Chống hàng giả trong thương mại điện tử: Còn nhiều thách thức!

Chống hàng giả trong thương mại điện tử: Còn nhiều thách thức!

(VietQ.vn) – Hàng giả trong thương mại điện tử hiện nay ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn phức tạp. Do đó việc ngăn chặn và chống hàng giả là thách thức không nhỏ.

Giao dịch hàng hóa qua kênh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sự phát triển của Internet đã tạo nền tảng và cơ chế mới để giao dịch hàng hóa và dịch vụ – Đó là thương mại điện tử. Cơ chế kinh doanh này đang phát triển mạnh mẽ trong các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, kinh tế Internet của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực với tốc độ tăng trưởng khoảng 31%. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng và xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới?

Thương mại điện tử Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển tương đối dài. Đến nay, thương mại điện tử đã trở nên tương đối phổ biến trong đời sống thường ngày, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiến hành, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD. Dự báo trong giai đoạn 2023 – 2025, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử khoảng 20 – 25%/năm.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD.

Thương mại điện tử ngày càng trở thành một kênh mua sắm quan trọng nhưng cũng không ít hàng giả gây nhức nhối xã hội. Ảnh minh họa

Báo cáo này cũng cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam.

Theo Báo cáo của Amazon Global Selling, trong vòng 12 tháng tính đến 31/8/2022, 10 triệu sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra trên các gian hàng Amazon (cùng kỳ trước đó là 7,2 triệu sản phẩm – tăng gần 40%), số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon cũng tăng hơn 80% và giá trị xuất khẩu của nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%.

Như vậy, có thể nhận thấy xu hướng phát triển của thương mại điện tử ngày càng trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp dần dành sự quan tâm lớn hơn cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, bên cạnh tính ưu việt mà hình thức kinh doanh này mang lại, các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả đã khai thác khá thành công loại hình kinh doanh này (đặc biệt là các kênh phân phối) để mang lại lợi nhuận bất hợp pháp. Có rất ít rủi ro bị phát hiện vì số lượng hàng hóa được vận chuyển trong các bưu kiện và gói thư riêng lẻ thường nhỏ và các lô hàng được trộn lẫn với rất nhiều mặt hàng khác được giao dịch hợp pháp. 

Thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát và nhiều thách thức trong việc ngăn chặn

Thực tế cho thấy, mặc dù các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, song tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Tiktok, Shopee, Tiki,…

Mặc dù các bên liên quan đã thực hiện nhiều hành động chống hàng giả, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể. Nghiên cứu cho thấy mạng lưới tội phạm đã có những phản ứng nhanh chóng, lợi dụng những kẽ hở pháp lý để thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn sử dụng các biện pháp công nghệ để linh hoạt thích ứng, che giấu tội phạm bị phát hiện. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và các ngành công nghiệp sử dụng kênh thương mại điện tử cần phải được kiểm tra, rà soát thường xuyên. Trong các thách thức quan trọng được giải quyết có thể kể đến.

Thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn. Ngoài ra, rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư. Bởi lẽ, hầu hết các nền kinh tế đều áp dụng miễn trừ tối thiểu theo Điều 60 của Hiệp định TRIPS đối với hàng hóa nhập khẩu qua đường bưu điện với số lượng hạn chế, thay vì chỉ áp dụng cho hàng hóa được hành khách sử dụng cho mục đích cá nhân khi di chuyển

Quy định pháp luật nhiều quốc gia chưa đầy đủ và hiệu quả. Chế tài xử lý và các biện pháp ngăn chặn hàng giả chưa đủ sức răng đe. Phần thưởng cho việc đấu tranh chống hàng giả chưa thỏa đáng. Lỗ hổng thực thi và năng lực thể chế hạn chế đã và đang bị những kẻ làm hàng giả và mạng lưới tội phạm lợi dụng triệt để. Quy định trách nhiệm của các nhà điều hành nền tảng đối với việc chống hàng giả chưa được cụ thể hóa.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin và cộng tác giữa các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân. Các nhà khai thác nền tảng chưa đủ linh hoạt để đối phó với các mối đe dọa mới, đa dạng và phức tạp. Phạm vi trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại trực tuyến (hãng chuyển phát nhanh, phương tiện truyền thông xã hội, cơ quan xử lý thanh toán và công cụ tìm kiếm…) chưa rõ ràng.

Việc giám sát và kiểm tra các nhà bán lẻ trung gian (third-party sellers) chưa đầy đủ. Cùng với đó, việc bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên quan trong thương mại trực tuyến gặp nhiều thách thức.

Thương mại điện tử đã và đang khẳng định là xu hướng phát triển tất yếu của hoạt động thương mại trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Trong quá trình đó, đối với mọi quốc gia, phát triển luôn song hành cùng thách thức. Từ góc độ của nước đang phát triển, Việt Nam rất cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kết hợp với đặc thù đất nước để giải quyết tốt bài toán hội nhập và phát triển.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/chong-hang-gia-trong-thuong-mai-dien-tu-con-nhieu-thach-thuc-d213478.html