Dầu chiên thừa có dùng lại được không?

Dầu chiên thừa có dùng lại được không?

GD&TĐ – Một số món ăn khi chiên rán bắt buộc bạn phải đổ ngập dầu, sau khi chiên xong, toàn bộ dầu thừa bỏ đi lãng phí và tốn kém. Bạn nên làm gì với chúng
Tái sử dụng dầu chiên có thể gây ra những lo ngại về sức khỏe. (Ảnh: ITN).
Tái sử dụng dầu chiên có thể gây ra những lo ngại về sức khỏe. (Ảnh: ITN).

Trước hết, đừng vội đổ chúng đi, vì dầu không thể hòa tan trong nước và rất dễ gây tắc cống. Thay vào đó, hãy cân nhắc việc cất đi để sử dụng sau này.

Một số người có thể phản đối ý tưởng này và đặt câu hỏi liệu dầu tái sử dụng có an toàn hay vệ sinh hay không, nhưng những đầu bếp chuyên nghiệp và những chị em nội trợ ghét lãng phí, đều tin rằng loại dầu này sẽ mang lại thêm hương vị cho món ăn.

Tái sử dụng dầu chiên có thể gây ra những lo ngại về sức khỏe. Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Toxicology Reports, dầu thực vật bị đun nóng nhiều lần đến mức bốc khói có thể gây ung thư, bệnh tim và các bệnh khác.

Việc bạn có tái sử dụng dầu hay không là lựa chọn cá nhân, nhưng nếu bạn quyết định giữ nó lại, hãy thực hiện các bước để có thể sử dụng một cách an toàn.

Trang web giáo dục sức khỏe của Đại học Colombia, Go Ask Alice, giải thích rằng thành phần hóa học của dầu bắt đầu thay đổi ở nhiệt độ 375 độ F. Chính sự thay đổi này khiến dầu hâm nóng trở nên không tốt cho sức khỏe.

Nhưng có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro: Chọn dầu một cách khôn ngoan, lọc dầu sau mỗi lần sử dụng và bảo quản dầu đúng cách đều có thể giúp ích.

Các nghiên cứu từ Food and Chemical Toxicology và Acta Scientific Nutritional Health đều cho thấy dầu ô liu ổn định và không dễ bị phân hủy dưới nhiệt độ cao. Healthline lưu ý rằng dầu ô liu là một trong những loại dầu tốt nhất cho sức khỏe mà bạn nên sử dụng.

Cho dù bạn quyết định sử dụng loại dầu nào, hãy sử dụng nhiệt kế thực phẩm để theo dõi nhiệt độ. Đun nóng đến khoảng 325 độ F trước khi thả thức ăn vào, sau đó đảm bảo nhiệt độ duy trì ở mức từ 250 đến 325 độ trong suốt quá trình nấu.

Cách lọc dầu thừa

Bạn cần loại bỏ những mảnh vụn lớn nhất bằng thìa có rãnh hoặc lưới lọc. (Ảnh: ITN).

Bạn cần loại bỏ những mảnh vụn lớn nhất bằng thìa có rãnh hoặc lưới lọc. (Ảnh: ITN).

Điều đầu tiên, bạn cần loại bỏ những mảnh vụn lớn nhất bằng thìa có rãnh hoặc lưới lọc. Sau đó, đậy nắp lại, để dầu nguội hoàn toàn.

Sau khi dầu nguội hoàn toàn, đã đến lúc phải làm sạch dầu. Lý tưởng nhất là bạn nên lót nó bằng vải thưa hoặc bộ lọc cà phê để lọc những hạt nhỏ nhất.

Cách bảo quản dầu chiên đã qua sử dụng

Đổ dầu chiên trở lại hộp đựng ban đầu, sử dụng phễu nếu cần hoặc bảo quản trong lọ kín. Theo thời gian, dầu đã qua sử dụng có thể bị oxy hóa nếu tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng hoặc nhiệt.

Mặc dù bạn có thể bảo quản dầu trong tủ tối trong thời gian ngắn, nhưng tốt hơn hết nên bảo quản trong tủ đông hoặc tủ lạnh nếu bạn không định sử dụng lại sớm.

Bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng dầu sau khi đã đông lạnh, tuy nhiên, tùy thuộc vào loại dầu, bạn có thể cần phải rã đông dầu trước khi sử dụng.

Tái sử dụng dầu đúng cách là một mẹo khôn ngoan. Dẫu vậy, bạn không nên trộn lẫn các loại dầu đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tốt nhất bạn nên giữ chúng trong các hộp chứa riêng biệt và ghi chú để tiện theo dõi.

Khi nào nên loại bỏ dầu chiên thừa

Dầu được sử dụng quá mức không chỉ có hại cho sức khỏe của bạn, nó còn có thể làm cho thức ăn có mùi vị khó chịu. (Ảnh: ITN).
Dầu được sử dụng quá mức không chỉ có hại cho sức khỏe của bạn, nó còn có thể làm cho thức ăn có mùi vị khó chịu. (Ảnh: ITN).

Dầu được sử dụng quá mức không chỉ có hại cho sức khỏe của bạn, nó còn có thể làm cho thức ăn có mùi vị khó chịu. Khi dầu xuống cấp, bạn có thể bắt đầu nhận thấy mùi ôi, khét, đừng tái sử dụng

Nồi chiên ngập dầu giữ dầu tươi lâu hơn chảo rán và loại thực phẩm cũng có tác động đến hạn sử dụng của dầu. Tuy nhiên, không cần phải tính toán phức tạp. Bạn chỉ cần cảm nhận: Dầu đã qua chế biến có màu sẫm, kết cấu đặc và có mùi ôi, cặn thức ăn hoặc hiện tượng sủi bọt… là loại bỏ không tiếc.

Dầu ăn chỉ nên dùng lại trong vòng 3 lần, trong đó lọc không quá 2 lần để tránh tình trạng dầu biến chất.

Nhưng khi dầu ăn đã xuất hiện khói đen thì không nên tái chế hoặc dùng tiếp ở những lần sau.

Các bà nội trợ lưu ý, dầu chiên các loại thực phẩm mùi nồng như cá, dầu chiên chứa gia vị không nên sử dụng tiếp để chiên bánh, chiên khoai, rán trứng, chúng sẽ làm lẫn lộn mùi vị, làm hỏng các món ăn.

Dầu tái sử dụng không nên để lâu mà cố gắng dùng càng nhanh càng tốt để tránh tình trạng ôi thiu.

Cách tốt nhất để xử lý dầu ăn đã qua sử dụng là mang đến cơ sở tái chế để có thể sử dụng lại làm nhiên liệu diesel sinh học cho xe tải hoặc chế biến thành những dạng năng lượng có ích khác.

Tuy nhiên, nếu bạn không tiện đến những cơ sở này hoặc đơn giản là không có thời gian, bạn có thể vứt chúng đi khi đã đóng trong hộp kín và ghi chú rõ ràng.

Theo tastingtable.com

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dau-chien-thua-co-dung-lai-duoc-khong-post658200.html