Những người ‘độc thân ký sinh’ ở Nhật Bản

Những người ‘độc thân ký sinh’ ở Nhật Bản

Theo giáo sư Masahiro Yamada, “độc thân ký sinh” là những người sống phụ thuộc toàn bộ vào cha mẹ, không thể làm gì khác ngay cả khi cha mẹ qua đời.

Trong một trung tâm mai mối ở Tokyo, nhóm người trang phục chỉn chu đang ngồi quanh bàn rì rầm trò chuyện. Họ trao đổi hồ sơ cá nhân, nói vài câu khách sáo. Tất cả đang tìm kiếm bạn đời với sự giúp đỡ của trung tâm mai mối. Ngay cả khi đó, bố mẹ họ cũng phải đi cùng.

Một bà mẹ (áo hoa, bên trái) đưa con gái (phải) đến dự “tiệc mai mối” ở Tokyo. Ảnh: AFP.

Một phụ nữ 38 tuổi giấu tên nói, cô “không có can đảm” đi tìm người yêu và rời khỏi căn nhà nơi đang sống với mẹ đẻ. Chính mẹ đã đưa cô đến với “bữa tiệc mai mối” này. Cô nói: “Tôi không có nhiều cơ hội tốt để gặp gỡ mọi người. Nơi tôi làm toàn phụ nữ, rất hiếm đàn ông. Đó là lý do chúng tôi đến đây”.

Một người đàn ông 74 tuổi đến “tiệc mai mối” cùng con trai 46 tuổi của mình. Ông chỉ ra một vấn đề khác mà con đang gặp phải: quá nhút nhát. Ông kể: “Con trai tôi là một nhân viên bán hàng. Nó giỏi giao tiếp với khách hàng, nhưng lại rất ngại ngần khi nhắc đến phụ nữ. Nó cũng quá bận rộn để tự tìm kiếm bạn đời”. Người đàn ông có ba con, con gái lớn nhất đã kết hôn, trong khi con út là một bác sĩ ở Mỹ, hiện 34 tuổi và vẫn độc thân. Ông bày tỏ sự lo lắng: “Người ta nói nữ bác sĩ thật khó mà tìm chồng”. Ông hiện ở với con trai thứ hai của mình, và anh này cũng chưa có vợ. 

Giáo sư xã hội học Masahiro Yamada từ Đại học Chuo, Tokyo từng đưa ra định nghĩa về nhóm người đặc biệt này trong xã hội Nhật Bản. Ông gọi họ là những người “độc thân ký sinh”, tức là nhóm đối tượng sống phụ thuộc toàn bộ vào cha mẹ, bao gồm nhà ở, tiền chi tiêu, các nhu yếu phẩm hàng ngày và cả chuyện giặt ủi, ăn uống… Theo giáo sư, có nhiều lý do khiến nhóm người này hình thành, một trong đó là vì họ cho rằng thật lãng phí thời gian xây dựng mối quan hệ với người không đáp ứng được các tiêu chuẩn họ đề ra.

Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản năm 2019, khoảng một phần tư công dân của nước này ở độ tuổi 20-49 vẫn đang độc thân. Trong khi họ vẫn mong muốn kết hôn nhưng các áp lực kinh tế ngày một tăng khiến cho việc đó ngày càng trở nên khó khăn.

Một thống kê khác do Viện Nghiên cứu Thống kê và Đào tạo (Statistical Research and Training Institute) thực hiện từ năm 2016 cho biết, khoảng 4,5 triệu người Nhật độ tuổi 34-54 đang sống cùng cha mẹ. Không một đồng tiết kiệm, không lương hưu, những người “ký sinh trùng” này đe dọa tạo thêm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội vốn đang ọp ẹp, do áp lực từ dân số già của Nhật Bản lẫn việc lực lượng lao động đang thu hẹp.

Giáo sư Yamada lý giải thêm, việc những người trẻ trưởng thành tiếp tục sống với cha mẹ cho đến khi kết hôn được coi là một điều bình thường, điều đó cũng có nghĩa áp lực trong việc tìm kiếm bạn đời sẽ giảm xuống. Ngoài ra, những khó khăn trong việc tìm nhà ở khiến hiện tượng này ngày càng tăng. Hiện nay, khoảng 20% những người độc thân ở với cha mẹ để được hỗ trợ, họ là những “ký sinh trùng” thực sự. Sau khi sử dụng toàn bộ tài sản thừa kế và tiền tiết kiệm, họ sẽ tìm đến sự hỗ trợ tài chính của chính phủ. Đây được coi là một “quả bom hẹn giờ” âm thầm của nước Nhật, nơi dân số già hóa ở mức cao trên thế giới.

