Vụ nữ sinh bị bắt nạt học đường vì xấu: Dù cha mẹ cho là đùa nhưng đủ 16 tuổi có thể bị truy tố hình sự
HH |
(Tổ Quốc) – Chế giễu ngoại hình (body shaming) được xem là một trong những hình thức bạo lực học đường nguy hiểm, có thể gây ra hệ lụy khôn lường. Khác với nhầm tưởng “đùa cho vui, không hại đến ai” của nhiều người, hành vi xấu xí này có thể bị truy tố hình sự.
“Vì sao chê bạn xấu? – Nói thật chứ có nói xấu đâu!”
Vụ việc nữ sinh N.H.A bị một nhóm học sinh không quen biết lập nhóm trên mạng xã hội để chế giễu và sỉ nhục lần đầu tiên cho các bậc phụ huynh thấy một góc tối xấu xí trong thế giới học đường.
Đáng nói là, N.H.A bị bắt nạt, bị tấn công trực diện bằng loạt hành vi miệt thị, xúc phạm nhân cách, quấy rối, thậm chí là bị dọa đánh chỉ vì theo đánh giá của nhóm học sinh kia là cô bé… “xấu”! “Xấu là một cái tội”, “nhảy lầu chết hết đi”, “bọn xấu phải biết vị trí của chúng nó ở xã hội” là một trong những dòng chat có thể trích dẫn được trong số rất nhiều lời bình phẩm tục tĩu khác của nhóm học sinh này.
Bất ngờ hơn nữa, nhóm học sinh tham gia cuộc bắt nạt “body shaming” đều đang học trong những ngôi trường nổi tiếng, được đánh giá cao về chất lượng đào tạo, tức không phải học sinh “cá biệt”.
N.H.A hẳn cũng không phải trường hợp bị bắt nạt “cá biệt”. Chỉ là cô bé đã chọn cách lên tiếng mạnh mẽ để đưa sự việc ra ánh sáng mà thôi.
Hoàng Minh (học lớp 11 tại Hà Nội) cho biết, em chưa từng gặp chuyện tương tự như N.H.A song chê bai ngoại hình của bạn học là điều em thường xuyên bắt gặp ở trường, ở cả bạn trai lẫn bạn gái. “Hồi lớp 9, lớp em có một bạn gái mập mập, không một bạn trai nào chơi với bạn ấy trừ em. Chúng nó bảo vì bạn ấy xấu”, Hoàng Minh cho hay.
Hoàng Minh cũng tiết lộ, việc chê ai đó xấu, mập “là câu cửa miệng của chúng em”: “Cá nhân em rất khó chịu nếu ai đó đánh giá ngoại hình của người khác, nhưng đa số các bạn đều cho rằng đó là điều bình thường. Khi cô giáo nhắc nhở là tại sao nói xấu bạn, các bạn ấy còn trả lời: nói thật chứ có nói xấu đâu, nhận xét vậy thôi chứ không có ý gì. Ít khi em gặp cảnh bạn nào đó trêu chọc thái quá ngoại hình của bạn khác. Nói chung chỉ là nhận xét như một thói quen thôi. Các bạn không bao giờ quan tâm chuyện người bị chê bai về ngoại hình cảm thấy như thế nào”.
Tham vấn nhiều phụ huynh có con ở tuổi từ tiểu học đến THPT, họ cho biết hầu như đứa trẻ nào cũng từng đi nhận xét bạn hay bị bạn nhận xét ngoại hình một cách… hồn nhiên. Cân nặng, chiều cao, màu da hay những đặc điểm khác lạ trên cơ thể là những yếu tố bị tấn công trực diện và thường xuyên nhất bằng lời nói.
Tuy nhiên, thường các cha mẹ chỉ xem sự việc nghiêm trọng khi con cái trở thành nạn nhân. Trước câu hỏi anh chị cảm thấy gì khi con chê bai ngoại hình của bạn, phần đa câu trả lời của phụ huynh là: Bọn trẻ nói vô tư thôi, không có ý gì.
Người lớn ứng xử ra sao để ngăn chặn bạo lực học đường?
Trên thực tế, ở tuổi nhỏ, các học sinh có thể chê bạn “xấu” vô thức do chịu ảnh hưởng từ hành vi tương tự của người lớn. Song khi vào tuổi dậy thì, các em đã chê bạn “xấu” một cách có ý thức hơn, và nếu không được nhắc nhở kịp thời sẽ dễ biến thành những cuộc chơi “body shaming” có tổ chức.
Cháu Tô Minh Tuấn (12 tuổi), con trai chị Phạm Lan Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng từng trải qua một thời gian khủng hoảng tâm lý vì bị chế giễu ngoại hình năm 9 tuổi. Cháu có thân hình khá mập so với chúng bạn, màu da đen cháy và có phần lôi thôi trong ăn mặc. Khi chuyển từ trường công lập ở quê lên một trường tư thục chất lượng cao tại Hà Nội vào năm lớp 4, Tuấn đã bị bạn cùng lớp liên tục trêu chọc, chế giễu, đặt cho hàng loạt biệt danh gây tổn thương như: Black man, anh da đen, hà mã… Chỉ tới lúc Tuấn có những biểu hiện không muốn đến trường như kêu đau đầu, đau bụng, giả vờ ốm, chị Lan Anh mới tìm hiểu và phát hiện ra câu chuyện xấu xí kia.
