Trung Quốc lo ngại tái bùng phát dịch COVID-19

Trung Quốc lo ngại tái bùng phát dịch COVID-19

Là quốc gia đầu tiên kiểm soát được dịch COVID-19, Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch lần hai từ quyết định dỡ phong tỏa quá sớm của nước này.

Tân Hoa Xã cho biết Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ngày 14/4 ghi nhận thêm 89 ca nhiễm COVID-19. Trong số này, 86 ca là từ nước ngoài nhập cảnh vào TQ, ba ca còn lại là nhiễm nội địa ở tỉnh Quảng Đông. Đến nay, đại lục có tổng cộng hơn 82.000 ca nhiễm với ít nhất 1.000 ca ngoại nhập.

Hãng tin Reuters cho hay dù số ca nhiễm mới giảm so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 2, TQ vẫn lo ngại làn sóng thứ hai từ các ca từ nước ngoài và các ca không triệu chứng sẽ khiến nước này lần nữa rơi vào tình trạng tê liệt.

Tăng cường kiểm soát biên giới

Được biết, phần lớn các ca nhiễm ngoại nhập trong tháng 4 ở TQ là các du học sinh và lao động nước này từ Nga trở về lánh dịch. Hồi ngày 13/4, tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc, giáp biên giới Nga ghi nhận thêm 56 ca nhiễm mới, trong đó 49 người đến từ Nga.

Ngay sau đó, các TP của TQ giáp với Nga lập tức tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới và yêu cầu cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh. TP Tuy Phân Hà và Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang cũng triển khai biện pháp cách ly 28 ngày đối với tất cả người từ nước ngoài đến địa phương này.

Nhiều cư dân ở Tuy Phân Hà nói rằng có rất nhiều người đã phải rời khỏi đây do lo ngại khả năng bùng phát dịch, trong khi những người khác đặt lòng tin vào các biện pháp kiểm soát tăng cường của chính quyền các cấp.

“Tôi không quá lo lắng. Nếu có sự lây lan ở địa phương, có lẽ tôi sẽ rời đi nhưng tình hình không tệ đến vậy. Họ đều đến từ bên kia biên giới nhưng tất cả đều được cho đi cách ly” – Zhao Wei, một cư dân ở Tuy Phân Hà, chia sẻ với Reuters.

Nhân viên kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 13/4. Ảnh: REUTERS 

Hồi cuối tháng 3, một đại diện của Ủy ban Y tế quốc gia TQ nhấn mạnh siết chặt kiểm soát biên giới là biện pháp duy nhất giúp đại lục vượt qua giai đoạn này khi toàn thế giới đều đang có dịch. Nhà dịch tễ học hàng đầu TQ Trung Nam Sơn cũng yêu cầu chính quyền đại lục phải có biện pháp quyết liệt, dẫn một thống kê của ĐH Bắc Kinh cho biết ít nhất 90% số du học sinh TQ muốn về nước.

“Giờ đây, châu Âu đang trải qua làn sóng bùng phát dịch lần một. Số ca nhiễm sẽ tiếp tục nhảy vọt. Tôi đề xuất chính phủ có những biện pháp mạnh tay hơn để khống chế dịch. Họ cần xét nghiệm và cách ly mọi thành viên gia đình có người về từ nước ngoài và người tiếp xúc gần các đối tượng đó, đừng chờ đến khi họ có triệu chứng” – ông Trung đánh giá.

Dỡ phong tỏa sớm, dịch dễ tái bùng phát

Hồi ngày 25/3, TQ chính thức tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa đối với tỉnh Hồ Bắc. Đến ngày 8-4, đến lượt tâm dịch Vũ Hán là địa phương được mở cửa kinh tế. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là động thái có phần vội vàng của chính quyền các cấp TQ, theo tờ South China Morning Post.

“Cho đến khi chúng ta có được vaccine, mọi nước đều phải tìm cách hãm đà lây lan của dịch, duy trì hệ thống y tế ở mức độ đủ khả năng đối phó dịch chờ đến ngày đó và tiếp tục duy trì giãn cách xã hội. Khoảng thời gian này có thể lên đến 12-18 tháng. Đây sẽ là thách thức lớn cho mọi quốc gia” – chuyên gia Raina Maclntyre thuộc ĐH New South Wales (Úc) cảnh báo.

Trong khi đó, GS Jeffrey Shaman thuộc ĐH Columbia (Mỹ) nhấn mạnh ngay cả khi những biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ sau khi kiểm soát được dịch, virus sẽ bùng trở lại. Thậm chí, kể cả khi đã diệt hết virus trong nước, nó vẫn có thể tái xâm nhập từ một quốc gia khác. “Phần lớn dân số TQ vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh nên quá trình lây lan sẽ diễn ra rất nhanh” – ông Shaman nhận định.

Chuyên gia này cũng lo ngại với việc TQ đang bị chỉ trích vì có dấu hiệu không minh bạch trong số liệu tình hình dịch COVID-19 trong nước, liệu Bắc Kinh đã đánh giá đúng mức thực trạng tại các địa phương có dịch để tiến hành nới lỏng phong tỏa như trên không. Được biết Bắc Kinh, dưới sức ép của công luận, đến ngày 1-4 mới có động thái công bố con số hơn 1.000 ca nhiễm không triệu chứng đang được theo dõi, tức gần hai tháng sau khi COVID-19 khởi phát ở nước này.

Theo Vĩ Cường/Pháp Luật

Theo kienthuc.net.vn

Trả lời