Thói quen khiến công việc không hiệu quả

Thói quen khiến công việc không hiệu quả

Những thói quen tưởng vô hại lại vô tình cướp mất lượng lớn thời gian và khiến bạn thiếu tập trung vào việc chính.

Liên tục kiểm tra điện thoại

Rất nhiều người có thói quen để điện thoại ngay bên cạnh khi ngồi vào bàn làm việc. Nếu một trang web tải quá chậm hoặc máy tính treo mất vài giây, họ lại tranh thủ lướt điện thoại. Hành động này có thể chiếm mất 5-10 phút.

Thay vì liên tục mất thời gian vào cách lướt mạng xã hội, các chuyên gia lao động khuyên bạn nên lên lịch cho mọi hoạt động. Và khi đã có thời gian cụ thể cho việc lướt điện thoại, bạn không còn nhấc nó lên trong lúc đang làm việc nữa.

Tranh thủ làm việc phụ trong lúc làm việc chính

Trong lúc đang cố hoàn thành nhiệm vụ, bạn dành một giây để mua sắm trực tuyến, viết danh sách hàng cần mua, gọi điện đặt bữa tối.

“Ta hay có thói quen làm bất cứ việc gì nảy ra trong đầu vì sợ quên. Chúng ta tự nhủ sẽ chỉ mất một giây, nhưng sau đó cuốn vào hết việc này đến việc khác, làm quên mất thực tại”, Kornick – Trưởng phòng Cộng đồng của công ty tư vấn quản lý Clockwise (Mỹ) nói.

Chuyên gia khuyên nên tạo một danh sách các nhiệm vụ ngoài công việc để kiểm soát thời gian, tránh tình trạng việc chính bị gián đoạn và giúp xác định thứ bạn có thể trì hoãn hoặc xử lý sau.

Những thói quen vô bổ khiến bạn phải làm việc nhiều hơn và mất thời gian. Ảnh: Huffpost

Mở quá nhiều tab trên trình duyệt

Nếu bạn mở quá nhiều tab trên trình duyệt, mỗi tab sẽ là cái bẫy thu hút sự chú ý.

Khi thấy màn hình có quá nhiều tab gây căng thẳng và mất tập trung, bạn có thể sử dụng One Tab để gom tất cả các tab thành một danh sách hoặc sử dụng trình quản lý nền như Tab Auto Close và Tab Wrangler để tự động đóng các tab mở lâu nhưng không dùng đến nữa.

Giải quyết vấn đề ngay lập tức mà chưa xác định xem đó có phải vấn đề cần đến bạn không

Tanya Menon, một giáo sư quản lý tại ĐH Bang Ohio (Mỹ), cho hay, nhiều người nhầm tưởng mình là chuyên gia, có thể giải quyết mọi vấn đề. Họ đưa ra những quyết định dựa trên những gì mình biết mà không quan tâm việc bỏ thời gian và nguồn lực của mình có hiệu quả hay không.

Menon cho rằng, những người tự coi mình là chuyên gia có thể “muốn có câu trả lời nhanh chóng”. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ thu hẹp khả năng tiếp cận vấn đề của chính mình.

Để xác định vấn đề, đừng vội vàng tìm giải pháp. Trước hết, hãy hỏi bản thân xem giải quyết vấn đề đó có phải trách nhiệm của bạn không và hoan nghênh các câu hỏi.

Luôn cho rằng mình đúng

Norma Reyes, một huấn luyện viên nghề nghiệp cho biết, nhiều người luôn tin mình thành thạo công việc và mắc kẹt trong “tư duy cố định”.

Họ dồn thời gian và sức lực để chống lại sự thay đổi trong công việc đó mà không nghĩ đôi khi thay đổi là cần thiết và hữu ích.

Mở một cuộc họp không cần thiết

47% người lao động được Salary.com khảo sát vào năm 2012 cho biết “quá nhiều cuộc họp” là nguyên nhân hàng đầu khiến họ phân tâm trong công việc.

Nếu có quyền quyết định tổ chức cuộc họp, hãy đặt câu hỏi tại sao nên tổ chức họp và thường xuyên lấy ý kiến người dự họp về độ dài, tính hữu ích của cuộc họp.

Nhà nghiên cứu cuộc họp Steven G. Rogelberg nói: “Một trong những điều một nhà lãnh đạo nên nghiên cứu trước khi bắt đầu một cuộc họp không phải chủ đề mà là các câu hỏi cần được trả lời”.

Nếu cuộc họp chỉ để cung cấp thông tin, ông khuyên nên sử dụng hình thức khác.

Nhật Minh (Theo Huffpost)

Nguồn: https://vnexpress.net/thoi-quen-khien-cong-viec-khong-hieu-qua-4392174.html