Những nữ sinh kiếm tiền từ đam mê làm đồ thủ công
Singapore – Giữa Covid-19 và áp lực học tập tại trường, Casey Chen (15 tuổi) vẫn kiếm được 60 SGD (hơn một triệu đồng) mỗi tuần nhờ kinh doanh trang sức tự làm.
CNA Women cho rằng nếu Forbes có danh sách “16 under 16” để vinh danh những gương mặt dưới 16 tuổi nổi bật nhất, Casey Chen xứng đáng góp mặt.
Chế tác đồ trang sức thủ công là sở thích của Casey. Em học cách làm vòng charm và vòng cổ từ mẹ mình – người làm rất nhiều thứ thủ công như xà phòng, đồ trang sức, pha lê hay vỏ điện thoại. Năm nay, giữa đại dịch Covid-19, nữ sinh trường Trung học Springfield bắt đầu có ý tưởng về việc kinh doanh những sản phẩm do mình tạo ra, biến những sản phẩm sáng tạo vốn chỉ để trưng bày thành sản phẩm tạo ra thu nhập, giúp em có một khoản tiêu vặt.
Tháng 6, Casey mở một tài khoản trên Instagram, đăng tải những bức ảnh phụ kiện đính cườm như vòng tay, nhẫn, vòng cổ với nhiều mẫu, màu sắc. Những bức ảnh được Casey tự tay chỉnh sửa, sao cho phù hợp và có sự gắn kết tổng thể trên trang Instagram. Và giống như nhiều người bán hàng khác, Casey còn có một tài khoản khác, nơi cô bán đồ trang sức pha lê.
Kinh doanh trên Instagram mang về cho Casey khoảng 60 SGD mỗi tuần “nếu việc kinh doanh thuận lợi”. Em dành 5 giờ mỗi tuần để quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội và đóng gói các đơn đặt hàng. Mặc dù việc tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn vẫn là thách thức, Casey có động lực hơn mỗi khi có người đánh giá cao thiết kế của mình.
“Có thể làm ra những thứ mình nghĩ không thể làm và đạt được kết quả nào đó đem lại cho em sự thoả mãn”, Casey nói. Em khuyên những bạn muốn bắt đầu kinh doanh không từ bỏ nếu không đạt được thành công ở những lần thử đầu tiên, thứ hai, thậm chí thứ ba. Cô bé tin rằng nếu quyết tâm, bất cứ ai cũng có thể thành công.
Giống như Casey, Derya Okten, học sinh lớp 8 tại UWCSEA East, cho rằng đam mê có thể kiếm ra tiền. Người sáng lập Olaf Organics, một cửa hàng xà phòng và nước hoa tự nhiên trên Etsy, cho biết em được truyền cảm hứng từ các thành viên trong đại gia đình mình, trong đó có một số là doanh nhân.
“Em thích sáng tạo và thử làm điều gì đó mới mẻ. Ý tưởng kết hợp sự sáng tạo với những gì học được từ gia đình và sự hỗ trợ của họ giúp em tự tin thử sức với lĩnh vực kinh doanh”, Derya nói.
Cô bé 13 tuổi đã thử kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau. Trong những ngày nghỉ hè, từ Singapore trở về quê Thổ Nhĩ Kỳ, em và anh họ 11 tuổi đã bán tranh vẽ, bookmark (đánh dấu trang) tự làm tại chợ địa phương để gây quỹ từ thiện. Sau khi tham gia một số khóa học về nước hoa và thử nghiệm làm xà phòng, hai anh em quyết định bán xà phòng thay thế. Và từ đó Olaf Organics ra đời.
Derya dành khoảng 3 giờ mỗi tuần để làm xà phòng, thử nghiệm các sản phẩm mới và tạo nội dung cho các trang bán hàng trực tuyến của mình. Hiện, Olaff Organics do em sáng lập cung cấp bộ sưu tập xà phòng mùa hè với các thành phần tự nhiên, không có mùi độc hại như hoa cúc, cà phê espresso, hoa oải hương Pháp, mật ong, bạc hà và hương thảo. Mỗi loại có giá 12 SGD. Em cũng bán nước hoa theo mùi hương với giá 12-17 SGD tuỳ vào kích thước chai.
