Bộ Tài chính nói gì về thông tin giá vé máy bay tăng cao do chịu nhiều thuế, phí

Bộ Tài chính nói gì về thông tin giá vé máy bay tăng cao do chịu nhiều thuế, phí

(TCT online) – Trước một số dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế, phí không hề nhỏ, Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), khẳng định, thực chất đây là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không được quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải, chứ không phải là khoản phí thuộc NSNN theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

ảnh: Itn

Cụ thể, thời gian qua một số ý kiến cho rằng, theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Ngoài ra, hãng bay còn phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không. Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.  

Vậy thực chất 20 loại phí được nêu trên là gì? Các khoản thuế phí đó có được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí hay không? Trả lời câu hỏi này, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc NSNN theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, tại Khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và Khoản 3 Điều 1 Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 quy định, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Đồng thời, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,…

Như vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao Thông vận tải.

Theo quy định tại Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế – xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.  

Bên cạnh đó, các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay. Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. Số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng.  

 Hương Quỳnh

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/4accfdd2-65cf-4cab-a65e-ceb7457a5bb7