VOV.VN – Tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng nhóm tác chiến gồm các tàu khu trục, tàu tuần dương… nên không dễ trở thành mục tiêu tấn công.
Ba nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ bao gồm: USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang có mặt ở Thái Bình Dương, sự hiện diện mạnh mẽ khác thường này được cho là một trong những tín hiệu răn đe Washington muốn gửi tới Bắc Kinh.
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevel. Ảnh: Reuters. |
Trang web Hải quân Mỹ hôm 21/6 đưa tin hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz vừa bắt đầu các chiến dịch song song ở vùng biển Philippines. Hai nhóm tàu sẽ hỗ trợ các cuộc diễn tập phòng không, trinh sát biển, tiếp tế, huấn luyện phòng thủ khi tác chiến trên không, tấn công tầm xa, thao tác phối hợp và nhiều bài tập khác.
Trước đó, trang Twitter của Hải quân Mỹ hôm 20/6 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vừa tiến hành các chiến dịch bay của lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải chung của đồng minh, đối tác ở vùng biển Philippines.
Theo Japan Times, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 Hải quân Mỹ đưa 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến cửa ngõ Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục diễn biến xấu liên quan đến đại dịch Covid-19, vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn cầu sau đó dẫn lời các quan chức Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này của phía Mỹ, cảnh báo có thể đáp trả bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quân sự, qua đó thể hiện khả năng và quyết tâm bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Tờ báo này cũng đầy ẩn ý khi đưa ra các tài liệu tham khảo cụ thể về tên lửa chống tàu sân bay của Trung Quốc có tên DF-21D và DF-26. Đã có rất nhiều thảo luận về những vũ khí này, thông tin chủ yếu cho rằng chúng có tầm bắn 900 dặm (1.448 km) – tầm bắn một số người nhận định có thể đủ để buộc các tàu sân bay Mỹ phải tránh xa khỏi khu vực.
Tuy nhiên, trong khi có thể không có nhiều thông tin về những tiến bộ kỹ thuật và hệ thống dẫn đường của các tên lửa này, giới chức Hải quân Mỹ vẫn khẳng định rõ ràng rằng các tàu sân bay của họ sẽ tiếp tục hiện diện ở bất kỳ nơi nào cần thiết trong vùng biển quốc tế.
Các nghiên cứu của hải quân Mỹ liên tục tìm tòi các cấu hình thay thế cho thiết kế tàu sân bay trong tương lai. Có lẽ, tàu sân bay sẽ được thiết kế nhỏ hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn hoặc tiếp tục mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái có tầm bay xa hơn trên các tàu sân bay. Nhưng ngay từ bây giờ, các tàu sân bay của Mỹ vẫn có khả năng đến bất kỳ nơi nào vì một số lý do.
Mỹ có cơ sở để không ngại tên lửa Trung Quốc
Đầu tiên, tầm hoạt động của các loại tên lửa diệt tàu sây bay Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay hoạt động ở gần, trừ khi nó có hệ thống dẫn đường chính xác và khả năng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển.
Ngoài ra, vì lý do an ninh, những thông tin liên quan đến cải tiến kỹ thuật chắc chắn không được công khai, Hải quân Mỹ vẫn đang tiếp tục nhanh chóng áp dụng công nghệ mới để cải thiện hệ thống phòng thủ của tàu. Các tàu sân bay thường xuyên di chuyển cùng các nhóm tàu tấn công, đồng nghĩa với việc chúng được các khu trục hạm, tàu tuần dương, các phương tiện giám sát và tấn công khác nhau trên không bảo vệ.
Thứ hai, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục có những bước tiến nhanh chóng khi trang bị cho các tàu mặt nước vũ khí laser, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến có khả năng ngăn chặn, tấn công, phá hủy hoặc đơn giản là làm chệch quỹ đạo của tên lửa. Hơn thế nữa, hệ thống phòng thủ lớp lang của Hải quân không chỉ bao gồm các cảm biến trên tàu, trên không, trong không gian mà còn là hệ thống đánh chặn phóng từ trên boong. Các vũ khí này cũng tiếp tục nhận được bản nâng cấp phần mềm giúp chúng chính xác hơn nhiều.
Ví dụ như các tên lửa SM-6 và ESSM Block II hiện đang được thiết kế với các phiên bản nâng cấp phần mềm và cảm biến cho phép chúng tiếp cận và tiêu diệt các mục tiêu di chuyển tốt hơn. Cụ thể, SM-6 sau khi được nâng cấp kỹ thuật có thể phân biệt mục tiêu đang di chuyển tốt hơn và thậm chí có thể điều chỉnh quỹ đạo bay để tiêu diệt mục tiêu; ESSM Block II có chế độ lướt trên biển cho phép nó đánh chặn, tiêu diệt các tên lửa tiếp cận bay song song với bề mặt ở độ cao thấp hơn.
Việc thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, phiên bản dành cho tàu sân bay F-35C đã chứng minh thành công bên cạnh nhiệm vụ tấn công và trong một số trường hợp là đánh chặn hoặc phá hủy tên lửa chống hạm từ trên không. Trên thực tế, khả năng này đã được triển khai trên các tàu khu trục của Hải quân Mỹ và được gọi là hệ thống kiểm soát khai hoả phòng không. Hệ thống này sử dụng thiết bị giám sát tương tự như trên máy bay trinh sát Haweye hoặc thậm chí là F-35, phát hiện các mối đe doạ cận kề từ trên không và có kết nối với hệ thống chỉ huy, kiểm soát trên tàu để có thể kích hoạt tên lửa dẫn đường SM-6 đánh chặn tên lửa đối phương từ xa.
Tựu trung, tất cả những điều này có nghĩa là dù Trung Quốc tuyên bố rằng tên lửa tiêu diệt tàu sân bay của họ khiến các hàng không mẫu hạm trở nên lỗi thời thì dường như điều này không đồng nghĩa với việc các nhóm tàu sân bay không thể tự bảo vệ, chống lại vũ khí Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng, nếu các tàu sân bay được khu trục hạm lớp Arleigh Burke hộ tống. Có lẽ những yếu tố này là một phần lý do tại sao các quan chức Hải quân Mỹ tiếp tục tự tin khẳng định các tàu sân bay của họ có thể hoạt động ở bất kỳ nơi nào họ cần./.
Nguồn: Fox News