Dạy chữ sớm là làm hại trẻ
Một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của đại học Yale (Mỹ) chỉ ra: Cho trẻ biết chữ sớm chẳng ích lợi gì.
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ nên dạy trẻ biết chữ từ sớm, để khi chúng bước vào lớp 1 có thể đọc thông viết thạo, sẽ có lợi thế so với các bạn đồng trang lứa. Thậm chí, vì sợ con “thua trên vạch xuất phát”, không ít người dạy con biết chữ từ 4-5 tuổi.
Việc nhận biết chữ, số quá sớm không những không giúp trẻ hiểu biết thêm, mà còn phá hủy tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ. Ảnh minh họa: Bilingualkid.
Một câu chuyện tại Mỹ từng gây xôn xao trong giới giáo dục. Một bé gái 3 tuổi ở Nevada, dưới sự hướng dẫn của giáo viên mẫu giáo, đã nhận biết được chữ O trên hộp quà có chữ Open (mở ra). Khi bé gái chỉ cho mẹ chữ O, mẹ đã rất bất ngờ.
Thay vì vui sướng, người mẹ đâm đơn kiện trường mẫu giáo. Lý lẽ người mẹ đưa ra: Nếu không biết đó là chữ O, con của cô có thể nghĩ O là mặt trời, là quả táo, là trứng gà. Nhưng khi biết đó là chữ O rồi, bé gái chỉ nhận biết được đó là chữ O mà thôi. Việc trường dạy chữ cho con cô đã khiến em bé vô tình mất đi sự sáng tạo. Điều bất ngờ là, sau 3 tháng xử kiện, tòa dành phần thắng cho người mẹ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trước 4 tuổi, trẻ ở giai đoạn tư duy hình ảnh, chủ yếu sử dụng não phải. Chữ viết, các con số khi đó là những biểu tượng trừu tượng. Vì thế, việc nhận biết chữ, số quá sớm không những không giúp trẻ hiểu biết thêm, mà còn phá hủy tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ.
Trong thực tế, khi cha mẹ đọc sách cho con, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng trẻ có xu hướng bị thu hút bởi các bức tranh, thay vì các dòng chữ. Do đó, nếu cha mẹ dạy con biết chữ, biết số trước, họ vô tình cản trở dòng tư duy tự nhiên của trẻ.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng càng dạy sớm, trẻ càng hiểu biết sớm. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ Arnold Gesell – người sáng lập ra Viện Phát triển Trẻ em Gesell, trực thuộc Đại học Yale đã chỉ ra: Từ góc độ dài hạn, trẻ em 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, hay 5, 6 hoặc thậm chí là 7 tuổi bắt đầu nhận biết mặt chữ, hay số, thì cũng không có sự khác biệt trong tương lai. Khi sự phát triển thể chất lẫn tư duy của trẻ không đạt tới một mức độ nhất định, tất cả những sự giáo dục sớm chỉ là lãng phí thời gian.
Trong giáo dục trẻ em hiện nay, cha mẹ luôn phải đối mặt với sự so sánh. Tuy nhiên, khi so sánh khả năng đọc, viết của trẻ, họ bỏ qua một điểm quan trọng: biết chữ không phải là một kỹ năng đặc biệt.
Đương nhiên, điều này không có nghĩa là không nên cho trẻ từ 4-6 tuổi biết chữ. Điều này chỉ có nghĩa là không nên ép trẻ học một số lượng lớn chữ.
Nhà giáo dục nổi tiếng Montessori, từng đề xuất khái niệm “thời kỳ nhạy cảm của trẻ em”. Giai đoạn nhạy cảm với chữ viết của mỗi trẻ xảy ra trong một giai đoạn khác nhau, có thể sớm hoặc muộn, và thường xuất hiện vào độ tuổi từ 4-7 tuổi. Khi giai đoạn nhạy cảm đọc viết xuất hiện, trẻ có mong muốn học, hiểu các từ. Giai đoạn này, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tìm hiểu, học một số từ tùy theo sở thích của chúng.
Chuyên gia giáo dục người Trung Quốc Doãn Kiến Lợi từng chia sẻ trong chương trình “Những bà mẹ tốt hơn những giáo viên tốt”, cô chưa từng mua bảng chữ cái về dạy con. Dù vậy, con cô học tiểu học rất xuất sắc. Phương pháp giáo dục của cô là luôn đọc chính xác câu chuyện cho con, sau đó lắng nghe con kể lại những câu chuyện đó. Nhờ vậy, con cô quan tâm đến từ ngữ, cách kết nối câu chuyện, cách sử dụng từ ngữ, vốn từ vựng cũng nhờ thế tăng lên đáng kể và tự nhiên. Bên cạnh đó, cô cũng dạy con nhận mặt chữ một cách tự nhiên, thông qua việc đọc cho con nghe tên các con vật ở bảng hiệu khi đi sở thú, hay chỉ vào dấu hiệu “Không hút thuốc” trên các bảng cảnh báo nơi công cộng. Nhờ thế, con cô biết chữ rất tự nhiên, đơn giản.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)
Theo Vnexpress.net