Trẻ tiểu học quay lén mẹ để ‘câu’ like

Trẻ tiểu học quay lén mẹ để ‘câu’ like

Quay lén mẹ thay quần áo hay đang tắm đang trở thành trào lưu mới trong nhóm trẻ tiểu học ở Hàn Quốc.

Gần đây đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đưa tin về trào lưu “Quay lén mẹ” của học sinh tiểu học nước này.

Đó là những bức hình hoặc đoạn video chụp về bắp chân, quần trong, hay khi mẹ đang thay quần áo… Tất cả đều được quay, chụp lén bằng điện thoại di động và đăng tải trên internet.

Trong phóng sự này, những đứa trẻ được phỏng vấn nói rằng ban đầu chúng làm chỉ với mục đích mua vui. “Thế nhưng những clip đó khi được đăng tải lại nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt xem. Điều đó khiến chúng cháu rất vui”, một bé trai 7 tuổi vô tư nói.

Đài truyền hình MBC chia sẻ câu chuyện về những đứa trẻ tiểu học quay lén mẹ ruột để mong nổi tiếng. Ảnh: aluobowang.

Không chỉ “rất vui”, bọn trẻ bắt đầu ảo tưởng về sự nổi tiếng, trở thành cái tên được chú ý trên mạng xã hội, có thể lên mặt với bạn bè. Bởi vậy chúng vẫn tiếp tục chụp lén mẹ để làm trò vui trên internet và kiếm tiền.  

“Hãy chụp ngực của mẹ bạn khi cho em bú đi”, “Nếu em gái ở nhà, bạn có thể chụp lén em gái khi đang ngủ chứ?”; “Ai muốn nhìn thấy vòng ba của mẹ tôi giơ tay, đủ 1.000 like tôi sẽ chụp cho xem”…. Đó là những yêu cầu đài MBC đọc được khi thâm nhập vào một số trang cá nhân của nhóm học sinh tiểu học này.

“Đây là hệ quả của việc để trẻ nhỏ tiếp xúc với công nghệ quá sớm mà không có sự kiểm soát. Hơn nữa nội dung đăng tải trên internet cũng không được kiểm duyệt khắt khe. Việc kiếm tiền quá dễ dàng trên các trang mạng cũng khiến giới trẻ sẵn sàng làm những việc trái đạo đức mà không nghĩ tới hậu quả”, một chuyên gia giáo dục nhận xét trong phóng sự này.

Những năm gần đây, trào lưu làm vlog trở nên phổ biến tại Hàn Quốc và độ tuổi của các vlogger cũng ngày càng trẻ hóa. Theo dữ liệu của Social Blade, 10 trong số 15 kênh kiếm tiền hàng đầu trên YouTube ở nước này là những kênh của trẻ em.

Cô bé lên thông báo mẹ đã chết và xin 10.000 like. Ảnh: aluobowang.

Không chỉ tại Hàn Quốc, trào lưu này cũng dần lan rộng sang các nước lân cận, trong đó có Trung Quốc.

Đỉnh điểm của vụ việc gần nhất là một lời kêu gọi xin “like” từ một cô bé 10 tuổi: “Mẹ tôi mới bị tai nạn chết, hãy cho tôi xin 10.000 like”, cô bé vừa khóc vừa nói trên video của mình.

Trước đó cũng chính cô bé này đã ăn mặc và trang điểm như người trưởng hành, uốn éo trước điện thoại, livestream cho bạn bè cùng xem với lời nhắn: “Nếu thích hãy đăng ký vào tài khoản cá nhân của tôi”.

“Đó là sự biến dạng trong nhận thức của một số trẻ vị thành niên thời nay. Hậu quả của nó sẽ vô cùng tệ hại nếu chúng ta không định hướng lại tinh thần cho các em”, một chuyên gia giáo dục của Trung Quốc nói.

Cách đây không lâu, cả Trung Quốc rúng động trước thông tin một học sinh 7 tuổi tại tỉnh Hà Nam bị 3 bạn nam cùng lớp nhét hàng chục mảnh giấy nhỏ vào mắt. Các bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian để gắp chúng ra mong cứu được đôi mắt của cô bé.

Sau thông tin này, người dùng mạng phát hiện hành vi nhét giấy vào mắt xuất phát từ một trào lưu mới nổi. Theo đó, người chơi sẽ viết chữ có nghĩa lên một mảnh giấy nhỏ rồi nhét vào mắt để thể hiện “độ ngông”.