Shigeki Matsuda, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Chukyo, tỉnh Aichi chỉ ra một thực tế hiện tồn tại ở đất nước này: “Phụ nữ thích tìm kiếm những người đàn ông có trình độ học vấn tốt, việc làm ổn định, và phải cao hơn họ”. Điều này cũng có thể thấy rõ ở “bữa tiệc mai mối”, khi một nhóm phụ nữ xếp hàng để trao đổi thông tin cá nhân với một người đàn ông có thu nhập cao nhất trong số ứng viên. “Tỷ lệ người chưa kết hôn sẽ tiếp tục không thay đổi, trừ phi có nhiều phụ nữ chấp nhận việc lấy một người đàn ông có thu nhập thấp hơn mình”, ông Shigeki Matsuda chỉ ra.

Sau Thế chiến 2, Nhật Bản xây dựng nền kinh tế dựa trên văn hóa “việc làm trọn đời”, tức các doanh nghiệp gần như không có sa thải và người lao động cũng gần như không thay đổi nơi làm việc cho đến cuối đời. Tuy nhiên, mô hình đó đang thay đổi nhanh chóng, độ bền vững của công việc cũng đang dần suy giảm.

Kể từ đầu những năm 1990, tỷ lệ nhân viên không việc làm và hợp đồng lao động đã tăng từ 15% tới 40%. “Mức thu nhập thấp cùng với sự gia tăng nỗi lo bị sa thải bất cứ lúc nào khiến người trẻ không còn nghĩ gì đến việc kết hôn, có một gia đình”, theo lời ông Shuchiro Sekine, chủ tịch công đoàn một công ty phát biểu. Ngay cả khi người lao động muốn tìm được đối tác hẹn hò, công việc không đảm bảo, thu nhập thấp cũng khiến họ khó có được đối tượng phù hợp.

Những bữa tiệc mai mối trở thành điều “bất đắc dĩ” với nhiều người nhưng thực tế là họ “còn may mắn chán”. Nhiều người có thu nhập thấp đến nỗi chẳng buồn nghĩ đến việc tham dự hoạt động này.

Hiromi Tanaka, 54 tuổi vẫn ở chung với bố mẹ. Ảnh: Reuters.

Hiromi Tanaka, 54 tuổi, một người điển hình thuộc giới “độc thân ký sinh”. Ngồi bên cây đàn piano trong một căn phòng nhỏ của một ngôi nhà cũ kỹ, cô nói với phóng viên Reuters: “Tôi đã quen với lối sống không ổn định này và luôn nghĩ rằng bằng cách nào đó, mọi thứ sẽ ổn thỏa”. Năm nay 54 tuổi, cô sống dựa vào thu nhập từ việc dạy hát cho một nhóm học sinh ngày càng ít ỏi, cùng trợ cấp của mẹ. Cô không có kế hoạch hưu trí, tiền tiết kiệm cũng đã sử dụng gần hết. “Bố tôi chết năm ngoái, thế nên thu nhập giảm một nửa. Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn thế này, mẹ và tôi sẽ cùng nhau gục mất”, Tanaka nói.

Tanaka chỉ là một trong số những người độc thân ký sinh, mà con số đạt kỷ lục vào năm 2015, theo một dữ liệu thống kê được công bố. Theo đó, trong số những người 50 tuổi, 1/4 số nam giới, và 1/7 số nữ giới chưa kết hôn.

Tuy vậy, Nhật Bản hiện không phải là nước duy nhất có những “ký sinh trùng” này. Theo tờ Nexter, một cặp vợ chồng người New York năm 2019 đã kiện con trai 30 tuổi của mình ra tòa vì “không chịu lớn”, không chịu rời khỏi nhà dù bố mẹ đã nhiều lần đề nghị. Người Anh cũng từng đưa ra thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment, or Training), để chỉ một phận trẻ không đóng góp sức lao động cho xã hội hay tham gia các hoạt động giáo dục hoặc đào tạo, là những người tách ra khỏi sự cạnh tranh xã hội, không có thu nhập kinh tế, hoàn toàn “ký sinh” vào gia đình.

Thùy Linh (Theo Japan Times)

Theo Vnexpress.net

Trả lời