Giải trí, Thể thao & game, Thông tin
Vận động viên dùng tiền thưởng Olympic làm gì?
Vận động viên dùng tiền thưởng Olympic làm gì?
Sau khi giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo, đô vật người Mỹ Tamyra Mensah-Stock dự định mua cho mẹ xe bán đồ ăn trị giá 30.000 USD bằng tiền thưởng.
“Mẹ tôi sẽ có một xe bán đồ ăn! Bà ấy nấu thực sự rất ngon”, Mensah-Stock bày tỏ niềm vui sau chiến thắng tại trận chung kết môn vật nữ hạng cân 68 kg hôm 3/8. Nữ đô vật 28 tuổi từ lâu đã hứa với mẹ rằng sẽ giúp bà mở cửa hàng bán đồ ăn riêng.
Trong khi đó, võ sĩ judo Nga Tamerlan Bashaev muốn dùng tiền thưởng nhờ tấm huy chương đồng để kết hôn và đi nghỉ trăng mật. Còn Andrea Proske, vận động viên giúp Canada giành huy chương vàng nội dung chèo thuyền 8 người nữ lần đầu tiên kể từ năm 1992, nóng lòng đưa mẹ đi nghỉ mát ở London. Cô sẽ nhận được 20.000 đô la Canada (khoảng 16.000 USD) tiền thưởng.
Giành huy chương Olympic thường là thành tựu đỉnh cao trong sự nghiệp của mỗi vận động viên. Tuy nhiên, hầu hết vận động viên Olympic không phải triệu phú như tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka hay cầu thủ bóng rổ Mỹ Kevin Durant, những ngôi sao thể thao hàng đầu thế giới. Vì vậy, cuộc tranh tài tại Olympic còn là cơ hội để họ giải quyết vấn đề tài chính.
Tại Mỹ, khoản tiền thưởng dành cho huy chương vàng, bạc và đồng lần lượt là 37.500 USD, 22.500 USD và 15.000 USD. Một số quốc gia trao phần thưởng dưới dạng tiền trợ cấp định kỳ, nhà ở, những chuyến bay miễn phí, cung cấp bia trọn đời, hay thậm chí là miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Khoản tiền thưởng lớn nhất đến nay được cho là một triệu đô la Singapore (khoảng 740.000 USD) dành cho những người đoạt huy chương vàng Olympic ở các nội dung cá nhân. Mức tiền này được Hội đồng Olympic Quốc gia Singapore đưa ra từ những năm 1990 để khuyến khích vận động viên đoạt huy chương trong các sự kiện quốc tế lớn.
“Tiền thưởng giúp các vận động viên có thể theo đuổi giấc mơ thể thao của họ, bớt lo lắng về vấn đề vật chất”, Chuan-Jin Tan, chủ tịch hội đồng cho biết, nói thêm rằng khoản tiền này do các doanh nghiệp tài trợ kết hợp với doanh thu từ thể thao của đất nước.
Tại Olympic Rio de Janeiro năm 2016, với chiến thắng ở nội dung 100 m bơi bướm nam, kình ngư Joseph Schooling, khi đó 21 tuổi, trở thành người đầu tiên giành huy chương vàng Olympic trong lịch sử Singapore. Nỗ lực của anh đã được đền đáp.
Sau khi nộp thuế và đóng góp một khoản bắt buộc trị giá 20% số tiền thưởng, Schooling cho biết anh còn khoảng 650.000 đô la Singapore (gần 480.000 USD) và quyết định gửi chúng vào tài khoản ngân hàng chung với cha mẹ, bởi họ đã đầu tư quá nhiều để anh theo đuổi giấc mơ Olympic.
Năm 13 tuổi, Schooling rời Singapore để học tại một trường tư nhân ở bang Florida, Mỹ. Cha mẹ anh mua một ngôi nhà gần đó và thay phiên nhau đi lại giữa hai quốc gia để vừa chăm sóc con, vừa cố gắng duy trì công việc kinh doanh. Schooling sau đó theo học tại Đại học Texas. “Sự hy sinh, những điều vô hình mà họ đã bỏ ra đáng giá gấp nhiều lần khoản tiền thưởng”, Schooling nói.
