểu là 13 để tạo hồ sơ trực tuyến. Ông Hoffman cho rằng, những nền tảng đó vẫn có thể khiến trẻ em dễ bị tổn thương trước kẻ xấu.
Katarina Strode – một bà mẹ ở Bắc Carolina từng đăng ảnh các con của mình lên TikTok và Instagram. Không lâu sau đó, một người lạ bắt đầu đăng lại nội dung của phụ huynh này trên các tài khoản khác.
Chia sẻ với The Post, Strode cho biết: “Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng, những người ngoài kia có thể có ý làm hại con tôi bằng cách ăn cắp ảnh của trẻ và làm bất cứ điều gì họ muốn”. Đây là tình huống mà không ít phụ huynh gặp phải. Vì lý do này, hầu hết cha mẹ là những người sáng tạo nội dung đã loại bỏ bài đăng về trẻ em trên mạng xã hội của họ.
Vào tháng 6 vừa qua, một báo cáo gây chấn động từ Trường Đại học Stanford và Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) đã tiết lộ mức độ phổ biến của hành vi săn mồi trên các trang như Instagram. Kẻ xấu có thể lợi dụng nền tảng mạng này để chia sẻ tìm kiếm các hashtag liên quan đến lạm dụng trẻ em, bất chấp cam kết của công ty mẹ Meta về việc loại bỏ những nội dung đó.
Bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Có thể, mọi người đều quen thuộc với khái niệm bắt cóc. Song, thực tế, bắt cóc kỹ thuật số vẫn còn xa lạ với nhiều người. Mặc dù nó có thể không đáng sợ bằng bắt cóc thực tế, nhưng đây là một loại hành vi trộm cắp danh tính nhắm vào trẻ em.
Đáng báo động là tình trạng này đang ngày càng gia tăng. Tất cả những hành động bắc cóc kỹ thuật số đều vô cùng đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa là nó còn được nâng lên một tầm cao mới – nơi tội phạm mạng đã lợi dụng ảnh của trẻ em để tạo ra danh tính hoàn toàn mới. Thậm chí, kẻ xấu còn sử dụng những danh tính giả này để xâm nhập vào cuộc sống của những đứa trẻ khác. Điều đó có thể dẫn tới những tội ác khủng khiếp.
Thống kê cho thấy, có 2,8 tỷ người dùng mạng xã hội toàn cầu, nghĩa là khoảng 37% tổng dân số thế giới đã tham gia mạng xã hội. Các kênh này đang phát triển theo cấp số nhân, cũng như số lượng hình ảnh trẻ em được lan truyền. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta đăng ảnh của mình và con mà không quan tâm đến việc ai nhìn thấy chúng hoặc những bức ảnh này có thể được sử dụng hay bị đánh cắp như thế nào.
Khi năm học mới bắt đầu, làn sóng hình ảnh xuất hiện trên nhiều mạng xã hội chủ yếu tập trung vào trẻ em. Nhiều phụ huynh không chỉ đăng ảnh ngày đầu tiên trẻ đến trường, mà còn cho con đứng và cầm một tấm biển ghi tên, lớp, trường cũng như giáo viên. Đôi khi, thậm chí, phụ huynh còn đăng cả ảnh trẻ đứng trước hộp thư, số nhà hoặc biển hiệu đường phố.
Mặc dù những bức ảnh tựu trường này được coi là kỷ niệm tuyệt vời, nhưng chúng có thể cung cấp cho kẻ trộm danh tính những phương tiện cần thiết để khám phá thông tin cá nhân của trẻ. Kết hợp những bức ảnh này với khả năng theo dõi thẻ địa lý, tức là siêu dữ liệu địa lý được gán cho các bức ảnh, đó là những dữ liệu hoàn hảo để một tên tội phạm tấn công.
Thậm chí còn xâm phạm hơn, kẻ xấu có thể tìm kiếm trên Facebook để biết thời điểm phụ huynh tổ chức sinh nhật cho con mình. Sau đó, kẻ xấu sẽ thêm ngày sinh đó vào danh sách thông tin của mình. Khi đưa tất cả thông tin này lên mạng, thật dễ dàng nhận ra kẻ lừa đảo có thể ghép tất cả các mảnh lại với nhau để thực hiện hành vi xấu.
Chính vì vậy, các chuyên gia đã nêu ra những lời khuyên để cha mẹ giữ an toàn cho hình ảnh và danh tính của trẻ.
Chọn lọc: Hầu hết mọi người sẽ không ngừng đăng bài trên mạng xã hội. Song, các chuyên gia khuyến khích cha mẹ nên chọn lọc và thận trọng. Đây là một lưu ý nhanh về việc đăng quá nhiều.
Có một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, những người đăng số lượng lớn ảnh lên mạng xã hội có thể mắc một dạng trầm cảm. Nói chung, điều quan trọng là không chỉ nhận thức được thói quen đăng bài của cá nhân, mà còn phải để ý đến những gì bạn bè và thành viên trong gia đình đăng.
Đồng thời, cần chú ý tới tần suất đăng. Việc suy nghĩ trước khi đăng bài là vô cùng cần thiết.
Hạn chế quyền truy cập vào hình ảnh của trẻ: Với tư cách là cha mẹ, phụ huynh hãy cài đặt quyền riêng tư chặt chẽ hơn trên tài khoản xã hội để hạn chế người khác nhìn thấy con mình. Ví dụ, trong tài khoản Facebook của mình, mọi người có thể cân nhắc việc giới hạn các bài đăng chỉ dành cho bạn bè. Thậm chí, đặt chế độ này để người khác không thể xem công khai ảnh đại diện, ảnh bìa,… trên mạng xã hội.
Không chia sẻ vị trí: Hình ảnh của trẻ trong bữa tiệc sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày lễ tại nhà có thể sẽ trở thành manh mối tiết lộ chính xác địa điểm những bức ảnh này được chụp.
Mỗi khi chúng ta chụp ảnh bằng điện thoại thông minh hoặc máy ảnh kỹ thuật số, dữ liệu có tên EXIF sẽ được tạo. Nó bao gồm vị trí chính xác hoặc tọa độ GPS của nơi chụp ảnh. Do đó, các phụ huynh được khuyến cáo xóa thông tin EXIF khỏi điện thoại thông minh và máy ảnh kỹ thuật số. Cách làm này giúp bảo vệ thông tin vị trí cá nhân.
Hãy tuân theo nguyên tắc vàng: Không ai muốn người khác đăng ảnh của mình lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý và ngược lại. Do đó, cha mẹ cần dạy con mình không chia sẻ ảnh của người khác mà không xin phép.
Hãy nhớ rằng, Internet là mãi mãi. Hãy nhớ rằng không có gì thực sự bị xóa khỏi web. Phương tiện truyền thông xã hội vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chúng ta không thực sự hiểu được tác động lâu dài của các bài đăng trên mạng xã hội. Thậm chí, chúng ta cũng chưa nắm bắt hết những điều có thể ảnh hưởng tới cách nuôi dạy con. Do đó, theo các chuyên gia, việc nhận thức được ranh giới và giữ vững quan điểm sẽ giúp phụ huynh xác định lợi ích và tác hại mà một bài đăng có thể gây ra đối với một đứa trẻ đang lớn. |