Gia đình, Mẹo hay & kiến thức, Thông tin
Cách giảm lo lắng về tiền bạc
Cách giảm lo lắng về tiền bạc
Không phải có thêm tiền sẽ giúp bạn bớt lo về tài chính mà cải thiện tâm lý tiêu cực mới là vấn đề.
Có những người luôn thanh toán trễ các hóa đơn dù có tiền trong tài khoản, đủ để chi trả đầy đủ và đúng hạn tất cả các nghĩa vụ tài chính. Kết quả, các khoản phí muộn chồng chất, các tiện ích bị gián đoạn, các thành viên trong gia đình thêm thất vọng và mức độ lo lắng tăng cao.
Hay như, các cặp vợ chồng đau đầu với việc mua sắm điên cuồng của người bạn đời. Việc không thể giải quyết vấn đề này cùng nhau hiệu quả và không phán xét sẽ có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách và mối quan hệ của họ.
Đây là hai ví dụ về việc chúng ta không đạt được tiến bộ về mục tiêu tài chính dù hoàn toàn có khả năng đạt được. Các chuyên gia cho rằng, cốt lõi của vấn đề là bởi sự tự kỷ ám thị về cảm xúc tiêu cực lặp đi lặp lại trong tâm trí. Đã đến lúc, bạn cần vui vẻ hơn với tiền bạc, bằng những khuyến nghị sau.
Tìm nguyên nhân gốc rễ
Thói quen mua sắm thiếu kiểm soát có thể xuất phát từ tâm lý sâu xa cần tháo gỡ. Ảnh: Pixabay
Biết rõ bản thân đang có bao nhiêu khoản phí bị trễ hạn, nợ thẻ tín dụng bao nhiêu hoặc thậm chí có đang đi đúng hướng mục tiêu tài chính hay không, cũng chẳng tự nhiên chữa khỏi được “bệnh” lo âu về tài chính.
Vấn đề là phải xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc gây hại cho đời sống tài chính của bạn, tức nguyên nhân đằng sau là gì, thì mới tháo gỡ được tâm trạng, dẫn đến thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Trong cặp đôi được miêu tả ở trên, người chồng đang đối mặt với vấn đề bội chi của vợ. Người chồng đã liên hệ với Holly Morphew, nhà sáng lập kiêm CEO của Financial Impact, một công ty chuyên về cố vấn tài chính. Anh kể với chuyên gia rằng vợ mình luôn trữ một lượng lớn thức ăn trong tủ lạnh. Ban đầu, cô vợ cũng không nhận ra điều gì đã thôi thúc hành vi này của bản thân.
Sau cùng, họ tìm ra nguyên nhân là do một chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Người vợ bị bỏ rơi và thường xuyên bị bỏ đói. Tuổi thơ này đã dẫn đến hành vi mua sắm do sợ hãi.
Đối mặt với nỗi sợ
Linda Matthew, Huấn luyện viên tài chính cá nhân của MoneyMindful, nói rằng cô luôn hỏi khách hàng lần đầu đến gặp đang cảm thấy như thế nào. “99% họ đều trả lời là ‘sợ hãi’”, vị chuyên gia nói.
Trở lại trường hợp người luôn thanh toán trễ các hóa đơn nêu trên. Nhìn bên ngoài thì rất khó hiểu, bởi người này có đủ phương tiện thanh toán, nhưng rõ ràng có điều gì đó đang ngăn cản họ trả khoản tiền này.
Matthew nhận ra hành vi này ở những người không có nhiều tiền trong quá khứ. Tích cóp tiền trở thành thói quen mà vô tình họ xem như là cách chống lại nỗi sợ mất đi tài sản quý giá, ngay cả khi không còn thiếu thốn.
Những nỗi sợ mơ hồ, không xác định thường là nỗi sợ về những điều chưa biết. Bước đầu tiên trong việc chống lại nỗi sợ là nghiên cứu sâu về các khoản tiền, như tiền tiết kiệm, tiền nợ, chi tiêu… “Bạn phải ghi nó ra trước, bạn mới có thể nhận ra nó là gì,” Matthew nói.
Theo đó, đối mặt với nỗi sợ bằng cách thực hiện bài tập vạch ra các nhiệm vụ tài chính và hoàn thành nó, chính là giải pháp. Lợi ích cảm xúc của việc hoàn thành bài tập này rất lớn.
“Nhận rõ tài chính của bạn ở mức nào là rất hữu ích” Matthew nói. Khi cô hỏi các khách hàng cảm thấy thế nào sau bài tập này, hầu hết họ trả lời “Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Giải quyết tất cả cảm xúc về tài chính
Đừng bỏ qua những cảm giác khó chịu về tiền bạc. Ảnh: Pixabay
Tất cả chúng ta đều nhạy cảm về vấn đề tài chính. Dưới đây là vài mẹo để bắt đầu khám phá và vượt qua những cảm xúc gây ảnh hưởng tiến trình tài chính:
Đừng bỏ qua cảm giác khó chịu: Đây là dấu hiệu cảm xúc tài chính của bạn có vấn đề. Nếu bạn không có động lực thì có thể mục tiêu tài chính của bạn đặt ra không phù hợp với bản thân. Nếu cảm thấy vô vị ngay cả khi tài chính đang tốt thì có thể bạn đang vung tiền bạc và công sức vào những thứ hoặc những người không thực sự mang đến niềm vui.
Nhận ra vị trí hiện tại và vị trí bạn cần đạt được: Cả Matthew và Morphew đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không thỏa hiệp với các giả định. “Đầu óc chúng ta không phải là nơi lý tưởng để làm việc với những con số,” Matthew nói. Thay vào đó, hãy viết tất cả ra giấy, hình dung về tài chính hiện tại cũng như các mục tiêu chi tiết và các bước thực hiện.
Lập một phương pháp thích hợp: Một khi bạn nhận ra cần chi tiêu ở đâu, hãy đặt tài chính vào chế độ tự động. Tự động thực hiện thanh toán nợ hàng tháng hoặc tự động chuyển tiền đúng hạn vào quỹ khẩn cấp hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí. Điều này giúp giảm thiểu các quyết định hàng ngày.
Sắp xếp thời gian tài chính hàng tuần: “Tài chính giống như bài tập, là điều bạn phải thực hành thường xuyên,” Matthew cho biết. Sự tiến bộ sẽ không tự xảy ra. Bạn có thể dùng thời gian tài chính để thanh toán các hóa đơn, kiểm tra ngân sách, tổng kết các khoản tiết kiệm hoặc xử lý các trở ngại quan trọng.
Tìm sự giúp đỡ: Không có lý do nào cố gắng vượt qua khó khăn một mình. Hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân. Một số người sẽ có xuất thân từ tâm lý học và những người khác xuất thân từ giới tư vấn tài chính.
- 25 tuổi thành triệu phú nhờ không tiêu tiền cho 2 thứ
- 8 dấu hiệu cho thấy bạn chưa tiết kiệm đủ tiền
- 6 dấu hiệu bạn đang tiêu tiền nhiều hơn khả năng
Phiên An (theo HerMoney)
Theo Vnexpress.net