Thiên tai hoành hành khắp thế giới

Thiên tai hoành hành khắp thế giới

Đầu tháng 9 này, cơn bão quét qua gây ngập lụt Hong Kong (Trung Quốc) đã mở màn cho hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan tàn phá 10 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó thảm khốc nhất là trận lũ lịch sử ở Libya khiến hàng ngàn người chết và mất tích.

Trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại Libya

Cơn bão Daniel đổ bộ vào Libya hôm 10-9 gây ra lũ quét nghiêm trọng. Nước dâng nhanh làm vỡ hai con đập đầu nguồn ở thành phố duyên hải Derna thuộc miền Đông Libya và cuốn trôi nhiều nhà cửa ra Địa Trung Hải. Theo báo cáo của Chính phủ Libya, lũ quét đã phá hủy hoàn toàn 891 tòa nhà, làm hư hại hơn 600 tòa nhà khác ở thành phố 100.000 dân này.

Công tác khử trùng sau trận lũ lụt chết chóc tại thành phố Derna, Libya. Ảnh: Reuters

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 21-9 cho biết đã có trên 43.000 người ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, do thiếu nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt. Trong số đó, 30.000 người dân ở Derna phải chuyển đến các khu vực khác ở phía Đông và Tây thành phố này. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm ở các khu vực bị ảnh hưởng và điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng thảm khốc thứ hai.

Cuộc xung đột kéo dài giữa các bên đối nghịch ở miền Đông và Tây Libya đã hủy hoại mạng lưới quan trắc thời tiết và hệ thống công nghệ thông tin. Đó là lý do hệ thống cảnh báo sớm hoạt động không hiệu quả khi lũ quét ập đến, người dân không nhận được bất cứ chỉ dẫn sơ tán nào. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa là nguyên nhân chính khiến hơn 4.000 người thiệt mạng (có số liệu nói 11.000 người) và 9.000 người mất tích trong trận lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử hiện đại của quốc gia Bắc Phi này. Daniel được cho là cơn bão chết chóc nhất hành tinh kể từ siêu bão Haiyan ở Philippines năm 2013.

Châu Âu oằn mình trong bão lũ

Trước khi ập vào Libya, bão Daniel đã gây lũ lụt khủng khiếp tại Hy Lạp với lượng mưa chỉ trong 24 giờ nhiều bằng lượng mưa cả một năm rưỡi. Đường phố Hy Lạp biến thành những con sông chết chóc, nhấn chìm nhiều ngôi làng. Ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong cái gọi là “một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào châu Âu”. Giới chức Hy Lạp cho rằng lũ lụt xảy ra sau các vụ cháy rừng tàn khốc ở nước này “có dấu vết của biến đổi khí hậu”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động không nhỏ, ghi nhận ít nhất 7 người thiệt mạng. Lũ lụt nghiêm trọng cũng “không tha” Bulgaria, với ít nhất 4 người thiệt mạng. 

Maroc hứng trận động đất mạnh nhất thế kỷ

Chính quyền Maroc có kế hoạch chi ít nhất 11,7 tỉ USD trong 5 năm cho việc tái thiết khu vực bị ảnh hưởng do trận động đất khủng khiếp hồi đầu tháng 9. Trận động đất mạnh 6,8 độ Richter đã làm hơn 2.900 người thiệt mạng và 5.500 người bị thương, chủ yếu ở những ngôi làng khó tiếp cận thuộc vùng núi High Atlas thuộc miền Trung nước này.

Bên cạnh việc khắc phục hậu quả, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhận trận động đất gây thương vong lớn như thế. Năm 1960, một trận động đất từng cướp đi sinh mạng của hơn 12.000  người dân Maroc. Thảm họa đó đã dẫn đến những thay đổi trong quy định xây dựng ở quốc gia châu Phi, nhưng nhiều ngôi nhà, đặc biệt là ở nông thôn, không đáp ứng khả năng chống chịu những cơn chấn động như vậy. Ngoài ra, tâm chấn của động đất vừa rồi rất cạn (chỉ 18,5km) cộng với thời điểm xảy ra động đất vào ban đêm cũng là những yếu tố đẩy thương vong tăng cao.

Bão kép ở châu Á, mưa kỷ lục trút xuống châu Mỹ

Tuy quy mô tàn phá và tổn thất về nhân mạng nhỏ hơn so với Libya, nhưng châu Á cũng ghi nhận những cơn bão chết người chưa từng có. Hai cơn bão Sao La và Haikui quét qua khu vực này chỉ cách nhau vài ngày trong tuần đầu tiên của tháng 9, gây thiệt hại trên diện rộng tại Hong Kong, đảo Đài Loan và các khu vực khác ở miền Nam Trung Quốc.

