Làm du lịch kết hợp giữ rừng

Làm du lịch kết hợp giữ rừng

Anh Nguyễn Tấn Vàng (34 tuổi, ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là một trong những người tiên phong khởi nghiệp làm du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Du khách đến trải nghiệm trồng rừng.

Nông trại Người Giữ Rừng tọa lạc tại ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được biết đến là nơi tiên phong xây dựng mô hình giữ và trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác du lịch một cách hiệu quả. Toàn xã Thạnh Phước có hơn 2.600ha đất trồng rừng các loại, trong đó có khoảng 1.100ha đất quy hoạch là đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý, còn lại là do người dân quản lý. Nơi đây, người dân có thể thả nuôi thuỷ sản tự nhiên và khai thác hằng tháng đem lại thu nhập rất khá. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa mô hình trồng rừng, nuôi trồng thủy sản để làm du lịch thì duy nhất chỉ có anh Vàng tiên phong thực hiện và thành công.

Anh Vàng kể, anh tốt nghiệp ngành khoa học đất, Trường Đại học Cần Thơ. Sau đó anh tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, anh từng làm việc cho dự án du lịch cộng đồng tại huyện Thạnh Phú trong một thời gian dài. Năm 2017, anh Vàng quyết định thuê đất của người dân vừa trồng rừng vừa nuôi trồng các loại thủy sản địa phương như tôm, cua, hàu, cá… Đến năm 2020, anh quyết định mở nông trại du lịch, thuê đất mở homestay trên diện tích 13ha, phục vụ du khách đến địa phương tham quan và đặt tên là khu du lịch Người Giữ Rừng. “Sau khi rời khỏi dự án, thấy bà con khó triển khai mô hình mẫu. Từ đó vợ chồng tôi quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất này, vừa khai thác tiềm năng du lịch, vừa giữ rừng, mong muốn cho người dân cùng bám đất giữ rừng, trồng rừng và khai thác những lợi ích từ rừng mang lại cho con người”, anh Vàng chia sẻ.

Theo anh Vàng, việc đặt tên nông trại là Người Giữ Rừng chứa đựng ý nghĩa tối đa hóa giá trị của rừng ngập mặn, bảo vệ rừng bằng cách làm du lịch sinh thái, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến với nhiều người. Tại nông trại, khách khi đến tham quan sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn như đi xuồng vào rừng bẫy cua, bắt vẹm, hàu, giăng lưới bắt cá tại những khu vực cho phép… như một người nông dân thực thụ. Hải sản bắt được sẽ được nhân viên hỗ trợ chế biến thành những món ăn thơm ngon. Du khách đến đây có thể lựa chọn ở qua đêm tại homestay hoặc ngủ võng trong các lán trại cùng người dân địa phương. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, anh Vàng đã mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng người dân sinh sống dưới tán rừng ngập mặn ven biển Bình Đại, nhất là đảm bảo được sinh kế để người dân yên tâm bám đất, giữ rừng.

Hiện, anh Vàng giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-10 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Từ khi được ra đời đến nay, nông trại đã từng bước khẳng định sức hấp dẫn to lớn của mình, thu hút đông đảo bạn trẻ ghé thăm. Do du khách đến ngày càng đông nên sản lượng tự nuôi trồng không đáp ứng đủ, anh Vàng đã đứng ra thu mua thủy sản do bà con nuôi dưới tán rừng nơi đây. Đặc biệt, với mô hình này anh Vàng còn giúp nhiều người trẻ nâng cao ý thức cộng đồng, giúp học sinh nhận thấy được tầm quan trọng của môi trường, cửa rừng và hệ sinh thái tự nhiên thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị tại nông trại.

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, cho biết, địa phương có một số mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nhờ vào khai thác giá trị rừng điển hình là khu Người Giữ Rừng của anh Vàng. Nhờ những mô hình như thế giúp nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản của địa phương. Nông trại du lịch Người Giữ Rừng ra đời với mục tiêu phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, hướng tới sự phát triển bền vững. Đây là mô hình phát triển du lịch phù hợp với xu hướng của Việt Nam và thế giới.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lam-du-lich-ket-hop-giu-rung-a169051.html