Giải trí, Kinh doanh & pháp luật, Sao Việt, Thông tin
Vợ chồng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc ‘nổ’ quảng cáo ghế thư giãn với công dụng trị bệnh: Hành vi lừa dối người hâm mộ
Vợ chồng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc ‘nổ’ quảng cáo ghế thư giãn với công dụng trị bệnh: Hành vi lừa dối người hâm mộ
Như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, nhiều người tiêu dùng phản ánh việc vợ chồng nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc thường xuyên livestream và phóng đại công dụng ghế thư giãn có chức năng trị bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ trên các trang mạng xã hội gây bức xức trong dư luận. Phóng viên đã liên hệ đến nam ca sĩ để làm rõ các giấy tờ chứng minh về việc có hay không công dụng chữa bệnh của những sản phẩm mà vợ chồng nam ca sĩ này bán thì không nhận được hồi âm. Thậm chí, vợ chồng nam sĩ còn chặn liên lạc.
Vợ nam ca sĩ thường xuyên livestream trên mạng xã hội tư vấn trị bệnh chỉ với ghế thư giãn và còn khẳng định đây là phương pháp duy nhất chữa bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống lưng, cổ, chữa đau vai gáy.
Trước sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định: Nghệ sĩ, người nổi tiếng là những người thường có lượng khán giả quan tâm, yêu quý rất đông đảo và hùng hậu. Sự quý mến, ái mộ với thần tượng sẽ khiến khán giả nảy sinh tâm lý tin tưởng mọi hành động, việc làm của họ là đúng đắn, muốn học theo, làm theo, sử dụng những sản phẩm dịch vụ người nổi tiếng, nghệ sĩ đang sử dụng. Từ đây các nhãn hàng tận dụng tối đa uy tín của giới nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng sẵn sàng hợp tác thực hiện quảng cáo để gia tăng thu nhập. Việc nghệ sĩ ký các hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ ngoài tiền thù lao biểu diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, tìm kiếm thu nhập từ hoạt động quảng cáo thì nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật để thực hiện việc quảng cáo đúng luật, mang lại những hiệu ứng tích cực với người hâm mộ, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với người hâm mộ mình. Nghệ sĩ là người của công chúng, mức độ nổi tiếng phụ thuộc vào sự tin yêu của công chúng đối với nghệ sĩ. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người mến mộ thì phải mất rất nhiều năm nhưng nếu không cẩn thận, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ rơi vào tình trạng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định của Luật quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện các hành vi cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong việc quảng cáo thì sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và có thể bị mất danh tiếng thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc còn lập 1 website hoạt động “chui” để tư vấn và bán ghế thư giãn với công dụng trị bệnh.
Nếu nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trang cá nhân của mình thì nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với nội dung quảng cáo. Thực tế nhiều nghệ sĩ có tài khoản mạng xã hội như Facebook, Youtube… với số lượng người quan tâm, theo dõi, tương tác khá cao đến rất cao.
Chính vì thế mà một số người nổi tiếng tận dụng các tính năng trên trang mạng xã hội đó (như livestream) để tiếp cận tới đông đảo khán giả, người dân mà không cần thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng nếu tự mình thực hiện quảng cáo mà không biết rõ tính pháp lý của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không nắm vững quy định pháp luật về điều kiện quảng cáo, thủ tục quảng cáo thì nghệ sĩ dễ vi phạm khi quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Việc quảng cáo vẫn phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Do vậy, người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
Khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và điều đặc biệt là uy tín danh tiếng của các nghệ sĩ có thể bị hủy hoại rất nhanh chóng thông qua hoạt động quảng cáo trái phép gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Nếu nghệ sĩ quảng cáo những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà mình không hề biết, chưa từng sử dụng nhưng lại nói dối là dùng rất tốt, rất hiệu quả thì đó hành vi lừa dối khán giả, phản bội lại niềm tin của khán giả. Nếu quảng cáo hàng hóa, sản phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng cũng sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân.
Đối với trường hợp nghệ sĩ livestream quảng cáo sản phẩm mà cơ quan chức năng thẩm định đưa ra kết luận việc quảng cáo đó là không đúng về công năng, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm thì hành vi quảng cáo này vi phạm luật quảng cáo và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố thì có thể bị phạttiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Nếu người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ luật hình sự, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do vậy, để bảo vệ người tiêu dùng đề nghị cơ quan cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Hoàng Dương
Nguồn: http://vietq.vn/vo-chong-ca-si-ung-hoang-phuc-no-quang-cao-ghe-thu-gian-voi-cong-dung-tri-benh-la-hanh-vi-lua-doi-nguoi-ham-mo-d188280.html |