Vì sao doanh nghiệp kinh doanh bếp điện từ nên chứng nhận hợp quy cho sản phẩm?

Vì sao doanh nghiệp kinh doanh bếp điện từ nên chứng nhận hợp quy cho sản phẩm?

(VietQ.vn) – Đối với nhà sản xuất và nhập khẩu bếp điện từ, giấy chứng nhận và dấu hợp quy là bằng chứng tin cậy cho khách hàng, đối tác liên quan tin tưởng khi mua và sử dụng những sản phẩm bếp điện từ của doanh nghiệp…

Chứng nhận hợp quy bếp điện từ theo quy chuẩn nào?

Đối với vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm bếp điện, bếp điện từ, Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Tới năm 2018, phần sửa đổi 1 của quy chuẩn có bổ sung thêm sản phẩm bếp điện từ vào danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN trước khi đưa ra thị trường. Quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp từ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ KH&CN đã quy định rõ, các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, kinh doanh và nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải thực hiện công bố hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

QCVN 9:2012/BKHCN đã nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chuẩn. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật của quy chuẩn này.

 Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận liên quan đến EMC của thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy.

Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).

Lợi ích của doanh nghiệp khi chứng nhận hợp quy bếp điện từ

Đối với nhà sản xuất và nhập khẩu bếp điện từ, giấy chứng nhận và dấu hợp quy là bằng chứng tin cậy cho khách hàng và các đối tác liên quan tin tưởng khi mua và sử dụng những sản phẩm bếp điện từ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua hoạt động đánh giá và chứng nhận sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện về hệ thống quản lý chất lượng. Chất lượng sản phẩm sẽ luôn ổn định và nâng cao khi doanh nghiệp tiếp tục duy trì liên tục sự phù hợp này theo yêu cầu đã được sử dụng để đánh giá, chứng nhận.

Đối với người tiêu dùng, có thể yên tâm về sức khỏe, môi trường sinh thái vì sản phẩm được sản xuất trong điều kiện đảm bảo chất lượng và an toàn. Đối với cơ quan quản lý, việc doanh nghiệp đã được chứng nhận hợp quy sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng quản lý sản phẩm, thậm chí giảm số lượng các cuộc kiểm tra theo quy định (bởi doanh nghiệp đã có bằng chứng chứng minh chất lượng sản phẩm).

Phong Lâm

Nguồn: https://vietq.vn/vi-sao-doanh-nghiep-kinh-doanh-bep-dien-tu-nen-chung-nhan-hop-quy-cho-san-pham-d212934.html