Trung Quốc trước nỗi lo tái bùng phát COVID-19

Trung Quốc trước nỗi lo tái bùng phát COVID-19

(PL)- Dù Trung Quốc được cho là đã vượt qua đợt dịch COVID-19 đầu tiên, nhiều cảnh báo bắt đầu xuất hiện về việc nước này chủ quan trong công tác phòng bị cho đợt dịch thứ hai đang đến gần.

Là một trong số ít những quốc gia trên thế giới tuyên bố đã kiểm soát được tình hình dịch trong nước, số người nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc (TQ) gần đây bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Tính đến tối 18-5 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm bảy bệnh nhân mới, nâng tổng số người bệnh ở đây lên 82.954. Phần lớn các ca mới đều là cư dân của TP Cát Lâm, nơi vừa bị ban lệnh phong tỏa một phần.

Trả lời phỏng vấn của đài CNN cùng ngày, cố vấn y tế hàng đầu của Bắc Kinh – TS Chung Nam Sơn đã lên tiếng cảnh báo TQ đang đứng trước một “thách thức rất lớn” từ nguy cơ đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại.

Không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát

Cụ thể, TS Chung cho biết nhiều giới chức lãnh đạo TQ đang có tâm lý tự mãn trước các thành quả chống dịch đạt được trong thời qua. Khi dịch được kiểm soát, chính phủ TQ đã cho dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở nhiều địa phương, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Học sinh quay lại trường học, các nhà máy, công xưởng hoạt động trở lại trên toàn quốc.

Những quan chức này còn lập luận rằng việc tăng lại ca nhiễm mới gần đây cũng không có gì quá nghiêm trọng khi phần lớn những địa phương có thêm bệnh nhân đều ở rất xa trung tâm, gần khu vực biên giới và không tiếp giáp những tỉnh, thành khác. Do đó, trong kịch bản xấu nhất là các khu vực này trở thành tâm dịch như TP Vũ Hán hồi tháng 1 thì tiến hành phong tỏa cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Chung Nam Sơn cảnh báo việc dễ thỏa mãn trước thắng lợi ban đầu sẽ là tử huyệt của TQ một khi dịch vượt quá tầm kiểm soát mà không có động thái chặn đứng từ sớm. “Phần lớn người dân TQ lúc này vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 do không thể xây dựng được miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi vẫn đang đối mặt thách thức lớn và tôi nghĩ tình thế của chúng tôi không tốt hơn là bao so với các nước khác vào thời điểm này” – ông Chung chia sẻ.

Đáng lo ngại hơn, TS Chung không phải là người duy nhất lên tiếng về nguy cơ tái bùng phát đại dịch. Theo đó, chuyên gia dịch tễ học thuộc ĐH Hong Kong Ben Cowling lưu ý là hầu hết lãnh thổ TQ không thực sự có số người nhiễm cao trong đợt dịch đầu tiên. Do đó, người dân ở các vùng này vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây lan bị nhiễm cao. “Một đợt dịch thứ hai là không thể tránh khỏi, dù sớm hay muộn” – chuyên san khoa học Nature dẫn lời ông Cowling khẳng định.

Đồng quan điểm, một chuyên gia dịch tễ học từ ĐH Hong Kong khác tên Gabriel Leung nói thêm rằng đúng là virus sẽ khó lây lan trong những cộng đồng mà tỉ lệ miễn nhiễm đã đạt tới mức 50%-70% trong đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là số người nhiễm đã có miễn dịch ở một số địa phương từng bị nặng như Vũ Hán còn chưa tới 10%.


Nhân viên y tế xét nghiệm cư dân ở TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, TQ ngày 15-5. Ảnh: REUTERS

“Rất có thể Bắc Kinh sắp tới sẽ phải ra một quyết định khó khăn là tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng. Bài toán cân bằng sức khỏe cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và tâm lý của người dân đến nay vẫn chưa có lời giải phù hợp” – ông Leung nói.

