Gia đình, Mẹo hay & kiến thức, Thông tin
Dùng chảo chống dính có gây hại cho sức khỏe như ‘tin đồn’?
Dùng chảo chống dính có gây hại cho sức khỏe như ‘tin đồn’?
Chảo chống dính từ lâu vẫn có nhiều tranh cãi có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các mối nguy hiểm sức khỏe khác. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào và dùng sao cho an toàn?
Chảo chống dính cần tránh để trầy xước. (Ảnh minh họa)
Lớp phủ trên chảo có cần e ngại?
Nhiều người vẫn lo ngại lớp phủ trên chảo, xoong chống dính gây mất an toàn trong nấu nướng, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề về sức khỏe.
Sự thực thành phần chất trong chảo chống dính tác hại thế nào, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn – giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết công thức Teflon nổi tiếng đến mức nhiều người đã gọi các loại chảo, nồi chống dính là Teflon.
Thực tế không phải tất cả thành phần chống dính trong dụng cụ nấu ăn đều là Teflon. Mặc dù xuất hiện từ rất lâu nhưng Teflon vẫn gây ra những lo ngại tiềm ẩn đối với sức khỏe. Một câu hỏi liên tục được đặt ra là liệu dụng cụ nấu ăn không dính có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?
Thực tế, Teflon là tên của một loại hóa chất tổng hợp được gọi là polytetrafluoroethylene (PTFE). Teflon được sử dụng như một lớp chống dính trên bề mặt nhiều loại sản phẩm vì nó không thấm nước và giúp giảm ma sát.
Teflon được sử dụng từ những năm 1940 và xuất hiện trong nhiều vật dụng, từ bóng đèn nhiệt cho đến đồ bảo vệ vải. Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng vào công nghiệp, ô tô và dược phẩm.
Trên thực tế chúng ta đang sử dụng rất nhiều sản phẩm phủ Teflon trong gia đình. Tuy nhiên, công dụng quen thuộc nhất của Teflon có lẽ là lớp chống dính phủ trên bề mặt nồi và chảo, giúp việc nấu nướng và vệ sinh dụng cụ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trả lời câu hỏi về thành phần chống dính trong dụng cụ nấu ăn có làm tăng nguy cơ ung thư hay không? Theo bác sĩ Tuấn, mối quan tâm về dụng cụ nấu ăn như nồi chống dính và nguy cơ gây ung thư hoàn toàn không liên quan đến Teflon.
Nguy cơ này liên quan đến axit perfluorooctanoic (PFOA) – một hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon.
Mặc dù PFOA từng được sử dụng để sản xuất Teflon nhưng kể từ năm 2013 trở đi, tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu Teflon đều không chứa PFOA nữa. Có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa PFOA và ung thư, nhưng mối liên hệ giữa Teflon và ung thư lại hoàn toàn không có căn cứ.
Chúng ta cần hiểu tại sao PFOA lại được quan tâm và tại sao nó không còn được sử dụng để sản xuất Teflon. Trong quá trình sản xuất lớp chống dính Teflon, PFOA có thể gây ô nhiễm vào đất, nước, không khí và thời gian nó tồn tại trong môi trường và cơ thể con người là rất dài.
Người tiêu dùng tiếp xúc lâu với khói sản sinh từ các dụng cụ có tráng lớp chống dính có thể xuất hiện các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, ớn lạnh và sốt. Điều này thường liên quan đến việc các dụng cụ như nồi chống dính được sử dụng ở đến nhiệt độ quá cao trong nhiều giờ.
Thực tế, tình trạng này là lành tính và các triệu chứng có xu hướng biến mất trong vòng 12-48 giờ sau khi tiếp xúc với khói. Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể nghiêm trọng đối với những người đã mắc bệnh tim mạch hoặc hô hấp từ trước.
Một số nghiên cứu khác cho thấy chất PFAS (không được sử dụng chế tạo Teflon từ năm 2013) có thể liên quan đến:
– Tăng mức cholesterol máu;
– Giảm hiệu quả vắc xin ở trẻ em;
– Thay đổi men gan;
– Tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở phụ nữ đang mang thai;
– Nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.
