Nhiều huyền tích được lưu truyền tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023

Nhiều huyền tích được lưu truyền tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023

GD&TĐ – Sáng ngày 9/8 (âm lịch), tức 23/9/2023, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn sẽ diễn ra. Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là nét đẹp văn hoá của người miền biển.

Nhiều huyền tích đẹp được lưu truyền

“Dù ai buôn đâu bán đâu/Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về”, câu ca cổ lưu truyền bao đời về một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài Đồ Sơn (TP Hải Phòng).

Với người dân Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu đã ăn vào máu thịt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay còn gọi là đấu ngưu diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hằng năm. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam từ năm 2013.

Nói về lịch sử hình thành lễ hội có nhiều nhiều huyền tích hay, thú vị mà người dân vạn chài vẫn lưu truyền.

Có người cho rằng, Lễ hội chọi trâu gắn với huyền tích Bà Đế gắn với tục “hiến sinh” xưa kia. Nhưng cũng có truyền thuyết kể về 1 đêm tháng 8 âm lịch, dân miền biển Đồ Sơn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm 2 chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Từ đó, người dân nơi đây tổ chức lễ hội chọi trâu cầu cho sóng yên, biển lặng, nghề chài lưới bội thu, người người được thịnh vượng, hạnh phúc.

Nghi lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. ảnh 1

Nghi lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn.

Có truyền thuyết lại lưu truyền sự tích về Quận He Nguyễn Hữu Cầu, người anh hùng áo vải đã cùng người dân vạn chài nơi đây phất cờ chống lại chế độ phong kiến thối nát thế kỷ 18.

Mỗi khi thắng trận, Nguyễn Hữu Cầu thường mổ trâu khao quân. Những con trâu này đã dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt khiến quân sĩ hứng khởi, reo hò vang dội. Kể từ đó, ông cho mở hội chọi trâu hằng năm để cổ vũ, động viên tinh thần quân sĩ.

Tưởng nhớ công đức này, hằng năm nhân dân Đồ Sơn mở hội chọi trâu, múa cờ…

Theo thông tin từ UBND quận Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có nguồn gốc từ lâu đời, bắt nguồn từ phong tục, tập quán và không gian văn hoá địa phương. Mặc dù trải qua thời gian có sự biến đổi, song lễ hội vẫn được duy trì, tồn tại song song cùng đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương từ nhiều năm nay.

Lễ hội có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác, đã ăn vào máu thịt trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Đồ Sơn.

Sau một thời gian tạm ngừng do chiến tranh, đến năm 1990, Lễ hội đã được khôi phục. Lễ hội gồm 2 phần là phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hoá tâm linh của người Đồ Sơn.

Phần Hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh hay, dũng mãnh của những “ông Trâu” được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công…mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ, chống giặc ngoại xâm của người dân miền biển.

Lễ nghi đậm nét truyền thống người miền biển

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho hay, theo tập quán của địa phương thì các trâu tham gia chọi sẽ thực hiện các nghi lễ gồm: Lễ thượng cờ khai hội được thực hiện vào ngày 1/8 âm lịch; Lễ rước nước và lễ mộc dục; trước trận đấu những con trâu chọi được rước về đình các phường để trình diện Thành Hoàng làng, thực hiện nghi lễ tế thần.

Sau nghi lễ tế thần, các trâu tham gia chọi được gọi một cách tôn kính là “ông trâu”, đồng thời xin phép tổ chức Lễ chọi trâu. Cuộc tế lễ rất trang nghiêm và diễn ra trong nhiều giờ.

Nghi lễ chọi trâu và tục hiến sinh trâu mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần. Hoạt động này thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân Đồ Sơn. Họ mong cho một năm mưa thuận gió hoà để có mùa ra khơi đầy ắp cá tôm, con cháu đời đời hưng thịnh.

Hội chọi trâu truyền thống diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch, 10/8 âm lịch diễn ra lễ Hiến sinh tại các đình thuộc các phường có trâu Vô địch, trâu đạt giải Nhì và giải Ba.

Phần lễ được thực hiện nghiêm trang, theo phong tục địa phương. ảnh 2

Phần lễ được thực hiện nghiêm trang, theo phong tục địa phương.

