– Đã có một thời, hình ảnh ô môi ngập tràn trong ký ức của tôi. Quên sao được những buổi trưa hè, chúng tôi rủ nhau ra sông tắm. Con nước sông quê ngày ấy trong xanh, soi bóng những hàng ô môi trụi lá. Đám con nít ranh chúng tôi thường cử những đứa nhỏ con nhưng lớn gan trèo lên những cành ô môi già cỗi để hái trái ném xuống. Thời tôi còn bé, quà vặt ít lắm nên thứ trái hoang dại như ô môi cũng là món ngon. Bẻ xong đâu thể ăn liền, phải lấy dao rọc 2 bên thân trái để lộ ra những mắc ô môi đen sì, ngon ngọt hương vị quê nghèo.
“Bông ô môi, rơi đầy trước ngõ/
Bao kỷ niệm về tiềm thức trong tim…”.
Có lẽ, những ai lắng nghe bài hát này đều bồi hồi tiếc nuối cho cuộc tình dang dở nơi miền quê xa xôi nào đó. Nhưng lắng đọng hơn, họ còn thiết tha thương nhớ cái sắc tím dìu dịu đã hằn in vào ký ức trong những năm tháng tuổi thơ.
Mùa nắng đến, ô môi oằn mình trong cái nóng hầm hập và kết những chùm hoa rực rỡ. Những bông hoa nhỏ xíu, phơn phớt hồng mang vẻ đẹp chân chất như cô gái quê. Người mơ mộng một chút sẽ gọi đấy là “hoa đào của miền Tây”, còn người thực tế lại yêu thích cái đẹp dịu dàng, không trộn lẫn của loài hoa này.
Có những cây ô môi bông nhiều đến mức không còn lá, hệt như đóa hoa khổng lồ “thắp lửa” trên những cánh đồng xa. Bởi gắn chặt cuộc đời với miền quê nên ô môi cũng trở thành nhân chứng cho những mối tình thôn dã.
Những cây ô môi nơi bến sông quê
Ngày tôi lớn lên, bỗng nhận ra ô môi tự khi nào đã trở thành nỗi nhớ của những kẻ xa quê. Mỗi lần nhìn thấy cái sắc hồng rực rỡ thân quen ấy lại khiến lòng tôi miên man nhớ về tuổi thơ xa xôi, để rồi thêm yêu quý mảnh đất mình đã chôn nhau cắt rốn.
Nếu làng quê miền Bắc với hình ảnh cây đa – giếng nước – mái đình đã trở thành biểu tượng, thì cây ô môi và bến sông mênh mông cũng trở thành một phần của miền Tây, nhắc nhở những người con đi xa đừng lãng quên vùng ký ức của mình.
Thời trước, cây ô môi rất dễ tìm bởi chúng mọc ở khắp nơi, từ bờ kênh, bờ đê cho đến những khu đất khô cằn. Dù ô môi không có giá trị kinh tế cao nhưng người ta cũng không nỡ chặt bỏ, mà để dành cho đám con nít ăn chơi.
Giờ đây, đất canh tác được tận dụng tối đa nên cây ô môi cứ lùi dần về những vùng quê xa xôi. Chúng âm thầm khoe sắc mỗi khi cái nắng, cái gió tháng 3 ùa về râm ran cả đất trời miền Tây.
Trên những nẻo đường quê, vẫn thấy những trái ô môi được bày bán vì nhiều người còn thích thứ đặc sản thiên nhiên gần gũi, thân tình ấy. Bởi là “lộc của trời” nên người ta không bỏ phí mà cố gắng hái xuống, khách chỉ mua đôi ba trái nhưng cũng tạo ra nguồn thu nho nhỏ cho các bà, các chị ở quê.
Những người cao niên nói rằng, năm nào nắng hạn càng gay gắt thì ô môi càng có nhiều bông. Có lẽ, cái sức sống mãnh liệt của loài cây hoang dã này đã giúp chúng chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và bộc lộ hết vẻ đẹp của mình.
Trái ô môi với hương vị gợi nhớ tuổi thơ
Ở An Giang, cây ô môi ngoài vẻ đẹp rực rỡ mùa bông rộ còn mang ý nghĩa lịch sử rất thiêng liêng. Trên mảnh đất cù lao ông Hổ có bến đò Ô Môi, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày mấy lượt qua lại và cũng từ ấy ra đi tìm đường cứu nước.
Cái góc quê thiêng liêng ấy vẫn còn hiện hữu với những chuyến phà ngược xuôi và mát rượi những tán ô môi già cỗi. Giờ đây, thế hệ tiếp nối vẫn ghi nhớ loài cây mang tính biểu tượng này.
Hiện, xã anh hùng Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang) đang trồng rất nhiều cây ô môi trên những tuyến đường chính để tưởng nhớ về truyền thống cách mạng của địa phương và tạo cảnh quan tươi đẹp cho vùng quê nông thôn mới.
Những ngày tháng ngược xuôi, tôi vẫn thấy đâu đó thấp thoáng bóng dáng cây ô môi để rồi càng thương cái sắc màu rực rỡ của những chùm hoa đong đưa trong gió mùa hè.
Theo vòng quay của tạo hóa, mùa hoa ô môi nữa lại về trong những đôi mắt ngập đầy nắng hạ như tô điểm thêm vẻ đẹp rất riêng của đất trời miền Tây. Để bất cứ ai mỗi lần đến với vùng đất này sẽ còn luyến lưu hẹn ngày trở lại để ngắm nhìn mùa bông ô môi nở!
THANH TIẾN
Theo Tin tức miền Tây