Vì sao số lượng học sinh Ấn Độ tự tử tăng?

Vì sao số lượng học sinh Ấn Độ tự tử tăng?

Áp lực thi cử nặng nề và sự kỳ vọng thành công từ phụ huynh đang gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của học sinh Ấn Độ, thậm chí khiến họ đi đến quyết định tiêu cực là tự tử.

Áp lực thi cử quá lớn khiến nhiều học sinh Ấn Độ đi đến quyết định tiêu cực.

Vì luôn cảm thấy lo âu và sợ hãi nên mỗi sáng, Shakib Khan (tên đã được thay đổi) thường giật mình tỉnh giấc sau một cơn ác mộng thi trượt lặp đi lặp lại. Nam sinh 20 tuổi này hy vọng giành được một suất vào Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) – một trong những trường danh giá nhất nước, bởi cha mẹ luôn mong muốn anh trở thành một kỹ sư thành công. Để thực hiện ước mơ, cách đây 3 năm, Shakib đã chuyển từ bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh để đến thành phố Kota thuộc bang Rajasthan ở miền Bắc. Kota là trung tâm của các “lò luyện thi” tư nhân, chuyên phục vụ nhu cầu ôn luyện cho những thanh niên nuôi hy vọng thi đậu vào các trường y tế và kỹ thuật danh tiếng nhất Ấn Độ.

Cha mẹ Shakib đã phải vay tiền từ người thân để trang trải chi phí ôn luyện cho con ở Kota. Tuy nhiên, Shakib đã thất bại trong lần đầu tiên thi vào ITT và trải qua những ngày khó khăn và mất ngủ. Tinh thần xuống thấp đến mức Shakib thậm chí nghĩ đến việc tự tử, nhưng nhờ uống thuốc đều đặn, anh bắt đầu ứng phó tốt hơn với cảm xúc tiêu cực. Hiện Shakib chuẩn bị sẵn sàng cho lần thi thứ hai vào ITT và dĩ nhiên cũng cảm thấy áp lực vô cùng to lớn. 

Được biết mỗi năm, Kota thu hút khoảng 2 triệu học sinh đến luyện thi. Song, thành phố này gần đây chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại khi học sinh phải vật lộn với áp lực thi cử quá lớn, sự cạnh tranh gay gắt và thiếu sự hỗ trợ dành cho những học sinh bị ảnh hưởng tâm lý vì sợ thi trượt. Từ đầu năm đến nay, ít nhất 23 học sinh đã tự sát vì không chịu nổi áp lực. 

Nỗ lực kiềm chế tình trạng học sinh tự tử

Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tự tử trong thanh niên cao nhất thế giới. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ (NCRB), trong năm 2020, cứ 42 phút lại có một học sinh tự kết liễu đời mình. Cũng năm đó, nước này ghi nhận có 11.396 vụ tự tử của học sinh dưới 18 tuổi.

Tiến sĩ Vinod Dariya, giáo sư khoa tâm thần tại Trường Y tế Kota, bày tỏ sự lo lắng về việc thiếu các nhóm tư vấn có chuyên môn tại các lò luyện thi. “Nhiều học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp, gánh vác kỳ vọng của phụ huynh rằng phải trở thành bác sĩ hay kỹ sư. Điều này tạo ra gánh nặng và gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của các em” – ông nói. Dariya cho biết ông thường gặp gỡ những học sinh bị căng thẳng và trầm cảm cấp tính, nhưng do thiếu nhận thức về sức khỏe tâm thần nên các em không coi trọng vấn đề này. Có rất ít trường hợp nghiêm túc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm thần.

Lo lắng trước hàng loạt vụ tự tử của học sinh ở Kota gần đây, nhiều phụ huynh đã chuyển đến đó ở để hỗ trợ con. Nhưng cũng có nhiều cha mẹ khác không thể đến Kota vì không đủ khả năng tài chính, như mẹ của Shakib – bà Shah Jahan Khan. Vì lo cho con, bà Shah chỉ có thể liên tục gọi điện thoại, tới 5 lần/ngày, để thăm hỏi con. “Có một nỗi sợ hãi kỳ lạ và thường xuyên xuất hiện trong đầu tôi. Tôi luôn nói với con rằng hãy cố gắng tốt nhất trong khả năng và đừng lo lắng về kết quả” – bà chia sẻ.

Để ngăn chặn những vụ tự tử mới, cảnh sát bang Rajasthan đã thành lập một đội đặc nhiệm gồm 11 sĩ quan, với nhiệm vụ là đến thăm các ký túc xá và trung tâm luyện thi để giúp đỡ những học sinh dễ tổn thương. Chỉ huy đội đặc nhiệm Chandrasil Thakur cho biết nhóm của ông đã ngăn chặn nhiều trường hợp học sinh khóa trái cửa với ý định tiêu cực, thông báo cho phụ huynh và tiến hành các cuộc tư vấn giải tỏa căng thẳng. Đội đặc nhiệm cũng mở một đường dây trợ giúp để học sinh có thể tiếp cận và trò chuyện. Mỗi ngày, họ nhận được ít nhất 10 cuộc gọi từ những học sinh cảm thấy có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trong nỗ lực nhằm giảm nhẹ nguy cơ khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho học viên, nhiều trung tâm luyện thi cũng đã giới thiệu các hoạt động giúp thư giãn như tổ chức lớp học yoga và lễ hội âm nhạc. Các giáo viên, chủ ký túc xá và bác sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ những học sinh đang gặp khó khăn.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/vi-sao-so-luong-hoc-sinh-an-do-tu-tu-tang-a164819.html