Xuất thân bình thường, IQ không cao chót vót nhưng 2 “thiên tài Huawei” vẫn được mời làm việc với mức lương khủng, tất cả là nhờ cách giáo dục khác biệt từ gia đình
Ngọc Hà |
(Tổ Quốc) – Không đứa trẻ nào sinh ra đã là thiên tài. Thành công chỉ đến khi đứa trẻ đó sở hữu đủ những phẩm chất cần thiết và trải qua thời gian khổ luyện thích hợp.
Trong thời gian gần đây, thông tin về những thiên tài người Trung Quốc được tập đoàn Huawei chiêu mộ với mức lương khủng đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cùng tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Khoa học & Kỹ thuật Hoa Trung, hai thanh niên trẻ – Diêu Đình và Trương Tế – hiện đang nhận mức lương hàng năm cao hơn mặt bằng chung rất nhiều, lần lượt là 156 vạn NDT (tương đương với 5,4 tỷ VNĐ) và 201 vạn NDT (7 tỷ VNĐ).
Nhiều người cho rằng những “thiên tài” này ắt hẳn phải có tài năng thiên bẩm, không giống những người bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, họ không phải là những thiên tài bẩm sinh, thậm chí điểm số trên lớp cũng rất bình thường.
Kết quả thi đại học lần đầu của Trương Tế khá tệ, nên anh đã phải ở nhà ôn tập lại 1 năm. Đến lần thứ hai, mặc dù đã rất cố gắng nhưng Trương Tế cũng chỉ đỗ vào trường “loại 3” – Học viện Công nghệ Vũ Xương. Diêu Đình cũng không sở hữu chỉ số IQ siêu phàm từ bé. Thậm chí, cô còn không đỗ nổi vào trường cấp 3 trọng điểm của tỉnh Hồ Nam vì điểm quá thấp. Cuối cùng, Diêu Đình đành chọn vào một trường cấp 3 làng nhàng ở quê nhà.
Chỉ là những đứa trẻ bình thường xuất thân từ những gia đình bình thường, điều gì đã khiến Trương Tế và Diêu Đình tài giỏi như ngày hôm nay?
Đó chính là nhờ phương pháp giáo dục của gia đình.
Trương Tế
Diêu Đình
Phẩm chất ưu tú chính là bí quyết đối đầu với cuộc sống
Trương Tế cho biết, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến anh từ nhỏ. Mẹ anh là giáo viên trung học, còn bố là giáo viên tiểu học. Triết lý nuôi dạy con của họ là bồi dưỡng phẩm chất. Cha mẹ Trương Tế không bắt anh đi học thêm, cũng chưa từng kèm cặp mọi lúc, nhưng luôn chú ý giúp con hình thành những phẩm chất, thói quen tốt đẹp.
Chẳng hạn, cha mẹ Trương Tế luôn khuyến khích anh rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập. Khi gặp vấn đề, họ sẽ phân tích cho con nghe đâu là tốt, đâu là xấu, rồi để đứa trẻ tự lựa chọn. Ngoài ra, Trương Tế cũng sở hữu một loạt các phẩm chất khác như trí tò mò, khao khát thành công và tinh thần bền bỉ không chịu khuất phục cuộc sống. Tất cả những điều này đã được anh trau dồi từ bé và theo anh đến tận khi trưởng thành.
Việc học tập giống như xây dựng một ngôi nhà: Bạn không cần phải giỏi từ đầu hay có xuất phát điểm cao hơn người khác, bởi thứ bạn cần là một nền tảng vững chắc. Nhờ sự giáo dục của phụ huynh, Trương Tế đã có những bước tiến vững vàng trên con đường học vấn và sự nghiệp. Không đỗ đại học thì anh thi lại, tốt nghiệp đại học thì học lên tiến sĩ.
Cha mẹ có thể không cầu mong con mình trở nên giàu có, nhưng nhất định phải giúp con mở ra con đường trải đầy thành công, biết thúc đẩy con ở thời điểm mấu chốt. Đó không phải ép buộc con học hành, mà là hỗ trợ con rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp ngay từ nhỏ. Những phẩm chất tốt đẹp tuy không thể khiến trẻ thành công ngay lập tức, nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài trên đường đời sau này.
Hình thành thói quen tốt là cách duy nhất để tiến xa
Thành công của Diêu Đình cũng có sự đóng góp không nhỏ từ phụ huynh.
Bản thân cô từng nói: “Tôi không phải người quá chăm chỉ, cũng không dám tự nhận là thiên tài. Tôi đã gặp những người còn chăm chỉ và thông minh hơn mình nhiều”. Thế nhưng, Diêu Đình vẫn đạt được những thành tích vượt trội trong sự nghiệp của mình nhờ lời dạy của cha mẹ: “Không cần chăm chỉ nhất, không cần thông minh nhất, nhưng phải hình thành cho mình những thói quen tốt nhất”.
Mục tiêu rõ ràng
Các giáo viên từng dạy dỗ Diêu Đình đều nhận xét, cô gái này luôn có kế hoạch học tập rõ ràng và biết mình cần làm gì vào lúc nào.
