Khởi nghiệp với loại khô hiếm

Khởi nghiệp với loại khô hiếm

Gia đình chị Võ Hồng Đào sống tại vùng biển huyện Ngọc Hiển – nơi có rất nhiều đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, nên chị định hướng sẽ vươn lên từ những đặc sản quê mình. Tuy nhiên, để có thành công như hôm nay, chị không chọn làm những sản phẩm khô có tiếng như tôm, cá thòi lòi, mà chị lại chọn làm khô từ loại cá có sản lượng ít, giá bán khá cao: cá lạc.

Chị Võ Hồng Đào (bên phải) lựa chọn làm khô cá lạc một nắng để phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay đã 3 năm, chị Võ Thị Đào ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, gắn bó với nghề làm khô cá lạc 1 nắng. Những ngày đầu khi bắt tay làm loại khô này, do khách hàng chưa biết nhiều, giá bán khá cao nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sau đó, chị kiên trì tìm đầu ra, đẩy mạnh tiếp thị tại địa phương. Từ những khách hàng đầu tiên ăn thấy ngon mua làm quà biếu, sản phẩm cá lạc 1 nắng của chị Đào bắt đầu vươn ra ngoài tỉnh. “Lúc đầu, do nhiều người chưa biết cùng với giá cao nên rất khó bán. Tuy nhiên khi đã thưởng thức ai cũng tấm tắc khen, bởi thịt cá thơm, béo, không có nhiều xương. Sau đó tôi đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, cùng với giới thiệu của khách hàng quen nên hiện đầu ra đã ổn định. Trung bình mỗi tháng tôi làm được khoảng 40kg cá khô nhưng không đủ bán” – chị Đào chia sẻ.

Cá lạc sống ở vùng nước mặn và nước lợ của Cà Mau. Người dân địa phương thường dùng cá tươi để nấu canh chua hoặc phơi cá qua 1 nắng sau đó chiên lên thưởng thức. Cá lạc cũng sống được trong vuông tôm nhưng số lượng rất hạn chế, sản lượng cá chủ yếu được khai thác ngoài biển từ nghề đóng đáy hoặc câu nên sản lượng cá tươi không nhiều. Do đó, mỗi khi các tàu đánh cá cặp bờ, chị Đào đi thu gom, rồi thuê phụ nữ địa phương sơ chế để làm thành khô 1 nắng. Bà Danh Thị Nguyệt, lao động tại cơ sở khô của chị Đào, cho biết: “Khô cá lạc rất dễ làm, chỉ cần mổ bụng làm sạch nội tạng, ngâm qua nước muối rồi mang đi phơi. Phụ nữ ở đây thiếu việc làm nên sáng tôi dọn dẹp nhà xong thì đến cơ sở của chị Đào làm. Công việc không nặng nhọc khó khăn gì nhưng lại có thêm thu nhập”.

Cá lạc tươi đang có giá khoảng 400.000 đồng/kg, tùy thời điểm và kích cỡ. Khô cá 1 nắng đang được cơ sở của chị Đào bán với giá 700.000 – 1 triệu đồng/kg. Hiện, cơ sở của chị Đào là nơi duy nhất tại huyện Ngọc Hiển chuyên cung cấp khô cá lạc. Tuy giá khá cao nhưng do sản phẩm chất lượng và sản lượng cá có giới hạn nên nguồn cung luôn không đủ cầu. Chị Đào đang tiến hành thành lập tổ hợp tác chuyên làm khô lạc 1 nắng để tăng sản lượng đồng thời sẽ đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP. “Tại địa phương có nhiều lao động nhàn rỗi, thành lập tổ hợp tác sẽ giúp đỡ, hỗ trợ được chị em có công ăn việc làm, qua đó cùng nhau phát triển kinh tế gia đình cũng như góp phần làm cho sản phẩm quê hương tôi được nhiều người biết đến” – chị Đào cho biết thêm.

Bà Quách Huỳnh Nga, người dân ở gần cơ sở khô của chị Đào, cho biết: “Cá lạc là đặc sản của vùng biển quê tôi, rất ngon, không chỉ người địa phương mà khách du lịch cũng ưa thích nên đầu ra rất khả quan. Nếu chị Đào đứng ra thành lập tổ hợp tác làm khô thì chị em ở đây vui lắm. Như tôi ngoài công việc nhà thì thời gian rảnh rỗi nhiều, nếu được tham gia làm khô sẽ có thêm thu nhập. Tôi và nhiều chị em ở đây đang chờ chị Đào sớm ra mắt tổ hợp tác để chúng tôi cùng có thêm việc làm, phát triển kinh tế gia đình”.

Từ lợi thế của địa phương, chị Đào đã khéo léo lựa chọn 1 sản phẩm mới, ít người biết đến để phát triển. Dù khởi đầu khá khó khăn nhưng đến nay người phụ nữ miền biển xa xôi của huyện tận cùng Tổ quốc đã gặt hái được thành công. Ý tưởng, tinh thần dám nghĩ dám làm của chị Đào là động lực để chị em phụ nữ địa phương học hỏi, vươn lên.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA
Nguồn: https://baocantho.com.vn/khoi-nghiep-voi-loai-kho-hiem-a160168.html