Nhận con nuôi là mong muốn chính đáng và nhân văn đối với nhiều gia đình hiếm muộn. Vì mục tiêu đó, nên hoạt động này được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, bất chấp quy định đó, chỉ cần gõ vài cụm từ tìm kiếm “cho và nhận con nuôi” trên các trang tìm kiếm sẽ cho nhiều kết quả, với hàng nghìn thành viên trên đó.
Tại các nhóm này, mỗi ngày đều có nhiều phụ nữ mang thai đăng tin muốn cho con với đầy đủ thông tin về tuần thai, ngày dự sinh, giới tính thai nhi, kèm điều kiện bồi dưỡng trước và sau sinh. Chưa biết thực hư việc cho và nhận con thế nào nhưng đó là hồi chuồng báo động về lối sống dễ dãi của các bạn trẻ. Đồng thời nó là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng mua bán trẻ em hoạt động.
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc cho và nhận con nuôi là một nhu cầu thực tế và chính đáng trong xã hội. Do đó, Việt Nam đã ban hành Luật nuôi con nuôi số 52/2010/QH12 ngày 17/06/2010 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2011).
Theo đó: “Nhà nước bảo hộ quyền nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” (Điều 6). Tuy nhiên, việc cho và nhận con nuôi phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, cũng như phải thực hiện các thủ tục đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp xã, Sở Tư pháp cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài) theo đúng quy định của pháp luật.
“Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.” (Khoản 2 Điều 4). Các hành vi “lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em ; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi, hoặc Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc” thì đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, không được phép thực hiện (Điều 13)- luật sư Hùng phân tích.
Theo luật sư Hùng, hiện nay, trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hội nhóm, diễn đàn về cho và nhận con nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các hội nhóm hoặc diễn đàn này đều không chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng, nhiều nội dung hoạt động không đúng quy định của pháp luật, luôn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, cả người cho và người nhận con nuôi đều có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, hoặc lợi dụng việc cho nhận con nuôi để trục lợi, thậm chí là lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để thực hiện các hành vi mua bán trẻ em. Đây đều là các hành vi trái pháp luật, tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Về chế tài hành chính: Theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 62 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ thì các hành vi “lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hâu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về chế tài hình sự : Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”, thì sẽ phạm tội “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Và việc “lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội” được coi là tình tiết định khung tăng nặng của tội danh này, với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mặt khác, theo luật sư, những hành vi lợi dụng việc cho và nhận con nuôi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác cũng là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tại các diễn đàn, hội nhóm cho nhận con nuôi trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến rằng, nên làm giả các loại giấy tờ (Giấy chứng sinh hoặc các loại giấy tờ khác), để né tránh các thủ tục pháp lý, hợp thức hóa việc cho nhận con nuôi không đúng quy định pháp luật.
Luật sư Hùng khẳng định, đây đều là các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, sẽ phải chịu các chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sụng là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo vị luật sư này, nếu người cho, người nhận con nuôi hoặc người môi giới có sự thông đồng, cấu kết với nhau để cố ý cùng thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên, thì đều bị coi là đồng phạm, và phải chịu các chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Khi có nhu cầu cho hoặc nhận con nuôi thì mọi người nên hết sức thận trọng, không nên tìm đến các kênh môi giới, trung gian trên mạng xã hội mà nên liên hệ, làm việc với các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em hoặc các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp khác, hoặc đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi mình thường trú. Nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết. (Điều 16 Luât nuôi con nuôi năm 2010)”- Luật sư Hùng nói.
Đồng thời, theo vị luật sư này, cũng nên có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về người cho hoặc người nhận con nuôi, cũng như người được nhận làm con nuôi và các quy định của pháp luật có liên quan. Và đặc biệt là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi, tuyệt đối không thực hiện theo các lời xúi dục, hướng dẫn trái pháp luật, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, để phòng tránh các rủi ro, rắc rối và các vướng mắc pháp lý có thể phát sinh./.