“Một mặt tôi tâm sự với con, cho con thấy những ưu điểm của mình và con có thể tự hào về bản thân như thế nào. Mặt khác tôi gặp cô chủ nhiệm để nói chuyện. May mắn là các bạn con còn đang nhỏ, khi được cô giáo phân tích, chỉ ra cái sai cái xấu thì các bạn ấy nhận ra ngay và thay đổi ngay, xin lỗi Tuấn rất chân thành. Thậm chí sau này người bạn hay chế giễu Tuấn nhất chính là người mà Tuấn chơi thân nhất”, chị Lan Anh chia sẻ.
Chị Lan Anh cũng cho rằng, trẻ con rất hồn nhiên và không quan tâm tới những khác biệt mà người lớn vẫn định nghĩa bằng hai chữ “xấu” và “đẹp”. “Chỉ có người lớn với nhiều định kiến và không biết cách chấp nhận sự khác biệt mới hay nhận xét thẳng mặt, chê bai ai đó vì họ khác với mình hay khác với số đông. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ, ông bà hay nhận xét ngoại hình người khác thì sẽ đem theo hành vi đó đến trường”.
Cùng quan điểm, chị Hoàng Anh Thư – mẹ của cô con gái đang học lớp 7 tại Hoàn Kiếm, Hà Nội – nhấn mạnh, rất nhiều đứa trẻ không chỉ là nạn nhân “bodyshaming” của bạn bè mà còn của chính cha mẹ chúng. “Tôi từng quen những cha mẹ mở mồm ra là chê con béo, bắt con phải ăn kiêng tới đau dạ dày để giảm cân. Ngược lại, có những cha mẹ thường xuyên mỉa mai con khi thấy con thích làm đẹp, ăn mặc điệu đà, đỏm dáng. Những đứa trẻ đó vừa chịu tổn thương từ gia đình lại vừa có thể sẽ trở thành người cầm đầu trong các trò giễu cợt, miệt thị ngoại hình của bạn bè ở trường. Chưa kể, nhiều trẻ chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội, từ truyền thông, được tiêm nhiễm suy nghĩ tôn sùng ngoại hình”.
Bản thân bé Kem, con gái chị Thư, cũng thường xuyên bị bạn bè chê béo, gọi bằng biệt danh như “khủng long Hàng Bạc”, “chân voi”… song cô bé không bị tác động. “Từ quan sát tôi thất những cô bé cậu bé hay bị bắt nạt nhất là những học sinh tự ti và nhút nhát, đám bắt nạt dễ dàng bắt sóng được và tổ chức tấn công bạn. Còn những học sinh tự tin vào bản thân thì dù có béo có xấu cũng không dễ trở thành đối tượng. Con gái nói với tôi con chỉ khó chịu một chút chứ không tức giận gì, béo thì đã sao. Từ nhỏ, vợ chồng tôi không bao giờ đem ngoại hình của con hay bất kỳ ai ra bình phẩm. Do đó, các con cũng không làm như vậy với người khác và luôn tự tin vào bản thân”, chị Thư tâm sự.
Nói về trường hợp nữ sinh N.H.A, chị Thư bày tỏ quan điểm: “Cô bé rất dũng cảm. Nhưng nếu tôi là mẹ của cháu, tôi sẽ không để cháu hành động một mình. Các học sinh đã tham gia xúc phạm cháu cần bị xử lý thích đáng. Nhưng chúng ta cũng không nên dùng từ ngữ nặng nề với các em ấy. Bởi xét cho cùng, các em cũng rất dễ là nạn nhân của những hành vi xấu xí từ người lớn”.
Nói về hành vi bắt nạt qua mạng, luật sư Hoàng Văn Liêm – Văn phòng luật sư quốc tế L&P, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay:
Bắt nạt học đường được thể hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau như có những lời nói xúc phạm, miệt thị, phát tán các hình ảnh riêng tư nhằm mục đích bêu xấu… và tương ứng với mỗi hành vi với mức độ nghiêm trọng khác nhau thì pháp luật đưa ra các mức độ xử lý vi phạm khác nhau.
Đối với trường hợp của H.A, những người từ đủ 16 tuổi trở lên có lời nói, phát ngôn miệt thị, khiêu khích, trêu ghẹo nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của H.A thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000-300.000 đồng theo điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của chính phủ.
Trong trường hợp các cơ quan chức năng xác định được các hành vi có tính chất làm nhục người khác ở mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo điểm e Khoản 2 điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đối với người đã phát tán, đưa các hình ảnh của H.A lên trên mạng mà chưa được sự đồng ý của H.A thì nếu từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp khác, nếu hành vi làm nhục người khác hoặc phát tán thông tin hình ảnh của người khác dẫn tới người bị hại bị thiệt hại về mặt thể chất, tinh thần… thì người bị hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt thể chất, tinh thần cho mình.
Lời khuyên cho các bố mẹ, học sinh trong trường hợp con em mình bị bắt nạt, bị “bạo lực tinh thần trong học đường” là có thể làm đơn trình báo/tố cáo tới các cơ quan chức năng như cơ quan công an, Hội bảo vệ trẻ em… để được bảo vệ.
Theo ttvn.toquoc.vn