Nhiều vận động viên khác tại Olympic Tokyo cũng bày tỏ mong muốn sử dụng tiền thưởng cho gia đình. Võ sĩ judo Pháp Teddy Riner, người giành một huy chương vàng đồng đội và một huy chương vàng cá nhân, cho biết anh sẽ gửi tiền thưởng vào tài khoản ngân hàng của các con mình và đưa gia đình đi nghỉ mát.
Trong khi đó, đô cử người Kazakhstan Igor Son hy vọng 75.000 USD anh có được thưởng nhờ tấm huy chương đồng sẽ giúp trang trải chi phí điều trị tốn kém của người anh trai bị bại não.
Hồi năm 2016, sau khi giành được huy chương đồng cho đoàn thể thao Bờ Biển Ngà, võ sĩ taekwondo Ruth Gbagbi cho biết cô sẽ dùng 54.000 USD tiền thưởng để xây nhà riêng và sửa sang lại nhà của cha mẹ. Gbagbi năm nay tiếp tục đoạt huy chương đồng ở hạng cân dưới 67 kg, nhưng chưa biết sẽ được thưởng bao nhiêu và cô sẽ dùng tiền để làm gì.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu số tiền thưởng đã xứng đáng hay chưa, nữ võ sĩ 27 tuổi cho biết cô hơi thất vọng khi so sánh với những quốc gia khác, nói thêm rằng đoàn thể thao Bờ Biển Ngà chỉ có hai vận động viên khác giành huy chương. “Bờ Biển Ngà có thể làm nhiều hơn”, Gbagbi nêu quan điểm.
Trong khi đó, cầu thủ bóng chày Mỹ Eddy Alvarez cho rằng tiền “chỉ là một phần thưởng nhỏ”. “Hơn bất cứ thứ gì, chúng tôi thi đấu vì niềm tự hào và vinh quang”, Alvarez, người giành huy chương bạc tại Olympic 2014 và 15.000 USD tiền thưởng, cho hay.
Alvarez đã gửi số tiền này vào ngân hàng để tiết kiệm, nhưng sau đó dùng trả tiền nhà và các nhu cầu khác khi bắt đầu sự nghiệp ở những giải đấu nhỏ, nơi các cầu thủ bóng chày thường được trả lương từ 1.000 – 15.000 USD mỗi mùa giải. “Mọi thứ bây giờ sẽ hơi khác vì tôi đã có con trai”, Alvarez cho biết trước trận chung kết bóng chày với Nhật Bản tại Olympic Tokyo.
Đối với tay chèo Na Uy Kjetil Borch, người vừa giành huy chương bạc nội dung đua thuyền đơn nam, phần thưởng mà anh mong đợi là thư chúc mừng từ Vua và Thủ tướng Na Uy. Vận động viên 31 tuổi này đã đóng khung bức thư gần đây nhất anh nhận được từ Vua Harald V, sau tấm huy chương đồng Olympic 2016.
Na Uy không trao tiền thưởng cho các vận động viên giành huy chương tại Olympic, thay vào đó là những khoản tài trợ, với mức cao nhất là 12.000 euro (14.000 USD) mỗi năm cho các thiết bị hoặc hoạt động tập luyện. “Tôi thật may mắn khi có các nhà tài trợ riêng”, Borch nói.
Khi được biết Singapore thưởng những người đoạt huy chương vàng Olympic 740.000 USD, Borch nói đùa: “Mất bao lâu để nộp đơn xin nhập tịch Singapore?”.
- Những vận động viên Olympic Tokyo chói sáng trên mạng xã hội
- Huy chương Olympic có giá bao nhiêu?
- Bán huy chương Olympic vì túng quẫn
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Nguồn: https://vnexpress.net/van-dong-vien-dung-tien-thuong-olympic-lam-gi-4337031.html |