7 loại trà tốt nhất cho sức khỏe đường ruột

7 loại trà tốt nhất cho sức khỏe đường ruột

Ngoài dùng men vi sinh, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhiều hơn, uống trà là cách đơn giản để cải thiện đường ruột và sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 7 loại trà tốt nhất cho đường ruột, dựa trên 10 bài đánh giá của các chuyên gia sức khỏe về hàm lượng dinh dưỡng và chất chống ôxy hóa có lợi cho hệ tiêu hóa của chúng:

Trà bồ công anh. Ảnh: The Healthy

1. Trà bạc hà. Dù uống nóng hoặc lạnh, trà bạc hà đều rất tốt trong việc xoa dịu cơn đau ở bụng hoặc trị chứng khó tiêu. Loại trà này cũng giúp thải khí trong đường tiêu hóa nên có tác dụng làm giảm đầy hơi, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS).

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, nhiều nghiên cứu cho thấy bạc hà giúp loại bỏ cơn đau trong hệ tiêu hóa bằng cách thư giãn cơ trơn trong ruột để giảm co thắt cơ. Bạc hà cũng có thể cải thiện dòng chảy của mật, giúp thức ăn được tiêu hóa và đi qua ruột nhanh chóng.

2.  Trà gừng. Gừng là một phương thuốc chữa bệnh tiêu hóa lâu đời trong Ðông y. Không chỉ xoa dịu cơn buồn nôn, gừng còn làm tăng nhu động ruột để tiêu hóa thức ăn. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng giúp ức chế cảm giác buồn nôn trong khoảng 1-6 giờ, tốt cho cả phụ nữ mang thai bị ốm nghén, bệnh nhân đang hóa trị và người hay bị say tàu xe.

Trang tin sức khỏe Well and Good dẫn nghiên cứu cho thấy gừng làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, nhờ đó ngăn ngừa chứng khó tiêu, giảm co thắt ruột và chống đầy hơi.

3. Trà thì là. Ðược làm từ hạt của cây thì là, trà thì là có thể ở dạng bột hoặc nguyên hạt. Giống như bạc hà, đây là một loại thảo dược giúp giảm đầy hơi. Bản thân hạt thì là có một lượng lớn chất xơ nên khi được tiêu thụ sẽ rất tốt cho quá trình tiêu hóa, còn khi dùng làm trà, chúng có đặc tính chống vi khuẩn và chống viêm có thể chữa chứng rối loạn tiêu hóa.

Ở nhiều nước Ðông Nam Á, hạt thì là cũng thường được tiêu thụ sau bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa.

4. Trà hoa cúc. Ngoài tác dụng giúp thư giãn và ngủ ngon, trà hoa cúc còn tốt cho hệ tiêu hóa, gồm giúp ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược axit và đầy hơi.

Theo các chuyên gia, loại trà này từ xưa đã được sử dụng để đẩy lùi tình trạng viêm đường tiêu hóa, còn hiện nay nó được biết đến như một thảo mộc bảo vệ dạ dày, giúp thư giãn các mô cơ trơn của đường tiêu hóa. Ngoài ra, uống một tách trà hoa cúc trước hoặc sau bữa ăn cũng giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

5. Trà rễ cam thảo. Trà rễ cam thảo làm tăng sản xuất chất nhầy và giúp bảo vệ dạ dày khỏi axit dư thừa. Các flavonoid trong trà này có thể giúp ngăn ngừa và điều trị loét dạ dày. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện cam thảo là một thảo dược có tác dụng kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi hoặc tạo ra các thể thực khuẩn để tiêu diệt virus hoặc sinh vật có hại.

6. Trà xanh. Là “siêu thực phẩm” nổi tiếng của thế giới tự nhiên, trà xanh có khả năng trung hòa các độc tố có hại có trong môi trường nhờ dồi dào chất chống ôxy hóa. Trà xanh cũng rất giàu polyphenol và catechin có lợi cho hệ tiêu hóa, bao gồm có tác dụng chống viêm, giúp điều trị các bệnh viêm ruột, viêm dạ dày và viêm loét đại tràng.

Uống trà xanh còn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột, đồng thời củng cố thành ruột, phòng chống tình trạng rò rỉ ruột.

7. Trà bồ công anh. Một số nghiên cứu cho thấy bồ công anh có thể làm dịu một số rối loạn tiêu hóa như viêm dạ dày và viêm ruột. Bồ công anh chứa carbohydrate inulin, một loại chất xơ hòa tan hỗ trợ sự phát triển và duy trì vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy loại thảo dược này có tác dụng giảm bớt tình trạng viêm ở toàn bộ đường tiêu hóa. “Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả của nó trong việc giải quyết chứng trào ngược axit, khó tiêu, viêm dạ dày, loét và viêm đại tràng – những thủ phạm phổ biến gây ra tình trạng đầy hơi” – theo chuyên trang sức khỏe Healthline.

HOÀNG ÐIỂU (Theo Study Finds)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/7-loai-tra-tot-nhat-cho-suc-khoe-duong-ruot-a169648.html