Không nên dùng chảo chống dính quá lâu. (Ảnh minh họa)
Tránh bong tróc hạt vi nhựa để đảm bảo an toàn
Các nhà khoa học từ Đại học Newcastle và Đại học Flinders, Úc, đã dùng những chiếc chảo chống dính mới với chảo dùng hai năm, cùng dụng cụ nấu nướng bằng inox và gỗ, để đo lường mức độ hạt nhựa có khả năng phát tán trong quá trình nấu ăn.
Kết quả công bố trên tạp chí The Total Environment mới đây cho thấy chỉ một vết xước nhỏ trên chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu.
Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên, sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm.
Một báo cáo năm 2022 từ tổ chức phi lợi nhuận Ecology Center cho thấy 79% chảo nấu chống dính và 20% chảo nướng chống dính được phủ PTFE.
Giáo sư Youhong Tang, Đại học Flinders, cho biết nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu rõ hơn về mối đe dọa của các mảnh vụn nhựa PTFE trong quá trình nấu nướng hằng ngày.
“Điều này đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ rằng chúng ta phải cẩn thận trong việc lựa chọn và sử dụng các dụng cụ nấu ăn để tránh thực phẩm bị nhiễm hạt nhựa”, giáo sư Tang cho biết.
Để tránh nhiễm hạt nhựa vào thực phẩm và môi trường, các gia đình nên sử dụng dụng cụ nấu nướng mềm, không sắc nhọn để không làm trầy xước bề mặt trong quá trình nấu nướng và làm sạch.
Vì thế tránh dùng thìa đũa inox khi nấu, chiên xào bằng chảo chống dính, tuyệt đối không dùng búi cọ nồi có các sợi kim loại để rửa chảo, nên thay mới nếu có bất kỳ vết trầy xước nào.
Theo bác sĩ Tuấn, một số mẹo sử dụng dụng cụ nấu ăn Teflon an toàn như sau:
– Thay thế dụng cụ nấu Teflon bị hỏng hoặc bị mòn;
– Làm nóng trước với lửa nhỏ đến trung bình;
– Đừng để chảo hoặc nồi chống dính không có thức ăn trên bếp đang nóng;
– Mặc dù lớp chống dính Teflon có thể an toàn ở nhiệt độ lên đến 260°C nhưng tốt nhất người dùng nên nấu ở nhiệt độ từ thấp đến trung bình;
– Khi sử dụng nhiệt độ quá cao, hãy bật quạt thông gió hoặc mở cửa sổ;
– Tránh các đồ dùng bằng kim loại cứng có thể làm xước lớp chống dính của chảo Teflon;
– Không sử dụng vật liệu tẩy rửa có tính ăn mòn;
– Dù sử dụng chảo, nồi chống dính hay bất kỳ dụng cụ nấu nướng nào khác, người dùng hãy luôn tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để sử dụng một cách an toàn nhất;
– Nếu sử dụng dụng cụ Teflon được sản xuất trước năm 2013 và lo lắng về sức khỏe, chúng ta hãy thử thay thế các bằng dụng cụ nấu ăn Teflon mới hơn hoặc các loại nồi chảo được làm bằng thép không gỉ hoặc nhôm.
Lớp phủ chống dính cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí khi đạt đến nhiệt độ nhất định. Các nhà khoa học đã cho thấy khi đun nóng đến 260 độ C sẽ bắt đầu tạo ra khói, khi đạt đến 400 độ C sẽ bị phân hủy và sinh ra một số chất độc hại. Vì thế, trong nấu ăn hằng ngày ở hãy để dưới 200 độ C và tránh để chảo khô trên bếp. Tránh đun chất chua trong chảo chống dính vì thức ăn có tính axit sẽ dễ ăn mòn lớp kim loại. Nên thay mới chảo sau 2 năm sử dụng./. |
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-chao-chong-dinh-co-gay-hai-cho-suc-khoe-nhu-tin-don-20240520122401295.htm
Nguồn: https://baolongan.vn/dung-chao-chong-dinh-co-gay-hai-cho-suc-khoe-nhu-tin-don-a176450.html |