Họa sĩ kiếm một triệu USD nhờ bán NFT

Họa sĩ kiếm một triệu USD nhờ bán NFT

Ấn Độ – Amrit Pal Singh bán 57 bức tranh hoạt hình, thu về hơn một triệu USD chỉ trong 9 tháng và giờ anh chuyển sang đầu tư cho metaverse.

Singh làm công việc thiết kế và vẽ tranh minh họa từ năm 2012, nhưng mới chỉ tạo ra tác phẩm NFT đầu tiên hồi tháng 2. Anh tìm hiểu về xu hướng này sau khi một người bạn nhận xét rằng các tác phẩm trong dự án Toy Faces (Những khuôn mặt đồ chơi) của anh “sẽ rất hợp mô hình NFT”.

“Tôi nhanh chóng nhận được vài đề xuất đấu giá khi công bố sản phẩm”, họa sĩ sống tại thủ đô New Delhi cho hay. Anh tiếp tục bán nhiều tác phẩm NFT từ bộ sưu tập Toy Faces trên các chợ trực tuyến như Foundation và SuperRare, đồng thời thực hiện nhiều sản phẩm mới theo yêu cầu riêng.

Phòng tranh ảo của Amrit Pal Singh trong metaverse. Ảnh: Amrit Pal Singh

Toy Faces là các bức chân dung 3D dạng hoạt hình, mô tả nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Steve Jobs. Tất cả được Singh vẽ thủ công, không dùng các công cụ tự động. “Phần lớn các nhân vật là những người đã mang đến cảm hứng cho tôi”, anh nói.

Các tác phẩm có mức giá khác nhau nhưng không thấp hơn một Ether, tương đương khoảng 4.700 USD.

Ngoài Toy Faces, Singh thiết kế và bán một dự án khác mang tên Toy Rooms với hình minh họa 3D của nhiều căn phòng khác nhau, từ hang động trong phim hoạt hình Aladdin tới nhà riêng của người Hobbit trong The Lord of the Rings.

“Với tôi, những căn phòng đó là cánh cửa tới thế giới đầy cơ hội và kỳ quan trong đại dịch. Tôi gần như bị cách ly trong phòng mình và dành tình yêu cho công việc minh họa 3D thông qua bộ sưu tập này”, Singh cho hay.

Mức giá thấp nhất cho một tranh NFT trong Toy Rooms là 1,22 Ether. Ngoài giá bán ban đầu, mỗi tác phẩm được bán lại cho người khác sẽ mang về cho Singh thêm 10% phí sở hữu bản quyền.

Singh chủ yếu đầu tư tiền bán tranh bằng cách mua NFT của các nghệ sĩ khác. Anh đã chi hơn 30 Ether, tương đương 141.000 USD, để sở hữu NFT và trưng bày chúng trong vũ trụ ảo metaverse.

“Tôi mua phòng tranh, đất và quán cà phê ảo. Chúng là bảo tàng dành riêng cho Toy Faces và những tác phẩm tôi mua từ các nghệ sĩ mình khâm phục”, họa sĩ Ấn Độ cho hay, thêm rằng anh sẽ tập trung toàn bộ thời gian vào NFT trong thời gian tới.

NFT (Non-fungible token) – chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm trên – sử dụng công nghệ blockchain, tương tự tiền điện tử Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở các vật phẩm như bức tranh, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.

Điệp Anh (theo CNB)

Nguồn: https://vnexpress.net/hoa-si-kiem-mot-trieu-usd-nho-ban-nft-4385313.html