Thiệt hại thực sự do bão Sao La xảy ra một tuần sau đó, khi lũ quét nhấn chìm các ga tàu điện ngầm và làm tắc nghẽn các tuyến đường bộ. Theo chính quyền Hong Kong, cơn bão mang lại lượng mưa theo giờ cao nhất kể từ năm 1884, thời điểm bắt đầu ghi nhận hồ sơ về bão. Tại Đài Loan, bão Haikui khiến hàng chục ngàn ngôi nhà mất điện và hơn 7.000 cư dân phải sơ tán. Jung-Eun Chu, nhà khoa học về khí quyển và khí hậu tại Đại học thành phố Hong Kong cho biết bão kép là một “trường hợp đặc biệt” tạo điều kiện cho một cơn bão nghiêm trọng bất thường vào một tuần sau đó.

Trong khi đó, nhiều nơi ở châu Mỹ cũng chìm trong biển nước. Brazil ghi nhận hơn 30 người chết vào trung tuần tháng 9 sau những trận mưa lớn và lũ lụt ở bang Rio Grande do Sul, đánh dấu thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại bang này trong 40 năm.

Kỷ lục thiên tai tỉ đô ở Mỹ

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ, nước này hứng chịu 23 hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại ít nhất 1 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023, vượt qua kỷ lục 22 hiện tượng trong cả năm 2020. Các thảm họa năm nay đã gây tổn thất 57,6 tỉ USD, làm chết ít nhất 253 người. Theo NOAA, sự phơi nhiễm, tính chất dễ gặp rủi ro và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các thiên tai, biến chúng thành những thảm họa tỉ đô.

Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan với sức tàn phá chưa từng có đang xảy ra với tần suất đáng báo động. Nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Michael Mann tại Đại học Pennsylvania phát hiện xu hướng các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn trong mùa hè, gồm nắng nóng và lũ lụt, bắt nguồn từ tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra. Đồng quan điểm, Giáo sư Paul Ullrich tại Đại học California, nhận định biến đổi khí hậu có thể đã trực tiếp đẩy cao tần suất và cường độ của các vụ nắng nóng, lũ lụt, cháy rừng. Trong tháng 6 lại xuất hiện thêm El Nino, hiện tượng thời tiết tự nhiên này nhiều khả năng đổ thêm “dầu” vào lửa đang cháy. Nhiệt độ trên toàn cầu vốn đã tăng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nay kết hợp với El Nino làm tăng vọt các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cháy rừng như “tận thế”

97 người chết trong vụ cháy rừng ở đảo Maui hồi tháng 8 đã trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang Hawaii của Mỹ, vượt qua trận sóng thần cướp đi sinh mạng của 61 người vào năm 1960. Đây cũng là số người chết cao nhất do cháy rừng tại Mỹ kể từ năm 1918, khi đám cháy Cloquet ở hai bang Minnesota và Wisconsin từng khiến 453 người thiệt mạng. Ngoài thương vong, “bão lửa” ở Maui còn phá hủy hơn 2.200 công trình và thiêu rụi 850ha, với chi phí tái thiết thị trấn Lahaina ước tính khoảng 5,5 tỉ USD.

Công tác khử trùng sau trận lũ lụt chết chóc tại thành phố Derna, Libya. Ảnh: Reuters

Một góc thị trấn Lahaina ở Hawaii trước và sau khi xảy ra cháy rừng kinh hoàng. Ảnh: Getty Images

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm kịch trên. Hai sự kiện thời tiết đã tạo điều kiện cho cháy rừng dữ dội và khó dập tắt ở Maui. Thứ nhất, hòn đảo vừa trải qua một đợt hạn hán, biến thảm thực vật thành nhiên liệu khô dễ bắt lửa. Thứ hai, một cơn bão càn quét ở phía Nam đã tạo ra đợt gió lớn kéo dài, thổi bùng các đám cháy khắp hòn đảo. Ngoài ra, môi trường do con người tạo ra ở Maui và các đảo khác thuộc Hawaii cũng “tiếp sức” cho các vụ cháy rừng.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã “mở ra các cánh cửa địa ngục”. Lời cảnh báo trên được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, diễn ra ngày 20-9, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Khoá họp thứ 78 Đại Hội đồng LHQ tại New York, Mỹ. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký LHQ đã lưu ý tới “sức nóng khủng khiếp” và “các đám cháy lịch sử” của năm 2023, song cho rằng các nước “vẫn có thể khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C – mục tiêu cần thiết để tránh thảm họa khí hậu về lâu dài. Ông nêu rõ: “Nhân loại đã mở các cánh cửa địa ngục. Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả tàn khốc – những người nông dân đau buồn chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh; hàng ngàn người phải sơ tán khi cháy rừng lịch sử hoành hành. Tuy nhiên, hành động vì khí hậu bị thu hẹp do thách thức ngày càng lớn. Người đứng đầu LHQ cảnh báo nếu không thay đổi, nhiệt độ thế giới có thể tăng tới 2,8 độ C – hướng đến một thế giới bất ổn và nguy hiểm.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/thien-tai-hoanh-hanh-khap-the-gioi-a150477.html