Chính phủ Mỹ ngày 22-6 (giờ Washington) tuyên bố, sẽ đình chỉ một số thị thực cho phép người nước ngoài tạm thời đến Mỹ để làm việc (H-1B), với lý do những hạn chế này sẽ làm giảm tác động kinh tế của Covid-19 và cải thiện triển vọng của người Mỹ tìm kiếm việc làm trong đại dịch.
Tạm dừng nhiều chương trình
Truyền hình CBS dẫn tuyên bố do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký cho biết, Mỹ sẽ có thêm nhiều hạn chế sâu rộng khác trong hệ thống nhập cư. Lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24-6 và kéo dài đến cuối năm 2020, theo đó đình chỉ thị thực H-1B đối với những người trong lĩnh vực chuyên ngành công nghệ và hầu hết thị thực H-2B cho lao động thời vụ phi nông nghiệp.
Các chương trình khác sẽ bị hạn chế là: thị thực trao đổi văn hóa J-1 và những người lao động ngắn hạn khác; thị thực cho vợ/chồng của người giữ H-1B và H-2B; và thị thực L dành cho một công ty sử dụng để thuyên chuyển nhân sự cấp điều hành và quản lý từ chi nhánh hoặc trụ sở ở nước ngoài đến văn phòng công ty tại Mỹ.
Các giáo sư và học giả sẽ được loại trừ khỏi các hạn chế thị thực J-1 và những người có visa H-2B tiềm năng muốn làm việc trong ngành chế biến thực phẩm sẽ không bị ảnh hưởng bởi tuyên bố của tổng thống. Tuyên bố này không ảnh hưởng đến những người đã ở Mỹ hoặc những người ở nước ngoài đã được cấp thị thực.
Bên cạnh hạn chế cấp một số loại thị thực, Tổng thống Mỹ cũng công bố hạn chế cấp thẻ xanh cho người nước ngoài muốn chuyển đến Mỹ vĩnh viễn thông qua kiến nghị từ các thành viên gia đình hoặc chủ lao động tương lai. Nhà Trắng ước tính cả hai biện pháp này sẽ mang lại 525.000 việc làm cho người dân Mỹ vào cuối năm 2020.
Trong cuộc điện thoại với các phóng viên, một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ cho biết, lệnh mới này là một phần trong chiến lược đa diện nhằm ngăn chặn người nhập cư và người lao động nước ngoài cạnh tranh với người Mỹ trên thị trường lao động. Hơn 20 triệu người ở Mỹ đã nhận được trợ cấp thất nghiệp theo báo cáo ngày 13-6 của Bộ Lao động Mỹ.
Một phân tích của Viện Chính sách di cư Mỹ ước tính, khoảng 325.000 công nhân tạm thời và người nhập cư tiềm năng có thể bị từ chối nhập cảnh cho đến tháng 12 theo 2 hạn chế trên. Tuy nhiên, tác động ngay lập tức của biện pháp này có thể không lớn, do trước đó Bộ Ngoại giao đã ngừng các dịch vụ visa thường lệ từ tháng 3 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tìm cách chấm dứt chương trình DACA
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf ngày 21-6 khẳng định, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu chấm dứt chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals), là chương trình bảo vệ người nhập cư trái phép vào Mỹ khi còn là trẻ em trong vòng 6 tháng tới.
Phát biểu trong chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NCB, quyền Bộ trưởng Chad Wolf cho hay, Nhà Trắng hiện coi chương trình DACA là trái pháp luật và Tòa án Hiến pháp Mỹ không có ý kiến phản đối, dù chính tòa án này hồi tuần trước đã ra phán quyết phản đối kế hoạch của Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, Tòa án tối cao đã bác bỏ quyết định của Tổng thống Donald Trump với lý do là chính phủ không thể chặn chương trình DACA vì không đưa ra được biện minh đầy đủ. DACA, được giới thiệu vào năm 2012, bảo vệ gần 700.000 người nhập cư trẻ tuổi – thường được gọi là “Những kẻ mộng mơ” (Dreamers) không có tư cách công dân hoặc cư trú khỏi việc bị trục xuất. Trong khi phán quyết nói trên là một ân huệ tạm thời, những người ủng hộ DACA cho biết cuộc chiến chưa kết thúc. Ông Donald Trump đã nói rõ ông sẽ cố gắng kết thúc DACA một lần nữa.
Ông Wolf cho biết, ông Donald Trump đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở lý luận để trình ra những điều bất hợp lý của DACA nhằm thuyết phục Tòa án tối cao thu hồi lại phán quyết. Đồng thời, Bộ An ninh Nội địa cho biết cần tìm một giải pháp cho số người bị ảnh hưởng nếu dừng DACA.
Theo Bộ trưởng Wolf, Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu Quốc hội tìm cách giải quyết vấn đề. Trong quá khứ, các nhà lập pháp đã không thể đạt được sự đồng thuận về một gói nhập cư rộng lớn hơn.
Theo sggp.org.vn