Phát huy giá trị văn hóa truyền thống Tết máng nước

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống Tết máng nước

TN&MT – Tết máng nước là một trong những lễ hội lớn và quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Ca Dong vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Cộng đồng người Ca Dong rất coi trọng nguồn nước của làng và họ xem đây là mạch nguồn sự sống. Chính vì thế, cứ mỗi dịp cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hằng năm, đồng bào dân tộc Ca Dong khắp các vùng núi Tây Nam của tỉnh Quảng Nam lại âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, tưng bừng vui hội Tết máng nước.

Gắn kết cộng đồng, hướng đến những việc tốt đẹp

Đối với người Ca Dong, cây nêu là biểu tượng cho những bông lúa, hạt ngô được mùa nặng trĩu, cho sự ấm no của dân làng và đồng thời để cúng thần linh, núi rừng đã yêu thương, che chở giúp đỡ cho dân làng có mùa vụ tốt tươi và bội thu, lúa thóc đầy kho, có nhiều sức khỏe, bình an trong cuộc sống. Cây nêu có màu sắc sặc sỡ, biểu hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống của đồng bào nơi đây. Cây nếu được xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời, là một biểu tượng kết nối vô hình giữa con người với thế lực siêu nhiên và là sự kết nối thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc thông qua những lễ hội truyền thống.

Cứ đều đặn vào khoảng cuối tháng 11 hằng năm, trên đỉnh Ngọc Linh không khí se lạnh, quyện với sương mờ bao quanh những nóc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong, tạo nên một bức tranh đẹp giữa đại ngàn. Ngay từ sáng sớm, khi những giọt sương đêm còn đọng trên đầu ngọn cỏ, tại thôn 1, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, nơi cộng đồng dân cư Măng Gry đang sinh sống, già trẻ, gái trai đều đang xúng xính trong những bộ thổ cẩm nhiều mầu sắc, háo hức chào đón sự kiện lớn nhất trong năm của làng mình: Tết máng nước.

Tùy vào từng địa phương mà Tết máng nước được tổ chức vào trước hoặc sau Tết Dương lịch. Đây cũng là lúc nguồn nước trong rừng trở nên trong lành, mát mẻ và đánh dấu thời điểm kết thúc năm cũ, bước qua năm mới. Dưới tia nắng le lói trong thời tiết se lạnh, cả làng đang bận bịu chuẩn bị sửa soạn mâm lễ để kính dâng lên thần linh. Sau một hồi trống kéo dài, mọi người tập trung tại nhà già làng, với những vật dụng đã chuẩn bị trước như cây nêu, lễ vật, bầu rượu, cồng chiêng, lợn, gà. Họ rót rượu mời nhau, cùng uống cạn trước khi theo già làng Hồ Văn Dề ngược núi về với nguồn nước để cúng thần rừng.

Để chuẩn bị cho Tết cúng máng nước, già làng sẽ triệu tập những thanh niên trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm cây nêu, phát dọn lối đi sạch sẽ vào khu vực dòng suối lấy nước, tất cả đàn ông trong làng sẽ mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Vợ chồng già làng sẽ đại diện cho bà con trong làng đến tại cây nêu để xin thần linh cho phép dân làng được tổ chức cúng mừng Tết máng nước. Lễ vật cúng gồm rượu, trầu cau thuốc re, con gà.

Già làng sẽ chuẩn bị một bài cúng: “Hỡi các vị thần linh, thần sông, thần suối, thần núi, thần khe, các vị thần linh bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của dân làng chúng con, hôm nay bà con trong làng thành tâm dâng lễ vật để biết ơn đến các vị thần đã che chở và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của dân làng, lễ vật dâng tế của làng hôm nay gồm có trầu cau, lúa gạo, rượu và một con gà trống. Là một già làng trong làng, nay tôi thay mặt cho làng xin được cắt cổ gà lấy tiết đổ vào nguồn nước để tẩy rửa những thứ nhớp nhúa, ô uế trong năm qua, mong các vị thần chứng giám, chở che, xua đuổi những con ma xấu, ma nhớp, ma bệnh tật, đừng cho nó vào làng để dân làng được yên vui, mạnh khỏe người già, trẻ nhỏ không bị bệnh tật, cầu cho mưa thuận, gió hòa để dân làng có được mùa màng no ấm, hạnh phúc”.

Sau khi già làng thực hiện xong nghi lễ tế thần, tiếp tục đến đầu nguồn máng nước, lấy tiết gà vừa cắt xong đồ vào máng nước, để hòa cùng dòng nước. Lúc này, vợ già làng sẽ cùng 12 cô gái thiếu nữ đại diện cho dân làng hứng nước đó về để phụ nữ nấu ăn mừng ngày hội. Già làng sẽ lấy nước chấm lên đầu của các cô gái như là sự cho phép của thần linh, để chúng đem nguồn nước trong mát về căn nhà.

