Gia đình, Mái ấm gia đình, Thông tin
Vì sao Hàn Quốc khó ngăn chặn bạo hành ‘cô dâu ngoại’
Vì sao Hàn Quốc khó ngăn chặn bạo hành ‘cô dâu ngoại’
Quy định về kết hôn với cô dâu ngoại quốc đã vô tình trao cho đàn ông nước này quá nhiều quyền lực và ưu thế để uy hiếp người vợ.
Trinh gặp Shin qua một người mai mối. Lúc ấy cô 29 tuổi, còn Shin, người đàn ông Hàn Quốc, chồng tương lai của cô đã ngoài 50 tuổi. Trinh không biết tiếng Hàn còn Shin cũng chẳng biết tiếng Việt. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, ngày 4/11/2018, chỉ một ngày sau lần gặp nhau đầu tiên, họ kết hôn trước sự chứng kiến của gia đình cô dâu. Bảy tháng sau đám cưới, Trinh chuyển đến Hàn Quốc với Shin. Ba tháng sau, cô qua đời.
Trinh chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn Quốc thông qua mai mối. Nhiều cặp vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc nhưng cũng không ít cô dâu ngoại quốc bị phân biệt đối xử, bạo hành, thậm chí chết dưới tay người chồng ngoại quốc.
Theo cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, hơn 42% cô dâu ngoại quốc bị bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục và tài chính. Tỷ lệ này cao hơn hẳn mức 29% nếu người vợ là phụ nữ Hàn Quốc.
Trong trường hợp của Trinh và Shin, ngay từ đầu, họ đã gặp khó khăn về giao tiếp. Sau đám cưới, Shin trở về Hàn Quốc. Đôi vợ chồng sống xa nhau trong vài tháng, chỉ giữ liên hệ qua tin nhắn. Họ thường xuyên cãi vã vì Trinh yêu cầu chồng hỗ trợ thêm về tài chính.
Ngày 16/8/2019, Trinh tới Hàn Quốc. Cô sống cùng chồng ở thành phố Yangju, tỉnh Gyeonggi, gần thủ đô Seoul. Hồ sơ của tòa án không giải thích rõ vì sao Trinh phải chờ lâu như vậy để tới Hàn Quốc, dù đôi vợ chồng đáp ứng đủ các tiêu chí để xin thị thực, bao gồm cả mức thu nhập.
Sống cùng nhau, mâu thuẫn giữa Trinh và Shin càng tăng lên. Họ liên tục bất đồng do rào cản ngôn ngữ, khác biệt về lối sống và cả vấn đề tài chính.
Ba tháng sau, ngày 16/11, Trinh nói với Shin cô sẽ tới sống với họ hàng ở một thành phố khác. Shin cố ngăn vợ, hai bên xảy ra xô xát. Bị vợ đâm vào đùi, Shin giành lấy con dao, tấn công lại và cướp đi mạng sống của vợ.
Tháng 4 năm nay, Shin bị tuyên án 15 năm tù. “Bị cáo đáng phải chịu án tù nặng vì nỗi đau nạn nhân đã phải trải qua, sự cay đắng của cô ấy khi phải kết thúc cuộc đời bằng cách này ở một đất nước xa lạ và nỗi buồn của gia đình nạn nhân khi mất đi người thân”, thẩm phán Kang Dong-hyeok nói lúc tuyên án.
Cách đây nhiều thập niên, tình trạng mất cân bằng giới tính đã xuất hiện ở các vùng nông thôn Hàn Quốc. Các cô gái đến thành phố lớn để tìm việc và kết hôn, trong khi đàn ông ở lại quê hương để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ già.
Những năm 1980, để giải quyết vấn đề dân số già, chính quyền một số tỉnh ở Hàn Quốc khuyến khích đàn ông cưới vợ và có con bằng cách trợ cấp cho người mai mối. Nếu kết đôi thành công một nam nông dân Hàn Quốc với một phụ nữ gốc Hàn ở Trung Quốc, người mai mối sẽ được nhận 4-6 triệu won (khoảng 78- 120 triệu đồng).
Một thời gian sau, các cô dâu không chỉ là người gốc Hàn mà được mở rộng đến các cô gái mang nhiều quốc tịch khác như Philippines, Việt Nam và Campuchia. Ngành công nghiệp môi giới hôn nhân nhanh chóng phát triển. Tính đến tháng 5/2020, Hàn Quốc có khoảng 380 cơ quan mai mối đăng ký hoạt động.
Hiện nay, cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc chủ yếu là người Việt. Năm 2018, trong 16.608 cô dâu ngoại, có đến 6.338 người Việt Nam. Theo khảo sát của chính phủ năm 2017, tuổi trung bình của đàn ông tìm vợ là 43,6 còn tuổi trung bình của các cô dâu ngoại quốc là 25,2.
