Thời sự quốc tế, Thông tin
Đức kêu gọi EU phản đối luật an ninh Hong Kong
Đức kêu gọi EU phản đối luật an ninh Hong Kong
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi 27 thành viên EU “cùng một tiếng nói” phản đối Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong.
Phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu hôm 29/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng “điều không thể thiếu với châu Âu là chung một tiếng nói duy nhất với Trung Quốc”.
“Đây là điều quan trọng hơn hết, do nhu cầu bức thiết điều tra về đại dịch và hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại Hong Kong và các khu vực lân cận”, ông Maas nói, thêm rằng vì lý do trên, các bên cần lên kế hoạch nối lại thượng đỉnh EU – Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Tuyên bố được đưa ra sau khi các lãnh đạo chính sách đối ngoại và cạnh tranh của EU cùng ngày yêu cầu có biện pháp quyết liệt đối với các hoạt động thương mại của Bắc Kinh. Một trong số họ cho rằng ưu thế công nghệ của Trung Quốc là “vấn đề sống còn” đối với châu Âu.
Vấn đề Hong Kong được quan tâm trong bối cảnh EU đang thúc giục Trung Quốc hoàn tất thỏa thuận đầu tư với khối này. Theo đó, Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho các công ty châu Âu, nhưng đàm phán tiến triển chậm vì Trung Quốc không muốn nhượng bộ.
Phát biểu của ông Maas cũng được đưa ra ngay trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong vào sáng nay. Luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7, ngày kỷ niệm 23 năm Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Luật an ninh Hong Kong có thể áp dụng hình phạt tối đa là tù chung thân, trái với thông tin chỉ quy định mức án tối đa 10 năm tù như trước đó, với các tội danh như ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài xâm phạm an ninh quốc gia.
Luật an ninh Hong Kong làm dấy lên lo ngại về số phận chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, cam kết cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển.
Mỹ hôm 29/6 bắt đầu loại bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong, gồm dừng xuất khẩu vũ khí và đình chỉ quy định ưu đãi thương mại cho đặc khu này. Mỹ cho rằng luật an ninh mới khiến Hong Kong không còn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục và không đủ điều kiện để được đối xử theo luật Mỹ áp dụng cho đặc khu trước tháng 7/1997, thời điểm thành phố được Anh bàn giao cho Trung Quốc.
- Nhật ‘lấy làm tiếc’ với luật an ninh Hong Kong
- Mỹ bắt đầu bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong
- Người phạm luật an ninh Hong Kong có thể lĩnh án chung thân
- Trung Quốc không nhượng bộ về luật an ninh Hong Kong
Mai Lâm (Theo SCMP)
Theo Vnexpress.net