Thêm hai biến chủng nCoV trỗi dậy thách thức giới khoa học

Thêm hai biến chủng nCoV trỗi dậy thách thức giới khoa học

Giữa lúc tập trung vào biến chủng Delta, giới khoa học quốc tế đối mặt thêm thử thách khi xuất hiện các biến chủng Lambda và Epsilon.

Sự xuất hiện của các biến chủng nCoV được cho là đã làm thay đổi lộ trình thoát đại dịch của toàn cầu. Mối quan tâm đổ dồn lên các biến chủng Alpha từ Anh, Beta từ Nam Phi, Gamma từ Brazil và đặc biệt là Delta từ Ấn Độ, được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt tại nhiều quốc gia.

Theo ước tính, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 55% so với Alpha. Thậm chí có bằng chứng cho thấy biến chủng Beta và Delta gây một số ảnh hưởng đối với “lá chắn bảo vệ” của vaccine Covid-19, mặc dù các vaccine được cho là vẫn duy trì phần lớn hiệu quả ngăn bệnh trở nặng từ tất cả biến chủng.

Sự xuất hiện của các virus đột biến là hiện tượng bình thường trong tự nhiên. Tuy nhiên, việc nắm rõ đặc điểm của một số biến chủng mới đáng lo ngại, như khả năng lây nhiễm hay liệu chúng có làm giảm hiệu quả của vaccine hay không, đóng vai trò chủ chốt trong quá trình kiểm soát đại dịch. Ngoài các biến chủng từ Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ, giới nghiên cứu còn đang theo sát những biến chủng khác đang trỗi dậy, bao gồm Lambda và Epsilon.

Biến chủng Lambda, hay còn có tên C.37 và được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020, đang bị coi là nguyên nhân khiến quốc gia này báo cáo số người chết vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Biến chủng này chiếm tới 81% số ca nhiễm mới ở Peru từ tháng 4 tới nay.

Y tá chăm sóc bệnh nhân trong phòng điều trị Covid-19 tại bệnh viện Honorio Delgado ở Arequipa, Peru, hôm 24/6. Ảnh: AP.

Khoảng 30 quốc gia đã ghi nhận biến chủng Lambda, hầu hết thuộc Mỹ Latinh, nhưng Anh cũng đã báo cáo vài trường hợp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 14/6 thêm Lambda vào danh sách “những biến chủng đáng quan tâm”, bởi nó mang một số đột biến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao hơn và chống lại khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh “cần những nghiên cứu sâu hơn để xác nhận tính hiệu quả của vaccine” với biến chủng Lambda.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerkhove, quan chức phụ trách kỹ thuật hàng đầu WHO, giải thích rằng Lambda sẽ không được xác định là “biến chủng đáng lo ngại” trừ khi được chứng minh mang những đặc điểm như khả năng lây nhiễm cao hơn, nghiêm trọng hơn, hoặc gây tác động đến các biện pháp đối phó như xét nghiệm và tiêm chủng.

Thomas Preiss, giáo sư chuyên về khoa học bộ gene tại Đại học Quốc gia Australia, cũng đánh giá cần điều tra thêm mới biết được liệu Lambda có thể “vượt qua biến chủng Delta về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng trên thực tế” hay không.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu chưa được bình duyệt của Đại học Chile công bố hồi đầu tháng, biến chủng Lambda làm giảm mức độ kháng thể chống lại virus ở những người đã tiêm vaccine Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinovac, loại vaccine được sử dụng rộng rãi ở nước này.

Nghiên cứu suy đoán đây có thể là lý do biến chủng Lambda, ước tính chiếm hơn 1/3 số ca nhiễm tại Chile, vẫn hoành hành, bất chấp việc Chile là một trong những quốc gia tiêm chủng nhanh nhất thế giới. “Những đột biến trong protein gai giúp biến chủng Lambda thoát khỏi các kháng thể trung hòa, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm”, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile cho biết.

“Xét đến tình trạng biến chủng này lây lan nhanh chóng tại Peru, Ecuador, Chile và Argentina, chúng tôi đánh giá Lambda có nguy cơ đáng kể trở thành một biến chủng đáng lo ngại”, nghiên cứu kết luận.

Giới chuyên gia cho biết những biến chủng đáng lo ngại hiện nay dường như lây lan dễ dàng hơn, nhưng khi khả năng miễn dịch của cộng đồng gia tăng, virus sẽ chịu thêm áp lực tiến hóa mới có thể lách qua được lớp bảo vệ này.

“Theo lẽ thường, virus đang bắt đầu chịu áp lực chọn lọc để né tránh phản ứng miễn dịch tại những quốc gia và khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, hoặc đông đảo người dân từng nhiễm và khỏi”, giáo sư Preiss cho hay, nhưng lưu ý rằng rất khó xác định liệu đây có phải động lực thúc đẩy các đột biến hiện tại hay không.

Nghiên cứu mới về biến chủng Epsilon, lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ, được cho là giúp chứng minh virus có thể tự biến đổi theo nhiều cách và có nguy cơ né được lá chắn miễn dịch.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science hồi đầu tháng, các nhà khoa học chỉ ra ba đột biến của Epsilon làm giảm hiệu lực của các kháng thể trung hòa sinh ra từ những vaccine hiện nay, hoặc nhờ từng nhiễm nCoV. Họ còn phát hiện Epsilon đã tự sắp xếp lại một đoạn protein gai đặc biệt mà virus sử dụng để bám vào tế bào người, đánh giá đây là cách tránh miễn dịch “gián tiếp và bất thường”.

Tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã hạ cấp biến chủng Epsilon từ “đáng lo ngại” thành “đáng quan tâm”, với lý do tỷ lệ nhiễm loại biến chủng này đã giảm đáng kể trên toàn quốc. WHO cũng hạ mức độ nghiêm trọng của biến chủng này, xếp vào danh sách cần theo dõi thêm.

Tuy nhiên, quá trình quan sát Epsilon và các biến chủng nCoV khác, ngay cả những loại được chứng minh ít nguy hiểm hơn, mang lại nhiều bài học cho giới nghiên cứu, trong bối cảnh họ đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy các đột biến mới giúp virus tăng cường khả năng lọt qua hệ miễn dịch. Các chuyên gia có thể sẽ cần giải quyết vấn đề này bằng cách tăng liều vaccine.

“Việc tiếp tục theo dõi quá trình tiến hóa của các biến chủng, đặc biệt trong giai đoạn tiêm chủng toàn cầu này, là vô cùng quan trọng”, Luca Piccoli, một trong những tác giả của bài báo đăng trên Science, nhận định. “Càng nhiều người được tiêm chủng, virus càng bị thu hẹp môi trường để đột biến”.

Ánh Ngọc (Theo SCMP)

Nguồn: https://vnexpress.net/them-hai-bien-chung-ncov-troi-day-thach-thuc-gioi-khoa-hoc-4309102.html