Nhóm người nào có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Nhóm người nào có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ?

GD&TĐ – Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là người có tiếp xúc gần như da với da, miệng với da, mặt với mặt đối diện trong giao tiếp,..
Bệnh đậu mùa khỉ thường biểu hiện rõ nhất ở lòng bàn tay. (Ảnh: ITN)

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Ở một số nước châu Phi, đậu mùa khỉ được coi là bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, đợt bùng phát quy mô quốc tế bắt đầu vào tháng 5 năm 2022 đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Dưới đây là một số điều quan trọng bạn cần biết về bệnh đậu mùa khỉ.

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Các triệu chứng thường bao gồm sốt, nhức đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy giảm năng lượng, sưng hạch, phát ban hoặc tổn thương da.

Phát ban thường diễn ra vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba sau khi bắt đầu sốt. Vết bệnh có thể phẳng hoặc hơi nhô lên, chứa dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó đóng vảy, khô và rụng.

Phát ban có xu hướng xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người như thế nào?

Virus đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi họ tiếp xúc vật lý với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm động vật gặm nhấm và động vật linh trưởng.

Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là những con bị bệnh hoặc chết (bao gồm cả việc tiếp xúc với máu thịt của chúng).

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất kỳ thực phẩm nào có chứa thịt hoặc các bộ phận của động vật đều phải được nấu chín, đặc biệt ở những quốc gia đang có bệnh đậu mùa khỉ.

Cách đậu mùa khỉ lây từ người sang người

Hiện chưa rõ liệu những người không có triệu chứng có thể truyền bệnh hay không. (Ảnh: ITN) ảnh 1
Hiện chưa rõ liệu những người không có triệu chứng có thể truyền bệnh hay không. (Ảnh: ITN)

Virus lây lan qua tiếp xúc vật lý với người có triệu chứng. Phát ban, dịch cơ thể (chẳng hạn như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương da) và vảy là đặc biệt dễ lây nhiễm.

Các vết loét, tổn thương cũng có thể lây nhiễm vì virus lây lan qua nước bọt. Tiếp xúc với các đồ vật đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh – chẳng hạn như quần áo, ga trải giường, khăn tắm – hoặc các đồ vật như dụng cụ ăn uống cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

Những người mắc bệnh có khả năng lây nhiễm ngay khi họ có các triệu chứng (thường trong vòng hai đến bốn tuần đầu tiên). Hiện chưa rõ liệu những người không có triệu chứng có thể truyền bệnh hay không.

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ

Bất cứ ai tiếp xúc thân thể với người có triệu chứng hoặc động vật bị nhiễm bệnh đều có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn.

Những người sống chung với người nhiễm bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhân viên y tế, do tính chất công việc của họ, có nguy cơ bị phơi nhiễm.

Trẻ em thường có nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn so với thanh thiếu niên và người lớn.

Virus đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi qua nhau thai hoặc qua tiếp xúc của cha mẹ bị nhiễm bệnh với trẻ, trong hoặc sau khi sinh, qua tiếp xúc da kề da.

Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ

Bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách hạn chế tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh hoặc được xác nhận mắc bệnh.

Những người sống chung với người bị nhiễm bệnh nên khuyến khích họ tự cách ly, và nếu có thể, hãy che đậy mọi vết rách trên da (ví dụ mặc quần áo che vết phát ban).

Điều quan trọng là phải đeo khẩu trang khi ở gần người bị nhiễm bệnh, đặc biệt nếu họ ho hoặc bị lở miệng, tuyệt đối không chạm vào quần áo hoặc ga trải giường của người bị nhiễm bệnh. Tránh tiếp xúc da kề da bằng cách đeo găng tay dùng một lần.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, với quần áo của họ (bao gồm cả khăn trải giường và khăn tắm),chạm vào các vật dụng hoặc bề mặt khác (như đồ dùng hoặc bát đĩa) có thể đã tiếp xúc với phát ban hoặc dịch tiết đường hô hấp.

Làm sạch và khử trùng mọi bề mặt bị ô nhiễm và xử lý chất thải bị ô nhiễm (chẳng hạn như băng gạc) đúng cách, đồng thời giặt quần áo, khăn tắm, khăn trải giường và dụng cụ ăn uống của người bị nhiễm bệnh bằng nước ấm và chất tẩy rửa.

Theo news.un.org