Thời sự quốc tế, Thông tin
Tương lai Afghanistan dưới chế độ Taliban
Tương lai Afghanistan dưới chế độ Taliban
Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan có thể áp đặt quy định hà khắc với phụ nữ, hạn chế giáo dục và dung túng cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Taliban ngày 15/8 tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp kháng cự từ lực lượng chính phủ. Sau chiến dịch tiến công chớp nhoáng, Taliban đã khôi phục quyền lực bị lật đổ từ 20 năm trước. Phát ngôn viên của Taliban tuyên bố chính phủ mới sẽ bao gồm những người Afghanistan không thuộc lực lượng và cả người từ chính quyền cũ.
Taliban trỗi dậy từ xung đột tại Afghanistan và cai trị phần lớn quốc gia Trung Á này từ năm 1996. Taliban nổi tiếng với việc áp luật Hồi giáo hà khắc trong 5 năm cầm quyền trước khi trước khi bị liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ năm 2001.
Việc Taliban quay lại đang khiến nhiều người lo ngại về cách phụ nữ được đối xử ở Afghanistan dưới chế độ mới. Trong thời gian Taliban cầm quyền năm 1996-2001, nhiều người dân Afghanistan chán nản chiến tranh ban đầu đã đặt hy vọng vào lời hứa của lực lượng rằng họ sẽ mang lại an ninh, trật tự và kiềm chế tham nhũng.
Nhưng điều đó đi kèm với cái giá rất cao: Taliban áp đặt những hình phạt khắc nghiệt như hành quyết nơi công cộng, đóng cửa các trường nữ sinh dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên, cấm người dân xem truyền hình và giật sập các bức tượng Phật cổ đại. Nhóm này nói rằng họ đưa ra các biện pháp đó xuất phát từ cách diễn giải chính thống Hồi giáo và các truyền thống của Afghanistan.
Phụ nữ phải che kín mặt và chỉ được ra khỏi nhà khi đi cùng một người thân là nam giới. Họ không được phép làm việc bên ngoài gia đình và cũng bị cấm bỏ phiếu. Họ có nguy cơ chịu những hình phạt tàn nhẫn nếu không tuân theo các quy tắc, bao gồm bị đánh đập, quất roi và ném đá đến chết nếu bị kết tội ngoại tình.
Năm 1999, dưới sự lãnh đạo của Taliban, không một bé gái Afghanistan nào được học ở trường trung học và chỉ 4% trong số 9.000 bé gái trong độ tuổi học tiểu học được đến trường. Hiện nay, khoảng 3,5 triệu bé gái được đi học ở Afghanistan.
Các thủ lĩnh Taliban tuyên bố họ muốn trao quyền cho phụ nữ “theo Hồi giáo” nhưng điều này đã vấp phải sự hoài nghi lớn. Vào tháng 7, Liên Hợp Quốc cho biết số phụ nữ và bé gái thiệt mạng và bị thương trong 6 tháng đầu năm ở Afghanistan đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
“Cộng đồng quốc tế phải tuyên bố dứt khoát với Taliban rằng những hành động tàn bạo đối với phụ nữ và bé gái sẽ khiến họ phải chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt”, Irfan Nooruddin, giám đốc Trung tâm Nam Á của Hội đồng Đại Tây Dương, viết.
David Kilcullen, giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Học viện Quốc phòng Australia, cho biết Taliban đã tiến bộ về quản lý hơn trước đây rất nhiều nhưng tương lai không chắc chắn. “Họ đã đào tạo các thủ lĩnh quản trị và giỏi hơn nhiều trong việc liên lạc và truyền tin. Họ đã điều hành ‘chính quyền ngầm’ ở hầu hết các tỉnh và một loạt ‘chính quyền du kích’ ở các thành phố lớn”.
“Họ có hệ thống thu thuế địa phương khá hiệu quả và kiếm tiền từ sản xuất ma túy, sản xuất nông nghiệp và khai thác gỗ”, Kilcullen nói.
Barry Pavel, giám đốc Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh tại Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo Mỹ và các đối tác liên minh sẽ phải điều chỉnh chính sách để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia sau khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan.
Tình thế hiện nay có thể còn nguy hiểm hơn thời những năm 1990. Afghanistan do Taliban lãnh đạo có thể cung cấp cho những kẻ khủng bố toàn cầu am hiểu công nghệ nơi trú ẩn an toàn để chiêu mộ từ xa những tín đồ mới, tạo ra mối đe dọa an ninh lớn hơn so với trước đây.
“Việc chính quyền Biden rút khỏi Afghanistan là tin tốt nhất mà al-Qaeda có trong nhiều thập kỷ. Khi Taliban quay lại tiếp quản đất nước, al-Qaeda sẽ thiết lập lại nơi trú ẩn ở Afghanistan và sử dụng nó để lên kế hoạch tấn công vào Mỹ”, Nathan Sales, chuyên gia chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, bình luận.
Chuyên gia này cho rằng Taliban sẽ tịch thu tiền từ ngân hàng trung ương Afghanistan, trang bị vũ khí chiếm được từ quân đội Afghanistan và gia tăng lực lượng nhờ các chiến binh được giải thoát khỏi nhà tù.
Những điều này diễn ra khi năng lực tình báo của Mỹ ở Afghanistan suy giảm nghiêm trọng. Không có sự hiện diện quân sự hoặc ngoại giao trên mặt đất, việc theo dõi al-Qaeda sẽ khó khăn hơn nhiều khi tổ chức này tái cấu trúc, huấn luyện và lên kế hoạch tấn công. Khi các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Mỹ đang ở cách xa hàng trăm km tại Vùng Vịnh, sẽ khó khăn hơn rất nhiều để tiêu diệt những kẻ khủng bố ngay cả khi có thể xác định được vị trí của chúng, Sales đánh giá.
“Mỹ cũng nên tiến hành rà soát chính sách khẩn cấp về việc Afghanistan do Taliban lãnh đạo có thể ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh Mỹ – Trung, sau đó phát triển các chính sách cụ thể bao gồm một loạt vấn đề liên quan, từ tiếp cận nguồn đất hiếm đến ảnh hưởng trong khu vực”, Pavel nói. “Không nên đánh giá thấp tác động của việc Taliban tiếp quản quyền lực đối với các liên minh an ninh và quan hệ đối tác của Mỹ trên toàn cầu”.
Phương Vũ (Theo Atlantic Council/ASPI)
Nguon: https://vnexpress.net/tuong-lai-afghanistan-duoi-che-do-taliban-4341279.html |