“Duyên phận” chưa dứt của người dân núi Dành với loại dược liệu tiến vua

“Duyên phận” chưa dứt của người dân núi Dành với loại dược liệu tiến vua

Sâm Nam núi Dành là một trong những dược liệu quý hiếm được phát hiện tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Loại sâm quý này mọc ở núi Dành và có những giai đoạn gần như tuyệt diệt. Qua nhiều thăng trầm, giống sâm quý hiếm này không những được hồi sinh mà còn đang trở thành một trong những loại cây trồng có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Sự hồi sinh kỳ diệu của loại sâm quý

Từ hàng nghìn năm trước, sâm Nam núi Dành đã được coi là một loại thần dược. Theo ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí”: Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế có da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành ngày nay, thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ghi chép trên cũng cho biết: Sâm Nam núi Dành từ xưa đã được đánh giá là loại dược liệu tốt, là đặc sản tiến vua. 

Tiếng lành đồn xa nên nhiều người đến núi Dành để tìm kiếm, khai thác khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Cho đến những năm 70 của thế kỷ 20, sâm Nam gần như biến mất. Thậm chí hình ảnh và công dụng của sản vật này cũng mờ nhạt trong tiềm thức người dân nơi đây. Sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học và lãnh đạo, chính quyền huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, sâm Nam núi Dành không những được hồi sinh mà còn trở thành sản phẩm được nhiều người biết tới. 

Dưới chân núi Dành là bạt ngàn những vườn sâm Nam

Dưới chân núi Dành là bạt ngàn những vườn sâm Nam

“Dược tiên” trên đỉnh núi Dành

Giống Sâm Nam Núi Dành là loài dây leo mảnh, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị ngọt mát… Sâm có hai loại: sâm năm lá và loại sâm ba lá. Cả hai loại sâm này đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Thời điểm thu hoạch sâm cho giá trị cao nhất là từ 4 – 7 năm tuổi. Thời điểm đó, sâm có chiều dài khoảng từ 30-40cm, đường kính ~ 2,34 cm, khối lượng đạt 90 – 112g. Giá tiêu thụ sâm củ loại 1 hiện nay trên thị trường khoảng 2 triệu đồng/kg củ tươi. 

Sau một thời gian phát triển, sản vật “độc nhất vô nhị” của quần thể núi Dành đang trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Tân Yên với tổng diện tích trồng toàn hiện lên tới gần 100 ha, tập trung thành vùng sản xuất tại các xã Việt Lập, Liên chung, An Dương và Quang Tiến, thị trấn Cao Thương. Sâm nam núi Dành cũng được tổ chức sản xuất theo quy trình rất nghiêm ngặt từ việc lựa chọn nhân giống cây đầu dòng bố mẹ để cho ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất đến quy cách chăm sóc đúng thời vụ kết hợp với phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGap. 

Ông Thân Hải Đăng,Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam Núi Dành cho biết: Gia đình ông may mắn được cụ thân sinh để lại cho cây sâm tổ trong góc vườn làm thuốc chữa bệnh. Ông không giữ cho riêng mình tiếp tục kế thừa phát triển. Năm 2008, ông quyết định đem nhân giống đồng thời hướng dẫn bà con trong vùng trồng thêm để “hồi sinh” loại sâm quý hiếm này. 

Năm 2020, ông Đăng cùng 11 thành viên trong xã Việt Lập, huyện Tân Yên thành lập HTX để đưa hoạt động trồng, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ Sâm nam Núi Dành theo quy trình chuẩn. HTX hiện có hơn 10ha trồng sâm với 4 loại sản phẩm chính: Sâm nam Núi Dành khô; Rượu ngâm sâm; Sâm ngâm mật ong; Nụ hoa sâm khô. Trong đó, sản phẩm hoa Sâm nam Núi Dành khô được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận công bố sản phẩm OCOP 4 sao. 

Vườn sâm Nam của ông Thân Hải Đăng, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam Núi Dành

Vườn sâm Nam của ông Thân Hải Đăng, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam Núi Dành

Đa dạng hoá sản phẩm từ sâm Nam núi Dành

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khi phân tích hàm lượng saponin tổng số, sâm núi Dành đạt trung bình 3 – 3,5%, không thua kém gì nhân sâm Hàn Quốc. Các đặc thù của sâm Nam có được là do điều kiện độc đáo về mặt tự nhiên của núi Dành hình thành nên. Đất ở khu vực này được tạo nên từ hệ tầng Vân Lãng, có tầng đất dày trên 50 cm, tơi xốp, giàu hợp chất hữu cơ và chất vi lượng. Đặc biệt, “tuổi đời” của sâm càng cao thì hàm lượng saponin tìm thấy càng nhiều, giá thành cũng càng cao. Các hoạt chất có trong sâm Nam được các nhà khoa học khẳng định là có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hoá, rất tốt cho sức khoẻ. 

Với khát vọng giữ gìn và bảo tồn sản vật quý, vươn lên làm giàu từ tài nguyên bản địa, có thể nói, những người nông dân Bắc Giang đã thành công trong việc bảo tồn, phát triển bền vững cây sâm Nam. Thời gian tới, để “mở lối” cho loại sâm quý vươn tới những thị trường giàu tiềm năng, các chủ thế, HTX, các nhà khoa học, ngành chức năng và chính quyền các cấp sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống để tạo ra cây giống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nguồn giống để mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương nhân trong và ngoài nước, tìm kiến đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống phân phối, bán lẻ thuộc các tập đoàn, siêu thị lớn; bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo … 

Một số sản phầm được chế biến từ cây và hoa sâm Nam núi Dành

Hy vọng sâm Nam núi Dành sẽ vươn mình, trở thành cây trồng của người Việt, đưa sản phẩm sâm Nam núi Dành là sản phẩm uy tín, chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và xem đây là niềm tự hào của người dân Bắc Giang.

       Huyện Tân Yên có khoảng 125 ha sâm được trồng tại các xã: Việt Lập, Liên Chung, Quang Tiến và thị trấn Cao Thượng. Năm 2024 toàn huyện có hơn 18 ha cho thu hoạch củ, sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115 ha cho thu hoạch hoa, sản lượng ước đạt hơn 60 tấn. Trên địa bàn huyện Tân Yên có khoảng 16 DN, HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm sâm Nam núi Dành với nhiều sản phẩm phong phú như: Nụ hoa sâm, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi Dành, rượu sâm, trà hoa sâm, mỳ gạo sâm, bánh sâm… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân.

       Thảo Ngân – Thu Anh