Chiếc bình cổ từng được đấu giá kỷ lục

Chiếc bình cổ từng được đấu giá kỷ lục

Chiếc bình sứ đời vua Càn Long từng được tìm thấy trên căn gác xép phủ bụi ở vùng ngoại ô London, thắng đấu giá 84 triệu USD.

Mọi kỷ lục thế giới về đấu giá cổ vật bị phá vỡ sau tiếng gõ búa ấn định cho một chiếc bình sứ tại Bainbridges – nhà đấu giá hạng thường ở Anh – vào tháng 11/2010. Phiên đấu kéo dài hơn 30 phút với bảy người tham gia. Mức giá khởi điểm là 800 nghìn bảng, sau đó tăng dần lên 10 triệu, 25 triệu, 43 triệu và cuối cùng được gõ búa ở mức 51,6 triệu bảng bao gồm thuế phí (tương đương 84 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó). Theo AP, người mua đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cận cảnh chiếc bình sứ đắt nhất thế giới. Ảnh: Bainbridge

Chủ sở hữu và hàng trăm người có mặt trong phiên đấu kinh ngạc khi những nhà sưu tập Trung Quốc mua lại đồ cổ với bất cứ giá nào. Thậm chí, chiếc búa bị gãy khi gõ ấn định giá. Người phụ nữ là một trong hai chủ sở hữu bấy giờ được đưa ra ngoài hít thở vì bị sốc. Helen Porter của Bainbridges cho biết: “Đây hẳn là một trong những chiếc bình Trung Quốc quan trọng nhất được rao bán trong thế kỷ này”.

Người đàn ông (khoanh đỏ) được ủy quyền tham gia đấu giá chiếc bình. Ảnh: Thevalue

Sau phiên đấu, các thông tin về cổ vật, nhà đấu giá tràn ngập trên mặt báo thế giới. Theo AFP, bình sứ được tìm thấy khi một người đàn ông và em gái dọn dẹp căn nhà của cha mẹ quá cố ở ngoại ô Pinner, phía Tây London. Bình phủ đầy bụi đặt ở giá sách trên gác xép, cao hơn 40 cm, có ghi chú “Được làm từ thời Càn Long của nhà Thanh” dưới đáy. Hai anh em gửi tác phẩm đến nhà đấu giá.

Để xác định giá bán, Helen Porter mang chiếc bình tới The Arts Club – câu lạc bộ nghệ thuật tư nhân thành lập từ năm 1863 ở London – để tham khảo ý kiến. Họ nhận ra sự quý hiếm của tác phẩm khi Luan Grocholski – nhà tư vấn về gốm sứ Trung Quốc – đánh giá cao. Họ ước tính bán được mức 1,3 đến 2 triệu USD.

Người bán đấu giá Peter Bainbridge và chiếc búa gãy sau phiên đấu lịch sử. Ảnh: AP

Theo Sina, các chuyên gia nhận định cổ vật có niên đại từ thời Càn Long, thế kỷ 18 – khi việc sản xuất đồ sứ có thiết kế tinh tế đạt đến đỉnh cao bởi Hoàng đế – người trị vì từ năm 1736 đến 1795 – rất sành nghệ thuật. Tác phẩm sử dụng các kỹ thuật thếp vàng, chạm khắc rỗng, chạm nổi, tiện ép… được nung trong lò của Hoàng gia tại Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây – nơi mệnh danh là thủ đô gốm sứ với lịch sử hơn 1.700 năm. Bình hình bầu dục, được tráng men, trang trí tinh xảo với màu vàng nhạt, xanh lam. Cổ bình có chữ “Cát” màu đỏ mang ý nghĩa tốt lành, dưới đáy in dấu của Hoàng gia. Bên trong chứa một chiếc bình nhỏ, có thể nhìn thấy xuyên qua các lỗ thủng.

Helen Porter nói: “Vào thế kỷ 18, chắc hẳn nó đã nằm trong cung điện Trung Quốc và được nung trong lò của hoàng gia. Chiếc bình là một tác phẩm rất đẹp và tinh tế. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết nó được mang đến London như thế nào. Thật tuyệt khi nó ở trong tình trạng tốt như vậy. Nó đơn giản là một kiệt tác”.

Trên New York Times, đại diện nhà đấu giá cho biết người bán hàng không biết làm thế nào chiếc bình thuộc quyền sở hữu của cha mẹ họ. Tuy nhiên, họ tin rằng nó đã có trong nhà từ những năm 1930. Ivan Macquisten, biên tập viên của Antiques Trade Gazette – chuyên trang về nghệ thuật, đồ cổ ở London – đưa ra giả thuyết bình nằm trong số những kho báu bị quân Anh cướp khi tấn công cung điện hoàng gia ở Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần hai, từ năm 1856 đến 1860. Sohu dẫn lời một nguồn tin cho rằng một nhà thám hiểm Anh đã mua nó khi tới Trung Quốc rồi đem về nước và bán lại.

Theo Thevalue, vài tháng sau phiên đấu giá, cổ vật lại gây chú ý vì lý do người mua không thanh toán. Một nguồn tin cho rằng hoạt động kinh doanh của người này gặp vấn đề tại thời điểm đó. Trong khi, một số thông tin nói người mua và các bên liên quan không đạt thỏa thuận về khoản hoa hồng. Tờ Antiques Trade Gazette cho rằng người mua là tỷ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm – chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt, nhưng ông phủ nhận. Người bán hàng và đại diện nhà đấu giá bay sang Trung Quốc để đòi nợ nhưng không thành. Hai năm sau, thương vụ không được giải quyết.

Sau đó, đại diện Bonhams – một trong những nhà đấu giá nghệ thuật và đồ cổ lâu đời nhất thế giới, thuộc sở hữu tư nhân – đứng ra dàn xếp, bán lại chiếc bình. Giá bán cuối cùng không được tiết lộ. Theo Thevalue, người mua được cho là trả khoảng 25 triệu bảng (39,7 triệu USD theo tỷ giá khi đó) – giữ vững danh hiệu cổ vật đắt giá nhất. Nếu thông tin được xác thực, kỷ lục này đã bị phá vỡ hôm 7/6, khi chiếc bình sứ phượng hoàng xoay Dương Thái đạt mức giá 41,6 triệu USD trong phiên đấu giá của Poly ở Bắc Kinh.

Theo Artron Art Network, năm 2018, cổ vật được trưng bày tại Sotheby Hong Kong, chuẩn bị cho phiên đấu giá mới. Sau đó, tác phẩm không xuất hiện và những thông tin về nó hiện nay vẫn là một ẩn số. Trong các danh sách cổ vật đắt giá nhất thế giới do các chuyên trang thống kê, tác phẩm vẫn được nhắc đến ở vị trí số một, dù thương vụ không hoàn tất.

Miệng (trái) và đáy bình. Ảnh: Bainbridge

Bainbridges được thành lập cách đây hơn 40 năm, có trụ sở tại Ruislip, phía Tây London, chuyên chứng thực di chúc, giúp các gia đình định giá, bán lại các vật dụng để lại khi ai đó qua đời. Trung bình mỗi năm, Bainbridges tổ chức chín phiên đấu giá đồ cổ, sưu tập, rượu, đồ hiệu… Trước bình sứ, lần đấu giá cao nhất của Bainbridges là tác phẩm tráng men thời nhà Minh giá 100.000 bảng vào năm 2008.

Hiểu Nhân (theo AP, New York Times, Thevalue, Sina)

Nguồn: https://vnexpress.net/chiec-binh-co-tung-duoc-dau-gia-ky-luc-4379968.html