Bà nội suýt hại tính mạng cháu trai 3 tuổi khi xử lý chảy máu cam

Bà nội suýt hại tính mạng cháu trai 3 tuổi khi xử lý chảy máu cam

(VTC News) – Cách cầm máu của bà nội khiến cậu bé 3 tuổi yếu dần rồi hôn mê bất tỉnh; khi được đưa đến bệnh viện, cháu đang ở bờ vực của cái chết.

Bệnh viện Nhân dân châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc gần đây tiếp nhận một bé trai 3 tuổi bị chảy máu cam không ngừng. Khi đến bệnh viện, bé đã rơi vào tình trạng sốc và đang ở bên bờ vực của cái chết. Sau khi kiểm tra, bác sỹ phát hiện, tình trạng đáng sợ của bé là do viêm nhiễm hai bên khoang mũi, có sự xâm nhập của một vật thể lạ.

Hóa ra, khi bệnh nhi bị chảy máu cam, bà nội bé đã nỗ lực cầm máu theo phương thức dân gian: Bọc một nhúm tóc trong tờ giấy và nhét vào mũi cháu. Nào ngờ, cách này của bà khiến tình trạng ngày càng nặng hơn, cuối cùng cậu bé rơi vào hôn mê bất tỉnh.

Những cuộn tóc được nhét vào trong mũi bé trai để cầm máu.

Những cuộn tóc được nhét vào trong mũi bé trai để cầm máu.

Rất may là dù bé trai đã ở tình trạng nguy kịch khi đến được bệnh viện, các bác sỹ vẫn kịp thời phát hiện nguyên do và phẫu thuật cấp cứu để lấy ra gói tóc trong khoang mũi bé, sau đó áp dụng phương pháp cầm máu bằng điện.

Để tránh những trường hợp nguy hiểm như trên, các bác sỹ khuyến cáo, chảy máu cam có thể là hiện tượng nguy hiểm, không nên coi thường, cũng không nên xử lý bằng các phương pháp dân gian. Thay vào đó, nên lựa chọn một trong ba phương pháp cầm máu sau:

1. Phương pháp ấn ngón tay: Nếu lượng máu chảy ra không nhiều và tập trung chủ yếu ở phần trước khoang mũi, có thể sử dụng phương pháp ấn ngón tay để làm ngừng chảy máu. Cụ thể, hãy dùng tay bóp chặt hai cánh mũi hoặc ép cánh mũi bị chảy máu vào vách ngăn mũi.

2. Sử dụng thuốc cầm máu cục bộ: Đối với những trường hợp lượng máu chảy không nhiều và ở phần trước của khoang mũi, có thể sử dụng các loại thuốc làm ngừng chảy máu như epinephrine hoặc pseudoephedrine dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

3. Phương pháp nhét khoang mũi: Đối với trường hợp máu chảy ra nhiều hơn và không thể ngừng bằng các phương pháp trên, cần sử dụng gạc vaseline nhét vào khoang mũi để cầm máu.

Tùy Ý (Nguồn: Sina)