Thời hoàng kim của nhạc sĩ Vinh Sử: Bán 2 ca khúc đủ mua nhà, xe
Chỉ với 2 ca khúc “Nhẫn cỏ cho em” và “Yêu người chung vách”, nhạc sĩ Vinh Sử đã thu về số tiền khủng đủ mua nhà, mua xe và chi tiêu thoải mái.
Nhạc sĩ Vinh Sử quê ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay) nhưng do cha mẹ đi phu đồn điền nên ông sớm theo gia đình lưu lạc vào Nam. Sau này, gia đình chuyển về Sài Gòn, sống ở xóm nghèo quận 4 và mở lò làm bún. Tuy nghèo nhưng Vinh Sử được cha mẹ cho đi học và ông là người duy nhất trong số các anh em được đi học.
Vinh Sử sớm có niềm đam mê với âm nhạc, thích sáng tác ca khúc với những câu chuyện ở xóm nghèo mà ông sống. Vinh Sử từng kể, âm nhạc của ông là nhạc bình dân: “Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân”.
Những sáng tác âm nhạc của Vinh Sử lại được nhiều người yêu mến. Chỉ với 2 ca khúc Nhẫn cỏ cho em và Yêu người chung vách, ông đã thu về số tiền khủng đủ mua nhà, mua xe và chi tiêu thoải mái. Nhưng tiền dễ đến thì dễ đi, thời hoàng kim có tiền nhiều, “Vua nhạc sến” vung hết vào ăn chơi vũ trường và cho người đẹp. “Cho xứng với danh hiệu vua mà người ta đã đặt cho tôi. Ngày đó tôi tiêu xài không tiếc vì cứ sáng tác ca khúc nào ra đời là tiền lại vô túi tôi ầm ầm”.
Thành công trên con đường âm nhạc nhưng về cuộc sống riêng thì Vinh Sử lại lận đận. Thời hoàng kim, ngoài những người tình không thể kể hết thì ông còn có tới 4 người vợ. Nhưng với cách chi tiêu bạt mạng của ông, họ đã rời bỏ ông, chỉ còn lại người duy nhất.
Vinh Sử từng kể, nhiều người đến với ông vì tiền, vì hào quang một thời của ông nhưng khi ông trắng tay, họ đã rời bỏ. “Khi người ta đến với mình vì tiền thì mình nghèo khó, họ ra đi là chuyện thường thôi”- “Vua nhạc sến” từng triết lý như thế.
Thời một gian sau này, âm nhạc bi luỵ của Vinh Sử không được hát, tiền bạc không còn, Vinh Sử sống trong nghèo khó. Đã có lần, chúng tôi tới nhà ông, một căn nhà thuê nhỏ trong xóm giày ở quận 4 chật chội và tù túng. Bên cạnh đó, do tuổi già ông đã bị nhiều căn bệnh nghiêm trọng, có đồng nào cũng đổ vào mua thuốc đồng đó nên đã khiến cho cuộc sống của “Vua nhạc sến” đã nghèo càng thêm nghèo.
May mắn sau này, những ca khúc của Vinh Sử được hát lại nên ông có tiền chi tiêu. Bạn bè, đồng nghiệp cũng ủng hộ ông qua những đêm nhạc quyên góp, qua việc lựa chọn ca khúc của ông để dàn dựng các chương trình âm nhạc để ông có thêm chút thu nhập.
Năm 2012, Vinh Sử phải mổ ung thư đại tràng. Những năm sau đó, Vinh Sử phải sống chung với căn bệnh này. Bên cạnh đó, Vinh Sử còn có nhiều căn bệnh khác như tiểu đường, đau bao tử, viêm phổi… Trước ngày mất chừng 2 tháng, Vinh Sử phải nhập viện vì căn bệnh ung thư đại tràng đã ở giai đoạn cuối. Do sức yếu, các bác sỹ đã không dám phẫu thuật cho ông. Mọi người chỉ hy vọng sẽ có một phép màu tới với “Vua nhạc sến” nhưng điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, dường như Vinh Sử đã biết trước về tương lai của mình nên cách đây 2 năm, ông mua sẵn phần mộ tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Ngoài ra, Vinh Sử cũng dặn dò người nhà về việc tổ chức đám tang cho ông. Ông muốn tổ chức giản dị tại một nhà tang lễ để mọi người yêu mến ông có thể đến để từ biệt.
Sau một thời gian dài điều trị ung thư trực tràng, vào lúc 3h08 ngày 10/9, nhạc sỹ Vinh Sử – người có biệt danh “vua nhạc sến” đã qua đời tại Bệnh viện Gia Định, hưởng thọ 79 tuổi.
Tang lễ của nhạc sĩ Vinh Sử sẽ được tổ chức tại nhà riêng thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân- TPHCM). Lễ tẩm liệm được tiến hành lúc 9h30 ngày 10/9. Lễ động quan sẽ được tiến hành vào sáng 15/9, sau đó thi hài “vua nhạc sến” sẽ được an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên (Bình Dương).
Đặc biệt, “vua nhạc sến” cũng có nguyện vọng sau khi mất, gia đình và người thân sẽ dùng số tiền tác quyền âm nhạc từ những ca khúc của ông để lập một quỹ thiện nguyện mang tên ông. Vinh Sử mong muốn quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các nhạc sĩ nghèo, cho các tài năng nghệ thuật có cơ hội được làm nghề, được cống hiến cho nghệ thuật.