Giải trí, Thông tin, Tổ chức sự kiện
Sự thật đằng sau những bức ảnh meme nổi tiếng bị cả thế giới đem ra làm trò cười
Sự thật đằng sau những bức ảnh meme nổi tiếng bị cả thế giới đem ra làm trò cười
Mặc dù được sử dụng với mục đích chọc cười nhưng câu chuyện ẩn sau những bức ảnh này lại không hề vui vẻ.
Meme – những hình ảnh phổ biến được lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội với hàng triệu lượt thích và chia sẻ. Không ít những hình ảnh này mang tính hài hước và được sử dụng với mục đích chọc cười, châm biếm. Thế nhưng, hoàn cảnh ra đời của nhiều meme nổi tiếng lại không mấy vui vẻ, thậm chí đó còn là một câu chuyện đau lòng.
Bức ảnh “phụ huynh châu Á”
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh 2 người đàn ông và 3 người phụ nữ người châu Á đang bật khóc. Nhiều người chia sẻ bức ảnh với dòng chú thích “Phụ huynh châu Á khi biết thành tích học tập của các con”, minh họa cho lối sống đặt nhiều kỳ vọng lên con cái của các bậc cha mẹ Á Đông.
Bức ảnh gây cười vì phản ánh đúng thực tế và cư dân mạng vẫn vô tư chia sẻ meme này mà không biết rằng nó được chụp trong một hoàn cảnh rất thương tâm.
Trên thực tế, nhân vật nam bìa trái và nữ đeo kính râm là đôi vợ chồng người Trung Quốc đang có mặt tại nhà tang lễ để nhận thi thể con trai. Mất đi người con quý giá khiến họ khóc nấc trong đau đớn.
Ji Xinran (24 tuổi) – con trai của ông bà đã qua đời sau khi bị một nhóm gồm 3 thanh niên và 1 cô gái 16 tuổi tấn công để cướp tiền. Anh bị nhóm đối tượng nhắm trúng vì chúng đã nghĩ anh có rất nhiều tiền.
3 trong 4 người tham gia tấn công nam sinh viên Trung Quốc bị buộc tội giết người và nhận án chung thân không ân xá. Người còn lại nhận tội giết người cấp độ hai và bị kết án tù chung thân không được xem xét ân xá trong 15 năm.
Bức ảnh cô bé thảm họa
Cư dân mạng không còn xa lạ gì với bức ảnh chụp một cô bé đứng trước căn nhà đang cháy rụi phía sau. Nụ cười lạnh lùng, kỳ quái và có phần khoái chí của cô chính là điểm nhấn khiến meme này trở nên nổi tiếng.
Zoe Roth – nhân vật chính của bức ảnh này đã gặp không ít phiền toái khi hình ảnh của bản thân lan truyền trên Internet một cách chóng mặt. Cô bé bị ném đá vì thái độ bàng quan, vô cảm trước sự mất mát của người khác.
Tuy nhiên, sự thật là ngôi nhà đó không hề gặp hỏa hoạn mà do chủ nhà đã châm lửa đốt với mục đích xây dựng lại mà thôi. “Bức ảnh đó được bố tôi chụp vào năm 2005. Trông nụ cười có vẻ nham hiểm nhưng thực chất tôi chẳng có cảm xúc gì vào lúc đó. Đó là nụ cười bình thường và bức ảnh nào chụp tôi năm 2005 trông cũng vậy“, Zoe Roth giải thích.
Cô gái da đen bối rối
Một cô gái da đen ăn vận xuề xòa, biểu cảm đầy sự bối rối được nhiều người sử dụng trong những câu chuyện vui trên mạng. Thế nhưng, Keisha Johnson – chủ nhân của meme này lại chẳng vui vẻ chút nào khi bỗng dưng nổi tiếng. Được biết, bạn bè của Keisha đã chụp lại khoảnh khắc đầy “dìm hàng” này và đăng tải trên Instagram để trêu đùa cô.
Sau khi bức ảnh được chia sẻ rầm rộ trên Instagram, cô đã kiện nền tảng này với tội danh bóc mẽ ảnh riêng tư cũng như đòi tiền bồi thường. Cô chia sẻ, bản thân cảm thấy rất tổn thương vì bị những người xa lạ đem ra làm trò cười.