Sửa Nghị định 123/2020/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp

Sửa Nghị định 123/2020/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp

(TCT online) – Để tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ, ngày 21/11, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế Việt Nam cùng một số DN trong và ngoài nước.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Chủ trì buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh, để hoàn thiện Nghị định 123, ngành Thuế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cơ quan thuế các tỉnh, TP, VCCI và một số DN. Tiếp tục tinh thần lắng nghe các tham gia góp ý, Tổng cục Thuế tiếp tục tổ chức buổi làm việc với các DN, hiệp hội để tìm giải pháp tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử. Đồng thời, xây dựng chính sách khách quan, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN, người dân cũng như công tác quản lý thuế.

Theo Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cộng đồng DN đánh giá cao tinh thần cầu thị của Tổng cục Thuế trong việc xây dựng chính sách thuế nói chung và nội dung sửa đổi Nghị định 123 nói riêng. Việc ngành Thuế tổ chức triển khai lấy ý kiến nhiều lần của DN để sửa đổi chính sách pháp luật là cách tiếp cận kỹ lưỡng và phù hợp. VCCI ủng hộ sửa đổi Nghị định 123 theo hướng công khai, minh bạch bảo vệ người tiêu dùng và DN. Qua đó, đảm bảo tính khả thi và có lộ trình triển khai rõ ràng để DN có thể thực thi, không tăng chi phí quá lớn, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của DN.

Góp ý việc sửa đổi Nghị định 123, đại diện Công ty CP Tập đoàn Massan nêu ý kiến, dự thảo nghị định sửa Nghị định 123 có nêu các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Quy định này khiến DN phải đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khá lớn, cũng như mở rộng hệ thống truyền nhận dữ liệu, bởi số lượng hóa đơn có thể tăng từ 350 nghìn/tháng lên khoảng 18-20 triệu hóa đơn/tháng. Ngoài chi phí còn vấn đề vận hành, bởi chỉ tính riêng tại khu vực Hà Nội, DN có đến 2.500 máy tính tiền (POS) trong khi đó theo quy định, việc xuất hóa đơn phải là duy nhất và theo thứ tự là rất khó khăn, chưa kể đến công tác đối chiếu thanh tra, kiểm tra, hoặc lỗi mạng. Do đó, Tổng cục Thuế nên nghiên cứu để phân loại, đối với DN lớn làm ăn bài bản, cần có chính sách đặc thù để giảm gánh nặng.

Còn theo bà Phạm Thị Thùy Linh, Trưởng nhóm thuế các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM, việc xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh là để bảo vệ người tiêu dùng cũng như quản lý chặt chẽ doanh thu tính thuế. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người tiêu dùng không có nhu cầu lấy hóa đơn và các DN bán lẻ lớn đã có hệ thống quản lý thông tin chi tiết, nên khi cần cơ quan thuế có thể tra cứu từng giao dịch. Do đó, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu cho phép xuất hóa đơn tổng cho khách hàng không có nhu cầu xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn cuối ngày để giảm chi phí cho DN mà vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế.

Ông Phạm Bình Minh, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội phản ánh, thời gian qua các DN kinh doanh taxi đã chuyển đổi số mạnh mẽ, theo đó, việc thu có thể theo trên đồng hồ tính tiền hoặc qua app điện thoại. Trên thực tế, số tiền trên đồng hồ và trên app có thể chênh lệch nhau khá nhiều do các chương trình khuyến mãi. Chính vì vậy việc đối soát sẽ có độ trễ nhất định khiến thời gian kê khai, xuất hóa đơn có thể bị chậm. Do đó, Tổng cục Thuế nên xem xét giãn thời gian này.

Tại buổi làm việc, đại diện một số DN cũng đề xuất, quy định hóa đơn phải thể hiện mã số định danh của người mua là không khả thi, bởi người bán không thể yêu cầu người mua phải kê khai thông tin về mã số định danh, vì đây là những thông tin cá nhân. Thêm vào đó, người bán không có cơ chế xác nhận việc mã số định danh do người mua cung cấp là có chính xác hay không, có đáp ứng điều kiện “mã định danh theo quy định pháp luật và xác thực điện tử” hay không… để thể hiện lên hóa đơn. Việc này sẽ gây rủi ro cho DN khi thực hiện xuất hóa đơn, nên cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Sau khi lắng nghe ý kiến của DN, đại diện các cục, vụ chức năng của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã giải đáp làm rõ các thắc mắc của DN.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của VCCI, các DN, hiệp hội DN. Quan điểm của Tổng cục Thuế là xây dựng chính sách công khai, công bằng, tạo thuận lợi hơn cho các DN làm ăn chân chính cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123. Để chính sách thuế tiệm cận với thực tế hoạt động của DN, thời gian tới Tổng cục Thuế tiếp tục tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi những nội dung khác tại Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN. Do đó, rất mong các DN tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng để hệ thống chính sách thuế ngày càng minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế cũng như sự phát chung của nền kinh tế./.

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/40f93fc7-95a3-436e-aaa9-b1d5f09d4c80