Tại châu Âu, hai điểm nóng nhiều người chết nhất trong ngày 27-3 vẫn là Ý với 969 người (mức cao nhất từ đầu dịch), Tây Ban Nha với 769 người.
Tây Ban Nha nóng không thua Ý
Ý và Tây Ban Nha cũng là hai nước đang có số người chết cao nhất và nhì thế giới (Ý – 9.314, Tây Ban Nha – 5.690), có số ca nhiễm cao thứ hai và thứ tư thế giới (Ý – 86.498, Tây Ban Nha – 72.248).
Cả Ý và Tây Ban Nha đều đang trong tình trạng gần như phong tỏa hoàn toàn. Biện pháp mà cả hai nước cùng đang trông chờ vào để có thể kiềm chế đà lây là yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc xã hội.
Binh sĩ Ý vận chuyển quan tài người chết vì COVID-19 đến một nghĩa trang gần TP Milan, vùng Lombardy (Bắc Ý) ngày 27-3. Ảnh: EPA
Tại Ý, dù số người chết cao kỷ lục nhưng số ca nhiễm mới trong ngày 27-3 của nước này có chung lại: 5.959 người so với 6.153 người ngày trước đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết.
Phần mình, chính phủ Tây Ban Nha cảnh báo công dân rằng tình hình sẽ còn xấu hơn.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez triệu tập họp nội các khẩn cấp bàn các biện pháp giúp nhanh đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
“Chúng ta có thể rồi sẽ bước vào giai đoạn ổn định nhưng lúc này thì cũng đã còn chưa đạt đỉnh (dịch)” – Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói tại cuộc họp báo tại Madrid.
Đức hiện có 53.340 ca nhiễm (tăng gần 6.000 ca so với ngày trước) với 399 người chết (tăng 144 người so với ngày trước).
Người dân tự may khẩu trang tại nhà ở Berlin (Đức) ngày 27-3. Ảnh: REUTERS
Ngày 28-3, Thủ tướng Angela Merkel nhận xét phần lớn người dân Đức tuân thủ nghiêm túc các quy định ngăn dịch lây lan và “tự đáy lòng” bà cám ơn sự hợp tác của người dân.
Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel nói với trang tin Tagesspiegel rằng Đức sẽ chưa dỡ bỏ phong tỏa trước ít nhất ngày 20-4. Từ giữa tháng 3 Đức đã cho đóng cửa trường học, cửa hàng, nhà hàng, các địa điểm tụ tập đông người, phần lớn công ty để ngăn dịch lây lan.
Pháp hiện có 32.964 ca nhiễm (tăng 3.809 ca so với ngày trước) với 1.995 người chết (tăng 299 người). Ngày 27-3, chính phủ Pháp đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cả nước thêm hai tuần, theo hãng tin Reuters.
Theo Thủ tướng Edouard Philippe, Pháp chỉ đang ở trong giai đoạn đầu của làn sóng dịch bệnh. Ông cảnh báo các bệnh viện có thể sẽ quá tải trong 48 giờ tới.
Tại Anh, số ca nhiễm đang ở mức 14.453 (tăng gần 2.800 ca so với ngày trước) với 759 người chết (tăng 181 người so với ngày trước). Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới có nguyên thủ nhiễm. Thái tử Charles – người thừa kế thứ nhất Hoàng gia Anh cũng đã nhiễm.
Thụy Sĩ đang có 13.259 ca nhiễm (tăng 1.098 ca nhiễm) với 241 người chết (tăng 44 người). Tại vùng Ticino có biên giới với Ý, Thụy Sĩ đã triển khai nhiều đơn vị quân y đến các bệnh viện. Thụy Sĩ cũng đã phải huy động đến kho dự trữ dược phẩm chiến lược của mình để đối phó dịch.
Nhân viên bảo vệ dân sự kiểm tra giấy tờ người dân trước khi cho họ vào một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Luzern (Thụy Sĩ) ngày 27-3. Ảnh: REUTERS
Giải cứu: EU chưa quyết thì các nước tự làm
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 26-3 các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đều thừa nhận mối nguy từ COVID-19 nhưng chưa thống nhất được một chiến lược chung để giảm thiểu tác hại của dịch lên kinh tế. Các chi tiết của kế hoạch vẫn tiếp tục được tranh luận, dù mỗi ngày châu lục này vẫn có hàng ngàn người nhiễm và chết.
Vì không thể thống nhất phản ứng chung, các nước đã phải tự làm một mình.
Chính phủ Ý đã hứa sẽ tung gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá ít nhất 25 tỉ euro vào tháng 4. Trong tháng 3 Ý đã thông qua một gói giải cứu tương tự.
Tại Ý, hãng hàng không Alitalia thông báo sẽ sa thải gần 7.000 nhân viên, nhà máy cán thép Arcelor Mittal – công suất lớn nhất châu Âu cho biết sẽ ngưng làm việc, ảnh hưởng đến toàn bộ hơn công nhân 8.000 công nhân. GDP Ý có thể sẽ sụt giảm 6,5% trong năm 2020, theo tổ chức nghiên cứu Prometeia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU thống nhất giải pháp cứu kinh tế châu lục, cho rằng giờ không phải là lúc nên “ích kỷ”. Ảnh: REUTERS
Chính phủ Tây Ban Nha tuần trước đã thông báo một gói kích thích kinh tế trị giá 100 tỉ euro (110 tỉ USD). Một phần lớn tiền sẽ được dùng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ – chiếm một lượng lớn hoạt động kinh tế nước này và đang bị khủng hoảng vì giảm cầu.
Theo ước tính của Công ty Dịch vụ tài chính Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (Tây Ban Nha), GDP nước này có thể sẽ sụt giảm 4,5% trong năm 2020 vì COVID-19.
Tại Đức, ngày 27-3 Hạ viện nước này đã bật đèn xanh để chính phủ ban hành gói giải cứu trị giá hơn 750 tỉ euro (826 tỉ USD). Phần lớn khoản giải cứu này sẽ được dùng hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn, như hỗ trợ vay, mua cổ phần, thậm chí quốc hữu hóa.
Từ giữa tuần Thụy Sĩ đã bơm vào nền kinh tế 20 tỉ francs Thụy Sĩ (21 tỉ USD).