Hiệu trưởng trường nọ lý giải: “Trẻ con tiểu học rất dễ bắt chước, bởi vậy nếu để chúng xem những video tiêu cực, khả năng làm theo của chúng rất cao”.

“Thay vì tận hưởng sự mới lạ và hứng thú do Internet mang lại, những đứa trẻ này giống như những bi kịch được tạo ra bởi thời đại này”, ông nhận định.

Môi trường internet mà trẻ em tiếp xúc hàng ngày có những nhân vật mà chúng coi là “chuẩn mực của hành vi”.

Tháng 7 năm nay, một người đàn ông đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc – người nổi tiếng với “Vòng quay ăn uống” đã chết ngay trong video đang phát trực tiếp của mình.

Người đàn ông họ Lâm này có một vòng quay, trên đó ghi các món ăn và đồ uống không giống ai. Các món trên vòng quanh rất phong phú như: cà sống, tắc kè trộn mù tạt, rượu… Quay đến món nào, ông Lâm sẽ ăn món đó, phát video trực tiếp trên trang cá nhân để câu khách. Những video của Lâm được nhiều trẻ em Trung Quốc yêu thích.

Trong một lần quay đến ô “uống rượu”, Lâm phải uống một lúc 2 chai rượu vang trắng. Khi thử thách hoàn thành, Lâm lịm dần rồi tử vong. Các bác sĩ kết luận, người này bị thiếu oxy và ngạt thở sau khi uống rượu.

Người đàn ông họ Lâm đã tử vong sau khi vượt qua thử thách uống 2 chai rượu vang trắng. Ảnh: aluobowang.

Trước đó cũng từng có một nhân vật “đình đám” trên mạng xã hội Trung Quốc bởi tài ăn nhiều, ăn khỏe. Trong các video của mình, người này luôn thể hiện khả năng ăn siêu phàm khi một mình có thể ăn cả mâm thức ăn dành cho 5 người, hoặc những chảo cơm rang, nồi cháo khổng lồ. Nhưng sau những video đó, người này đã nhiều lần nôn ói, phải cấp cứu để giữ tính mạng.

“Rất nhiều người trẻ theo đuổi những video ngắn gây tò mò và kích thích người xem, trong đó trẻ em là đối tượng chính của họ. Những đứa trẻ xem video thường sẽ bắt chước thần tượng và coi đó là hành vi chuẩn mực. Đó là sự nguy hiểm ở xã hội hiện đại”, trích dẫn từ một bài báo trên Tân Hoa xã.

Cũng theo bài báo, trẻ em nghiện internet cũng giống như chúng bị bắt ăn đồ ăn nhanh một thời gian dài, phải hấp thụ quá nhiều muối và dầu ăn. Bởi vậy lâu dần chúng sẽ không chấp nhận những món ăn thanh đạm và lành mạnh.

“Cho trẻ em sử dụng internet mà không được bố mẹ kiểm soát cũng giống như việc bạn đưa ma túy cho chúng”, chuyên gia cai nghiện hàng đầu nước Anh Mandy Saligari khẳng định trên Tân Hoa xã

Thực tế là, những đứa trẻ nghiện internet hầu hết có cha mẹ sống mà không thể thiếu smartphone.

Các chuyên gia tại Đại học Michigan và Đại học bang Illinois cho biết, thời gian bố mẹ sinh hoạt trong gia đình rất quan trọng và góp phần hình thành cảm xúc và kỹ năng xã hội ở trẻ.

Sức hấp dẫn khó cưỡng của điện thoại thông minh đã khiến bố mẹ trở nên bận bịu, thiếu quan tâm và gần gũi con cái, khiến cho trẻ cảm thấy cô độc, cảm thấy như bị bỏ rơi trong chính tổ ấm của mình. Bởi thế chúng lại tìm đến internet như một thứ để giải trí cho tâm hồn vốn đang cô đơn.

Tristan Harris – cựu quản lý sản phẩm của Google – từng nói con người hiện đại đang sống trong thời đại giải trí cho đến chết. “Nhiều người sẵn sàng bỏ qua thời gian ngủ để sống huyễn hoặc trong một thế giới ảo trên internet. Đừng để giải trí trở nên nóng bỏng trong khi trái tim con người càng trở nên lạnh lẽo”, ông nói.

“Điều nên làm là người lớn hãy đặt điện thoại xuống để trẻ thấy rằng thế giới này còn nhiều việc ý nghĩa hơn là những trò đùa, những video nhảm nhí, gây hại trên mạng”, Tristan Harris nhấn mạnh.

Hải Hiền (Theo aluobowang)

Theo Vnexpress.net

Trả lời