Dọc miền lau trắng

Dọc miền lau trắng

Khi nắng chiều vàng nhạt xuyên qua từng kẽ lá, mang theo chút se lạnh tỏa xuống muôn nơi, những nhóm bạn trẻ lại tụ tập ở các bãi lau mọc khắp bờ sông Hàn (TP. Đà Nẵng), những khu đất ngủ yên nơi cửa biển.

Trong những bộ trang phục đủ sắc màu, tiếng cười nói, thì thầm to nhỏ xen giữa hàng vạn bông lau trắng tinh khôi đang nhẹ nhàng đung đưa trong gió.

Bông lau.

Nhiều năm trở lại đây, mùa cỏ lau nở hoa trắng không còn là một dấu mốc của thời gian mà trở thành một sản phẩm du lịch, thu hút rất nhiều người dân, du khách.

Giữa bạt ngàn cỏ, hoa, họ cùng hòa mình vào thiên nhiên, ghi lại những khoảnh khắc khó quên.

Những bông lau trắng lơ đãng, đung đưa nghiêng ngả theo chiều gió càng làm cho không gian trở nên bình yên, thơ mộng. Đứng giữa ngàn lau trắng, ngước nhìn bầu trời xanh, mây trắng nhẹ nhàng trôi, hẳn bạn sẽ ước khoảng thời gian bình yên này dừng lại mãi.

Những cô gái độ xuân thì e ấp bên những cánh hoa nghiêng nhẹ trong gió, như đi tìm lời giải, điểm tựa cho sự tinh khôi, trong trắng của tâm hồn. Mỗi người sinh ra, lớn lên đều đi tìm mục tiêu, lẽ sống của riêng mình.

Nhưng khi gặp nhau ở cánh đồng lau trắng, hẳn họ sẽ giống nhau, đó là tìm chút bình yên giữa khoảnh khắc giao thoa của đất trời. Cánh đồng lau một màu trắng toát như sự trong trắng, tinh khôi của tâm hồn, mềm mại, nhẹ nhàng trong làn gió thoảng như cách bạn bình thản, an yên đón nhận những “cơn gió” của cuộc đời.

Chúng ta đã gặp bông lau trắng mỏng manh mọc ở miền biên ải, hay những cánh đồng lau bạt ngàn ở các triền sông khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Nhưng những bông lau trắng nở rộ ở Đà Nẵng – thành phố đầu biển cuối sông lại mang đến những cảm xúc khó tả, báo hiệu về một sự chuyển dịch của đất trời. Sự chuyển dịch ấy được người dân xem như là một dấu hiệu của mùa bình an đang đến.

Theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, hoa lau chỉ nở trắng trời khi những cơn bão năm nay đã qua đi, để lại bình yên cho đất trời, cho biển cả. Dải đất miền Trung bao năm luôn oằn mình hứng chịu thiên tai.

Những cơn bão như Chanchu, Xangsane (2006); Ketsana (2009); Sơn Tinh (2012); Haiyan – Hải Yến (2013)… đã cướp đi tài sản, tính mạng và bao nhiêu nước mắt. Biết bao tàu cá cùng những ngư dân đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển lạnh. Nhiều lão ngư can trường, thanh niên trai tráng kịp trở về, thoát chết trong gang tấc nhưng mang thương tật suốt đời. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, mồ côi, đơn chiếc vì những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Người ta ví dải đất miền Trung như một quang gánh, mỏng manh nhưng bền bỉ, dẻo dai, oằn mình nhưng không hề chịu đứt gãy. Sau cơn mưa trời lại sáng, những con thuyền lại rẽ sóng ra khơi, người dân dọc miền duyên hải lại ra đồng cho vụ mới.

Các chàng trai, cô gái ghi lại khoảnh khắc bên những bông lau trắng.

Bằng kinh nghiệm đúc kết từ nhiều đời, người dân địa phương luôn xem những bông lau trắng dù mỏng manh, lả lướt trong gió nhưng đủ tinh tế để ẩn mình trong đất suốt một năm. Hoa cỏ lau chỉ vươn mình đón gió khi đất trời đã an yên, thiên nhiên hòa thuận. Thời khắc đó chính là mùa bình yên, củng cố thêm niềm tin, ý chí vươn lên, bù đắp những tổn thất, mất mát của con người nơi miền đất nhiều nắng gió lắm thiên tai này.

Mùa đông đã về. Những bước chân người dường như cũng trở nên vội vã, cố hoàn thành những mục tiêu của năm, hay lang thang trong những miền mơ tưởng. Những cánh đồng lau sau khoảng 2 – 3 tuần khoe sắc cũng dần lụi tàn, kịp gieo vào lòng đất những hạt mầm hy vọng. Chúng nhẫn nại ẩn mình ngủ yên, rồi vươn lên đón gió và chờ bước chân người trở lại, mang theo những tươi mới, bình an…

Phan Chung

Nguồn: https://baodaklak.vn/du-lich/202312/doc-mien-lau-trang-e5901a1/