Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã được xoa dịu?

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã được xoa dịu?

VOV.VN – Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen được kỳ vọng sẽ tạo kênh đối thoại hiệu quả giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặt nền móng cho việc giảm căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương.

Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhằm mục đích hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã trở nên tồi tệ trong bối cảnh tranh chấp về an ninh, công nghệ và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh, thế giới đủ lớn cho hai nước cùng phát triển, chung sống và chia sẻ thịnh vượng toàn cầu. “Sẽ không có người chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, hay sự tách rời và phá vỡ dây chuyền”, bà Janet Yellen khẳng định.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng chiếm 40% sản lượng toàn cầu, vẫn là những đối tác không thể thiếu trên nhiều phương diện. Thương mại giữa hai nền kinh tế này đã tăng vọt trong những thập kỷ gần đây, mang lại những lợi ích đáng kể nhưng cũng có những xung đột lớn.

Dữ liệu gần đây cho thấy mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã được cải thiện đáng kể, với thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 690 tỷ USD vào năm ngoái (vượt qua mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2018 là 659 tỉ USD). Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn từ bất kỳ quốc gia nào khác và Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất của Mỹ.

Trung tâm của cuộc xung đột thương mại là hệ thống kinh tế cạnh tranh của hai nước. Sự cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng khi Washington áp đặt các mức thuế và rào cản thương mại mới đối với Bắc Kinh.

Robert Sutter, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Trường Elliott thuộc Đại học George Washington, cho biết sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gay gắt. Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất có thể để tạo thặng dư thương mại, nhưng cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng hạn chế nguồn cung cấp tài nguyên và công nghệ mà Mỹ có thể sử dụng một cách chiến lược.

Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, Mỹ cần ưu tiên trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ. Ví dụ, đảm bảo có các nguồn nguyên tố đất hiếm từ bên ngoài Trung Quốc và phát triển công nghệ chip tại Mỹ.

Victoria Coates, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Heritage Foundation và là cựu quan chức trong chính quyền Trump, cho rằng trí tuệ nhân tạo là ưu tiên lớn của Mỹ trong cuộc cạnh tranh cũng như dự đoán các động thái tiếp theo của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc là một trong những quốc gia cho vay lớn nhất của Mỹ và nắm giữ khoản nợ gần 1.000 tỷ USD.

Doanh thu mà các công ty lớn của Mỹ thu được từ Trung Quốc nhiều hơn doanh thu của họ từ 3 quốc gia tiếp theo là Nhật Bản, Anh và Đức cộng lại. Song, triển vọng cho các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên ảm đạm. Trong cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc về các công ty Mỹ tại Trung Quốc, 56% mô tả hoạt động kinh doanh của họ là không có lãi vào năm 2022, một số đổ lỗi cho các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19 của Trung Quốc.