Một vấn đề khác mà TQ đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm là các ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng. Nước này hồi đầu tháng 4 từng thông báo sẽ gộp chung các ca này vào tổng số bệnh nhân cả nước. Tuy nhiên, vì bản chất là không biểu lộ triệu chứng ra ngoài và TQ cũng không có chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng, công tác thống kê các bệnh nhân này không thể nào đảm bảo độ chính xác cao. Đáng chú ý, các ca nhiễm không triệu chứng vẫn giữ được khả năng lây lan trong cộng đồng như ca bình thường. “Nếu quá trình lây lan này diễn ra âm thầm đến khi số ca nhiễm xuất hiện đủ nhiều, TQ sẽ lại vất vả chống dịch và công sức từ đó đến nay xem như tan biến” – chuyên gia Ben Cowling nhấn mạnh.

Cuộc chiến chống lại COVID-19 sẽ là một nỗ lực dài hạn. TQ phải chuẩn bị không chỉ để đối phó với đợt dịch thứ hai mà phải duy trì cảnh giác mỗi ngày, mỗi tháng cho đến khi vaccine được điều chế và thử nghiệm thành công.

GS MÃ TIẾN thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải (TQ) 

Kinh tế Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng

Theo tờ South China Morning Post, lãnh đạo Bắc Kinh nếu vẫn còn ôm mộng giữ mức tăng trưởng dương trong năm nay thì bằng mọi giá không thể để cho kịch bản tái bùng phát dịch xảy ra.

Như đã đề cập ở trên, hiện các vùng ghi nhận lại ca nhiễm mới là các vùng ven biên giới và xa trung tâm, trong đó nổi bật là TP Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Liêu Ninh. Vấn đề là ba địa phương này gộp lại sẽ thành cái gọi là “vành đai công nghiệp phía Đông Bắc TQ” với các nhà máy gia công và sản xuất công nghiệp ở đây.

Theo kinh tế trưởng, ông Ren Zeping, thuộc Viện Nghiên cứu bất động sản Evergrande (TQ), tăng trưởng kinh tế ở vùng Đông Bắc TQ nhiều năm nay đã suy yếu, nay sẽ còn tồi tệ hơn nếu tình hình dịch không được yên ổn.

Dữ liệu từ chính phủ TQ cho thấy lợi nhuận của các công ty đặt cơ sở ở đây đã giảm 63% trong ba tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ khu vực cũng giảm 29% trong khi chi tiêu bình quân đầu người giảm 11%.

South China Morning Post nhận định nhìn vào tình trạng mà ba địa phương trên gặp phải, có thể suy ra sức khỏe nền kinh tế toàn TQ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Đơn cử, chỉ số hoạt động kinh doanh quốc gia vẫn dừng ở mức 80%-90% kể từ ngày 13-4, tức dù chính phủ đã bật đèn xanh nhưng rất ít các doanh nghiệp chịu hoạt động với công suất tối đa vì nhiều lý do như thiếu nguồn cung hay thị trường quốc tế bị gián đoạn. “Một đợt dịch khác chắc chắn sẽ kéo kinh tế TQ xuống một cái hố còn sâu hơn hiện tại và không chắc là lãnh đạo nước này có thể tạo ra phép màu như lần đầu” – South China Morning Post cho hay.

Có thể mất hàng năm mới có vaccine COVID-19 ở Trung Quốc

Cho biết thêm về tiến trình điều chế vaccine ngừa COVID-19 ở TQ, TS Chung Nam Sơn chia sẻ nước này đang cho thử nghiệm lâm sàng ba loại vaccine. Dù vậy, ông Chung khẳng định sẽ mất hàng năm mới có thể tìm ra được giải pháp hoàn hảo nhất.

“Chúng tôi phải thử đi thử lại, bằng cách sử dụng các loại vaccine khác nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào về vấn đề này. Đó là lý do tôi cho rằng việc phê duyệt để đưa vào sử dụng vaccine ngừa COVID-19 sẽ rất mất thời gian nhiều” – TS Chung Nam Sơn chia sẻ. 

VĨ CƯỜNG/THEO PLO.VN

Trả lời