Các chuyên gia và quan chức bất đồng về việc lý giải xu hướng cô dâu Việt lấy chồng Hàn. Dự án kêu gọi hành động chống buôn người của Liên Hợp Quốc cho rằng phụ nữ Việt Nam thường bị đem bán sang các nước khác, trong đó có Hàn Quốc, để ép kết hôn. Trong khi đó, Lee Jin-hye, luật sư ở một trung tâm giúp đỡ người nhập cư ở Seoul thì cho rằng các cô dâu ngoại quốc tự chọn đến Hàn Quốc, nguyên nhân chủ yếu là để gửi tiền về cho gia đình chứ không phải vì lợi ích bản thân. Như Trinh, hồ sơ tòa án cho thấy cô tự nguyện sang Hàn Quốc. “Nạn nhân đã tin tưởng bị cáo”, thẩm phán Kang nói.
Lo ngại việc môi giới cô dâu ngoại quốc có thể dẫn đến nạn buôn người và bạo hành, Hàn Quốc đã dần dần thắt chặt luật lệ. Từ năm 2014, đàn ông Hàn và vợ ngoại quốc phải chứng minh được họ có thể giao tiếp với nhau để xin thị thực. Người nộp đơn phải chứng minh rằng cô dâu biết tiếng Hàn cơ bản hoặc hai vợ chồng có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ ba. Không rõ Trinh đã vượt qua quy định này như thế nào, dù cô không thể giao tiếp với chồng, cũng không có bằng chứng nào cho thấy Shin nói được tiếng Việt.
Năm ngoái, Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch ngăn chặn đàn ông có tiền sử bạo hành bảo lãnh visa cho cô dâu ngoại quốc. Luật này dự kiến có hiệu lực từ tháng 10 năm nay.
Dù vậy, vẫn tồn tại những vấn đề về luật pháp khiến cuộc sống của cô dâu ngoại quốc trở nên khó khăn. Luật nhập cư nước này quy định, cô dâu ngoại quốc cần chồng bảo lãnh visa cho năm đầu tiên và sau đó mỗi ba năm phải gia hạn một lần. “Có những trường hợp chồng dọa rút bảo lãnh nếu vợ muốn chia tay”, luật sư Lee cho biết.
Nếu bị chồng bạo hành mà vẫn muốn ở lại, người vợ phải đưa ra bằng chứng thuyết phục. Trường hợp đôi vợ chồng ly hôn mà không có con, người vợ sẽ phải về nước.
“Những điều kiện như thế làm tăng thêm quyền lực cho người chồng Hàn Quốc”, Heo Young-sook, người đứng đầu Trung tâm nhân quyền phụ nữ nhập cư Hàn Quốc nhận định. “Kể cả khi gặp vấn đề, người vợ vẫn cảm thấy mình cần duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc”.
Theo khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc năm 2017, hầu hết các cô dâu ngoại quốc không dám kể với ai về việc bị bạo hành. Họ xấu hổ và cũng không kỳ vọng sự thay đổi.
Cuộc sống của phụ nữ nói chung ở Hàn Quốc không hề dễ dàng. Hàn Quốc là nước xếp cuối cùng trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về khoảng cách giới. Những năm qua, số vụ quấy rối tình dục ở nước này cũng có chiều hướng tăng lên.
Đối với cô dâu ngoại quốc, mọi thứ còn tệ hơn. “Người Hàn thường cảm thấy thua kém người phương Tây và tự nhận là nạn nhân phân biệt chủng tộc nhưng chính họ lại tỏ ra bề trên với người đến từ những nước có kinh tế kém hơn. Phụ nữ nhập cư phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhiều tầng, từ phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính đến vấn đề kinh tế”, bà Heo Young-sook phân tích.
Tình trạng phân biệt đối xử có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Luật sư Lee cho rằng phụ nữ thường bị chính gia đình nhà chồng phân biệt đối xử, ví dụ như bị mẹ chồng chê bai về khả năng nấu nướng hay không được tham gia vào các quyết định trong nhà. Nhiều người còn không có tiền tiêu mà phải hỏi xin.
Sắp tới, tình hình có thể sẽ thay đổi. Năm nay, Jang Hye-yong, nghị sĩ của Đảng Công lý đề xuất dự luật chống phân biệt đối xử, nhắm đến việc ngăn chặn những hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nỗi đau thể chất, tinh thần cho một nhóm hoặc một cá nhân nào đó.
Luật sư Lee không tin rằng dự luật sẽ nhanh chóng cải thiện tình hình cho phụ nữ nhập cư song ít nhất, nó sẽ giúp nâng cao nhận thức ở công sở, trường học và gia đình. “Tôi tin rằng dự luật sẽ khuyến khích mọi người sửa chữa nạn phân biệt đối xử. Ít nhất họ sẽ biết hành động hay lời nói nào là sai”, bà nói.
Thu Nguyệt (Theo CNN)
Theo Vnexpress.net