Thông báo về quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đài Loan và Australia

Thông báo về quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đài Loan và Australia

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT), khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Đài Loan và Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý một số quy định mới tại các nước này như sau:

Thứ nhất: Xuất khẩu bưởi sang thị trường Australia

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT) vừa ban hành Văn bản số 147/SPS-BNNVN gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) liên quan đến việc Australia ban hành dự thảo phân tích rủi ro đối với bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam.


Xuất khẩu bưởi sang Australia – Ảnh minh họa

Quả bưởi tươi được sản xuất từ Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học dưới đây.

         Một là: Trái bưởi tươi của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại, bao gồm: rầy cam quýt châu Á (Diaphorina citri), nhện giả (Brevipalpus phoenicis), ruồi đục quả khế (Bactrocera carambolae), ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), ruồi đục quả đào (Bactrocera zonata), ruồi dưa (Zeugodacus cucurbitae), ruồi đục quả bí ngô (Zeugodacus tau), rệp sáp bột ca cao (Exallomochlus hispidus), rệp sáp bột cà phê (Planococcus lilacinus), rệp sáp (Rastrococcus pentagona), rệp sáp (Parlatoria cinerea), rệp sáp vẩy da giáp (Parlatoria ziziphi), rệp sáp vảy dâu tằm (Pseudaulacaspis pentagona), nhện đỏ cam quýt (Panonychus citri), nhện Kanzawa (Tetranychus kanzawai), bọ trĩ ớt (Scirtothrips dorsalis), bọ trĩ hành (Thrips tabaci), vi khuẩn bệnh thối nhũn trên cây có múi (Xanthomonas citri subsp. citri).

        Hai là: Đối với các loài rầy: vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro do loài rầy này gây ra trên quả bưởi và được Bộ NN&PTNT phê duyệt; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống rầy, khử trùng bằng methyl bromide.

        Ba là: Đối với các loài ruồi: vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống ruồi đục quả như chiếu xạ.

       Bốn là: Đối với các loài nhện giả, rệp sáp, côn trùng có vảy, nhện đỏ và bọ trĩ: yêu cầu kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu và nếu phát hiện phải có biện pháp khắc phục.

        Năm là: Đối với bệnh thối nhũn trên cây có múi: phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh gây ra trên quả bưởi và được Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Thứ hai: Những quy định mới khi xuất khẩu sang thị trường Đài Loan

Văn phòng SPS Việt Nam mới có công văn thông báo quy định mới của thị trường Đài Loan về hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan công bố áp dụng quy định cho hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC.


Xuất khẩu ớt sang Đài Loan – Ảnh minh họa

Cụ thể, hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 0904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm sudan.

Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu được 3,1 nghìn tấn ớt với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 triệu USD, về lượng tăng 17,6% và về trị giá tăng mạnh 52,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc và Lào là hai thị trường xuất khẩu chính lần lượt đạt 2,7 nghìn tấn và 259 tấn, chiếm 95,9% tổng lượng xuất khẩu.

Hiện nay, tại Việt Nam, ớt được trồng nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tổng diện tích trên 7.000 ha, ớt cho sản lượng khoảng 100 nghìn tấn một năm. Ngoài ra, ớt còn được trồng tại Tây Nguyên với diện tích trồng từ 4.000 – 5.000ha, sản lượng khoảng 60 nghìn tấn một năm.

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/thong-bao-ve-quy-dinh-moi-khi-xuat-khau-hang-hoa-sang-thi-truong-dai-loan-va-astralia/