Tranh của các họa sĩ Đông Nam Á bội thu

Tranh của các họa sĩ Đông Nam Á bội thu

Theo giới chuyên gia về tranh, ngay từ trước đại dịch Covid-19, có vẻ như tâm điểm của thế giới nghệ thuật quốc tế đang chuyển hướng sang nghệ thuật Đông Nam Á.

Bức tranh Two gibbons của cố họa sĩ Singapore Chen Wen Hsi được đưa vào tiền giấy 50 SGD

Trong những năm gần đây, các tác phẩm hội họa từ Singapore đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn trong giới nghệ thuật. Ho Sou Ping, Giám đốc Phòng trưng bày Artcommune, chuyên về nghệ thuật thị giác hiện đại của Singapore, cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, giá một số tác phẩm nghệ thuật Singapore đã tăng tới 300%. Trong 10 năm qua, tác phẩm của các họa sĩ tiên phong như Cheong Soo Pieng, Chen Wen Hsi và gần đây là Georgette Chen đã gây tiếng vang ở cả trong nước và quốc tế.

Một trong những bức tranh dễ nhận biết nhất từ Singapore là Two gibbons amidst vines của họa sĩ Chen Wen Hsi, xuất hiện trên mặt sau của tờ tiền 50 đô la Singapore (SGD).

Họa sĩ này đã có loạt tác phẩm nghệ thuật đáng kể về loài vượn. Gần đây, bức tranh Gibbons (Loài vượn) của ông đã được bán với giá 35.000 SGD tại nhà đấu giá Hotlotz có trụ sở tại Singapore, gần gấp 3 lần giá dự đoán. Chủ đề về loài vượn khiến những người yêu nghệ thuật chú ý và sẵn sàng trả mức giá cao hơn nhiều so với giá trị ước tính.

Ví dụ, bức tranh A pair of gibbons (Đôi vượn), một phần trong bộ sưu tập của họa sĩ Liu Kang (Singapore), được bán với giá 630.000 đô la Hồng Công (HKD) tại một cuộc đấu giá ở nhà đấu giá Phillips, Hồng Công vào tháng 12-2020, cao hơn nhiều so với mức ước tính (dự đoán cao nhất là 150.000 HKD). Vào năm 2019, một bức tranh về vượn khác của ông đã được nhà đấu giá Christie’s Hồng Công bán với giá 375.000 HKD.

Trước đây vài năm, năm 2013, triển lãm “No country: Contemporary art for South and Southeast Asia” (tạm dịch: Mỹ thuật đương đại Nam và Đông Nam Á) lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Guggenheim ở New York.

Đến năm 2017, Hiệp hội châu Á ở New York tổ chức triển lãm “After darkness: Southeast Asian art in the wake of history” (tạm dịch: Sau màn đêm: Nghệ thuật Đông Nam Á đánh thức lịch sử). Cùng năm đó tại Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Mori và Trung tâm Nghệ thuật quốc gia Nhật Bản đã tổ chức triển lãm “Sunshower: Nghệ thuật đương đại từ Đông Nam Á những năm 1980 đến nay”.

Chùm triển lãm quan trọng này tại các trung tâm nghệ thuật và bảo tàng hàng đầu thế giới đã giúp giới mỹ thuật quốc tế biết đến nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Đặc biệt, trên trường đấu giá, các tác phẩm hội họa của Việt Nam và Indonesia đã và đang phá kỷ lục. Tháng 4-2021, tại “Sotheby’s Hồng Công Spring 2021 art contemporary art sales”, bức Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được bán với giá 24,4 triệu HKD (3,1 triệu USD), đạt kỷ lục đấu giá quốc tế với các tác phẩm hội họa của Việt Nam.

Ngoài ra, Sotheby’s Hồng Công cũng ghi dấu cho kỷ lục tranh của Đông Nam Á khi bán bức Village life của họa sĩ người Indonesia Sudjana Kerton với giá 8,040 triệu HKD, gấp hơn 4 lần giá ước tính vào năm 2020.

Theo CNA, ông Kim Chuan Mok, Trưởng bộ phận nghệ thuật Đông Nam Á của nhà đấu giá Sotheby’s, nhận xét: “Điều này cho thấy nhu cầu sưu tập tranh ngày càng tăng từ các nhà sưu tập trên khắp châu Á, trong đó có Đông Nam Á. Chúng tôi đặc biệt vui mừng với tính đặc sắc trong tác phẩm của các nghệ sĩ Indonesia và Việt Nam… cũng như hiệu suất mạnh mẽ từ tác phẩm của các nghệ sĩ Philippines, thể hiện sự đa dạng của các tài năng trong khu vực”.

KHÁNH MINH

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tranh-cua-cac-hoa-si-dong-nam-a-boi-thu-757524.html