Tự giác và tập trung
Cô giáo của Diêu Đình cho biết, khi mới nhập học, điểm của cô gái này không hề cao. Tuy nhiên, Diêu Đình học hành rất nghiêm túc: giờ ra chơi thì chơi hết mình, nhưng đã ngồi vào bàn học thì luôn tập trung cao độ.
Khi nghiên cứu các vấn đề, viết luận văn hay ra nước ngoài trao đổi, Diêu Đình cũng rất tự giác, luôn tự thúc đẩy bản thân mỗi ngày.
Dám thách thức, từ chối nhận thất bại
Bản thân Diêu Đình cũng từng nếm mùi thất bại, khi đã không thể đăng ký vào trường mình mong muốn vì tốt nghiệp muộn.
Cảm thấy buồn bã, cô viết trong nhật ký: “Bất cứ nơi nào tôi có thể tiến bộ và bứt phá nhờ nỗ lực chăm chỉ đều là nơi tôi thích nhất”. Suy nghĩ lạc quan này của Diêu Đình thực sự đã vượt qua rất nhiều người.
Khi nói về thành công của mình, Diêu Đình luôn nhắc đến cách giáo dục của gia đình, đặc biệt là trong việc hình thành những thói quen tốt. “Môi trường học tập, thói quen sinh hoạt, phẩm chất, tính cách,… gia đình là bến đỗ cho tâm hồn tôi, không ngừng bổ sung năng lượng tiếp sức cho tôi”, cô nói.
Tầm nhìn xa của cha mẹ sẽ giúp con cái kiểm soát bản thân
Để cho con một tương lai rạng rỡ, các phụ huynh đều chẳng ngại hy sinh thời gian, công sức và tiền bạc. Họ tìm kiếm những ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, cho con đi học từ sớm, tham gia đủ loại lớp bồi dưỡng. Thậm chí, có những ông bố bà mẹ còn lập sẵn lộ trình phát triển cho con, với hy vọng sẽ gạt bỏ giúp con mọi chướng ngại vật trên đường đời.
Tuy nhiên, trau dồi phẩm chất và hình thành thói quen tốt mới là thứ vũ khí vĩnh viễn không bao giờ lỗi thời.
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành để nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của sinh viên. Trước tiên, các nhà khoa học đã liệt kê những phẩm chất hữu ích, bao gồm lạc quan, vui vẻ, hài hước, nghiêm khắc, nói nhiều, điềm tĩnh, sống nội tâm, ham đọc sách… Họ yêu cầu hàng trăm sinh viên làm bài kiểm tra. Cuối cùng, yếu tố ảnh hưởng nhất tới hiệu suất học tập chính là sự tự chủ.
Khi trẻ trưởng thành, sự tự chủ này sẽ còn quan trọng hơn cả chỉ số IQ.
Theo nhiều nhà tâm lý học, cha mẹ yêu thương, nuông chiều, nghiêm khắc hay dạy bảo con mà không có nguyên tắc rõ ràng thì dễ khiến con trở thành đứa trẻ kém tự chủ. Trong khi đó, khả năng tự chủ của trẻ đã bắt đầu hình thành từ lúc chúng mới 3-4 tuổi.
Trong cuốn sách “Dám kỷ luật” của mình, nhà tâm lý học James Dobson từng viết: “Nếu bên mép vực lắp lan can, người ta mới dám dựa vào lan can mà nhìn xuống vì không sợ bị ngã. Nếu không có lan can, tất cả sẽ đứng thật xa vách núi, huống chi là đứng ở mép núi nhìn xuống”.
Lan can chính là thứ cha mẹ dùng để đảm bảo an toàn cho con cái. Khi trẻ em được kiểm soát đúng cách, chúng sẽ rèn được sự tự chủ trong các tình huống của cuộc sống thường ngày. Người biết cứng rắn vừa đủ với con chính là người có tầm nhìn xa trông rộng.
Đã làm cha mẹ, ai cũng muốn đem lại những điều tốt nhất cho con cái. Khi thấy “con nhà người ta” tài giỏi xuất chúng, đừng tự ti nghĩ rằng “thiên tài” là điều gì đó rất hiếm, bởi thành công nào cũng có thể học tập.
Điểm xuất phát thực sự của một đứa trẻ không nằm ở cơ sở học tập, điều kiện tài chính hay thời gian học thêm, mà là những phẩm chất và thói quen tốt được cha mẹ rèn từ nhỏ. Sở hữu được những thứ này, đứa trẻ mới có thể vững vàng đối mặt với những vấp ngã, những khó khăn, những lựa chọn đang chờ mình giữa ngã ba cuộc đời.
Cuộc đời là một cuộc đua marathon, nơi cha mẹ mãi mãi chỉ có thể đồng hành cùng con một nửa chặng đường. Khi cha mẹ không thể ở bên cạnh trợ giúp con cái nữa, những phẩm chất và thói quen tốt đẹp chính là gốc rễ giúp chúng vượt qua gian nan và thách thức trước mặt mình.
(Theo Sohu)
Theo ttvn.toquoc.vn