Theo tập quán của địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng dù thua đều phải giết thịt, cúng đầu trâu, thịt sống để tạ ơn Thành Hoàng làng, đồng thời xin cho mùa đánh cá sau, mùa làm ăn mới đạt kết quả tốt, may mắn hơn.

Khi giết trâu, người ta lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (huyết, mao) để cúng thần, sau đó đổ xuống biển để tiễn Thành Hoàng làng của mình; cuối cùng là nghi lễ tống thần diễn ra vào 16/8 âm lịch.

Ông Phạm Hoàng Tuấn thông tin thêm, lễ hiến sinh được thực hiện từ 5 giờ sáng, chủ trâu thực hiện các nghi thức hiến sinh, đầu trâu Vô địch, cũng như trâu có giải sẽ được các vị cao niên tại địa phương thực hiện làm sạch đầu trâu và phủ vải đỏ, thanh niên trai tráng trong phường dùng kiệu rước về đình làng làm lễ tạ ơn.

Đi cùng đoàn nghi thức rước đầu trâu có đội múa lân, tại đình phường có nghi thức dâng hương, tế thần…

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao công tác tổ chức Lễ hội của quận Đồ Sơn.

Phó Chủ tịch cho rằng, với phương án tổ chức lễ hội chu đáo, an toàn, sẽ góp phần thành công cho lễ hội, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến dự hội, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách.

Các “ông trâu” sẵn sàng xung trận

Với anh Phạm Hoàng Thái Sơn (25 tuổi), người dân phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, mỗi mùa lễ hội đều để lại trong anh những dấu ấn đáng nhớ. Anh đam mê chọi trâu từ nhỏ.

Khi mới lên 5, 6 tuổi anh đã cùng ông nội, cùng bố đi xem chọi trâu. Nhiều năm nay anh đều cùng chủ trâu chăm sóc trâu và tham gia vào đội nghi lễ, cùng trai tráng trong làng cầm cờ, rước lễ ra Đình.

Ông Hoàng Đức Tiến (bên trái) chủ trâu 05 và thanh niên trong làng vuốt ve "ông trâu" trước ngày tham gia lễ hội. ảnh 3

Ông Hoàng Đức Tiến (bên trái) chủ trâu 05 và thanh niên trong làng vuốt ve “ông trâu” trước ngày tham gia lễ hội.

Anh Sơn cho hay: “Người dân miền biển háo hức mỗi mùa lễ hội, tôi cũng vậy. Nó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà người Đồ Sơn muốn lưu giữ. Là trai miền biển tôi cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình cho lễ hội truyền thống của quê hương”.

Ông Đoàn Văn Thọ chủ trâu 04, lần đầu tham gia chọi trâu. ảnh 4

Ông Đoàn Văn Thọ chủ trâu 04, lần đầu tham gia chọi trâu.

Ghi nhận của phóng viên, các “ông trâu” đã được chăm sóc kĩ lượng, sẵn sàng tham gia Lễ chọi trâu vào sáng ngày 9/8 (âm lịch), tức ngày 23/9/2023. Chủ trâu nhiều tuổi nhất tham gia lễ hội năm nay là ông Đinh Đình Phú (89 tuổi).

Ông Hoàng Đức Tiến, chủ trâu số 05 cho hay, đến thời điểm này mọi vấn đề phục vụ cho lễ chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 8/9 đã sẵn sàng. Người Đồ Sơn mong muốn lễ hội sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương.

Nhiều năm gần đây, quận Đồ Sơn không ngừng đổi mới trong cách tổ chức lễ hội. Ngoài các hoạt động truyền thống, phần hội có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và các nghệ sĩ mang đến cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thêm đặc sắc, ấn tượng.

Quận Đồ Sơn tiếp tục làm tốt công tác an ninh trật tự để du khách đến với Đồ Sơn ngày một đông hơn; cùng với sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tổ chức giết mổ trâu không thực hiện tại khu vực gần sới chọi, quận bố trí một địa điểm phù hợp, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh an toàn thực phẩm.