Hiện, thu nhập của Derya “đủ để trang trải chi phí”, mua được nguyên liệu chất lượng và trích được một phần quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Bà Berna Okten, mẹ của Derya, cho hay nhờ có nền tảng về lĩnh vực tài chính, bà đã giải thích cho con gái và cháu những kiến thức cơ bản về kinh doanh như quản lý hàng tồn kho, kiểm soát chi phí và tiếp thị bằng những hình thức đơn giản nhất. Sau đó, Derya và anh mình xử lý mọi công việc, từ tạo ra sản phẩm đến giao hàng.
“Ngoài việc trở thành bức tranh hoàn hảo cho sự sáng tạo, công việc đã dạy cho con gái tôi những khái niệm kinh doanh đơn giản nhất mà con có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống sau này”, bà Okten nói.
Còn với Derya, việc kinh doanh giúp tăng cảm giác “tự thành công”, đặc biệt khi biết sản phẩm của mình “có thể thực sự quan trọng đối với khách hàng”. Công việc này cũng giúp em nâng cao tính tự lập, được cung cấp rất nhiều cơ hội học tập để phát triển, có được sự tự do với trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của mình và có một khoản tiêu vặt.
Cô bé khuyên mọi người hãy làm gì đó đam mê thay vì những thứ người khác mong muốn mình làm. “Hãy kiên nhẫn và đừng sợ thử nghiệm. Hãy sẵn sàng để thất bại, chúng ta sẽ học được từ những sai lầm nhiều hơn là những thành công”, Derya nói.
Giống như Casey và Derya, Lara Manchharam, 11 tuổi, học sinh trường Singapore American, cũng được ví như “nữ doanh nhân nhỏ sáng tạo”. Bà Shireena Shroff Manchharam, mẹ của Lara, cho biết em đã có 100 ý tưởng, từ việc tạo ra nước hoa, bán slime thủ công đến viết truyện để được xuất bản. Những ý tưởng này xuất phát từ chiến dịch chống bắt nạt và quyên góp tiền cho SPCA (Hiệp hội ngăn chặn sự ngược đãi với động vật).
“Tôi thực sự thích sự khéo léo và dũng cảm của con bé khi làm những gì con muốn theo cách của riêng mình”, bà nói.
Lara giờ là chủ sở hữu của một doanh nghiệp làm nến mà em gọi là “On A Wick”, cung cấp nến với ba mùi là oải hương, chanh và bạc hà, với giá 16,8 SGD mỗi loại. Em cũng bán chúng theo bộ (set), trong đó set Bestie với hai cây nến có giá 30 SGD và set Celebration với ba cây nến có giá 45 SGD. Trang web của Lara đang trong quá tình hoàn thiện nên các đơn đặt hàng thường qua trang Instagram cá nhân.
“Đôi khi em thức dậy với những ý tưởng điên rồ và muốn xây dựng dựa trên ý tưởng đó, nhưng với nến, em cảm thấy đó là thứ mà em sẽ phải bỏ rất nhiều công sức vào. Thắp nến mang lại niềm vui cho em vì em khiến mọi người được bao quanh bởi mùi hương đáng yêu, cảm thấy hạnh phúc và tập trung vào điều tích cực”, Lara nói.
Cô bé 11 tuổi luôn mong muốn trở thành nữ doanh nhân, được truyền cảm hứng từ mẹ, người đã tạo ra rất nhiều công việc kinh doanh khác nhau, khiến em phải suy nghĩ nhiều hơn về những gì có thể làm. Mẹ của Lara cũng cho biết khi em mới vài tuổi, em đã cùng mẹ đi tìm nguồn cung ứng cho nhãn hiệu túi xách từ Indonesia, ngồi trong các xưởng nóng đổ mồ hôi, giúp mẹ chọn nguyên liệu, tham gia đóng gói hàng, dọn dẹp kệ trưng bày và cùng mẹ tham gia các sự kiện bán hàng. Lara cũng học hỏi được nhiều từ bố, chủ một công ty khởi nghiệp.
Với Lara, điều hành doanh nghiệp là cơ hội để rời vùng an toàn, buộc em phải có kế hoạch, đạt được mục tiêu thay vì “ngồi chơi xơi nước”. Với công việc bán nến, em dành 5-7 tiếng mỗi tuần để tạo ra sản phẩm, đóng gói hoặc làm việc trên Excel. Việc kinh doanh cũng khiến em sáng tạo hơn, ít sử dụng công nghệ và các thiết bị gây lãng phí thời gian.
Dương Tâm (Theo Channel News Asia)
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nu-sinh-kiem-tien-tu-dam-me-lam-do-thu-cong-4370350.html |