Thanh niên trong làng tiếp tục ngồi nghe già làng cúng, sau đó già làng sẽ rót rượu mời các thanh niên trong làng uống phép mỗi người một ly, như cảm ơn thần linh đã che chở, giúp đỡ dân làng trong một năm qua và cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, con cái chăm ngoan, người dân hăng say lao động phát triển kinh tế, gia đình ấm no hạnh phúc. Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già và cách biệt những khu rừng ma (theo quan niệm của dân gian). Khi cúng xong, người dân trong làng phải hứa với thần linh luôn sống thẳng thắn, trung thực, không được làm chuyện xấu. Nếu vi phạm lệ làng sẽ bị phạt nộp heo, gà,… Nhờ đó mà Tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân làng sống đoàn kết, hòa thuận, luôn hướng đến những việc tốt đẹp.

Bảo tồn văn hóa truyền thống 

Để buổi lễ diễn ra tươm tất, thần linh thấy được sự thành tâm của dân làng, từng già làng, phó già làng, người có uy tín đều được phân công, đảm trách từng nhiệm vụ cụ thể. Mỗi cá nhân trong làng đều phải tham gia vào công việc chung. Các điệu múa cồng chiêng và lễ vật đều được tập luyện kỹ càng và chuẩn bị trước đó cả tuần. Từng người trong cộng đồng dân cư được già làng phân công công việc cụ thể. Tham dự vào phần nào của lễ cúng là sự tự hào của mỗi cá nhân, mỗi dòng tộc, cho nên ai nấy cũng đều tham gia phần việc của mình bằng tất cả lòng thành.

Sau khi già làng hành lễ xong, từng phần thịt lợn sẽ được chia đều cho từng gia đình tại sân làng, một phần sẽ để tại máng nước để tất cả bà con tập trung cùng ăn, cùng vui, cùng mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Thường thì phần hội của Tết máng nước diễn ra trong khoảng 15 ngày. Các hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để thiết đãi khách. Nhà này đến thăm nhà kia, làng này đến thăm làng khác để cùng uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc cho nhau. Nhiều làng còn tưng bừng tổ chức đánh cồng chiêng, hát dân ca suốt thời gian diễn ra phần hội để tăng thêm không khí rộn ràng của Tết máng nước. Những hộ gia đình khá giả còn dự trữ thịt rừng sấy giàn bếp hoặc mổ gà, thịt lợn để ăn mừng Tết máng nước.

Cúng máng nước là nghi lễ hết sức quan trọng đối với đồng bào ở đây. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho bà con cũng như cộng đồng các dân tộc khác để làm sao bà con có thể lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của mình và tiếp tục truyền từ đời này sang đời khác.

Tết máng nước là lễ hội quan trọng bậc nhất của đồng bào dân tộc Ca Dong. Khi nguồn nước đưa về giữa làng, các hộ dân sẽ lấy về để sinh hoạt, ăn uống. Đây là nguồn nước chung của cả làng và sẽ được duy trì dòng chảy quanh năm. Điều này thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên của người vùng núi, giúp cho tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn. Lễ hội năm nay là dịp để cộng đồng dân cư Măng Gry, thôn 1, xã Trà Vinh duy trì và phát huy những nét đẹp của lễ hội. Đồng thời, giúp các ngành chức năng huyện Nam Trà My quan sát, tiếp thu và đưa ra những giải pháp nhằm phục dựng, bảo tồn và phát triển lễ hội này trong cộng đồng dân tộc Ca Dong. Trong thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần tính toán để gắn lễ hội với phát triển du lịch. Đồng bào dân tộc thiểu số có thêm động lực giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông mà còn có thêm thu nhập từ du lịch, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Lễ hội Tết máng nước là một trong những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số phải được giữ gìn và phát huy, một giá trị văn hóa cần lan tỏa đến người dân trong nước được biết. Đời sống bà con ở đây trẻ có, già có và nhất là những người già làng – họ sẽ truyền lại để thế hệ sau duy trì và phát huy nét văn hóa của dân tộc mình. Trong một năm, ngoài cúng máng nước còn có cúng lúa mới, heo ba đầu và các lễ cưới hỏi của người đồng bào ở đây,… Đây là điều kiện thuận lợi, là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

PHƯƠNG ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025

Nguồn: https://tainguyenvamoitruong.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tet-mang-nuoc-cid127937.html