Thực phẩm Trung Quốc đắt đỏ vì lũ lụt và Covid-19

Thực phẩm Trung Quốc đắt đỏ vì lũ lụt và Covid-19

Lũ lụt khiến người dân và doanh nghiệp Trung Quốc thêm đau đầu về giá thực phẩm – vốn đã tăng cao vì đại dịch đầu năm.

Số liệu hôm qua (14/7) của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy giá nông sản tại đây tăng 0,8% tuần trước. Mức tăng này tuần đầu tháng 7 là 1,2%. Cục Thống kê Trung Quốc cũng cho biết giá thực phẩm nước này tăng 11% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giá tăng chủ yếu do nguồn cung giảm và nhu cầu tăng”, Gao Huan – giám đốc nghiên cứu bán lẻ và sản xuất tại hãng tư vấn Alvarez & Marsal cho biết trên CNBC, “Trên thực tế, xu hướng này có thể còn tiếp tục khi các thảm họa thiên nhiên, như bão lũ, xảy ra ở miền Nam Trung Quốc. Việc này sẽ tác động lên thị trường rất nhanh thôi”.

Các đợt lũ lụt hiện tại ở Trung Quốc được đánh giá tồi tệ nhất kể từ năm 1998. Thiệt hại kinh tế trực tiếp đã vượt 86 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD), với hơn 29.000 căn nhà bị phá hủy và hơn 2,2 triệu nơi ở tạm thời phải dựng lên.

Người dân vận chuyển rau tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

“Chúng tôi dự báo CPI tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, do cú sốc nguồn cung gây ra bởi lũ lụt ở miền Nam”, kinh tế trưởng Ting Lu tại Nomura cho biết trong báo cáo tuần trước, “Tuy nhiên, CPI nửa cuối năm có thể vẫn ở mức thấp (chỉ tăng khoảng 1%), chủ yếu do giá thịt lợn cùng kỳ năm ngoái đã ở mức cao rồi”.

Giới chức Trung Quốc đang theo sát diễn biến giá thực phẩm, do đây là yếu tố quan trọng để duy trì ổn định xã hội. Giá thực phẩm nước này vốn đã ở mức cao do đại dịch bùng phát đầu năm nay.

Hồi tháng 2, số liệu của hãng nghiên cứu Wind cho thấy giá thực phẩm Trung Quốc tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt cả mức tăng 20,9% tháng 1. Nguyên nhân là nguồn cung thiếu hụt do sản xuất đình trệ, giao thông bị hạn chế do lệnh phong tỏa ngăn đại dịch và người dân đổ xô tích trữ lương thực.

Covid-19 vốn đã tác động rất mạnh lên ngành thực phẩm – đồ uống, do các lệnh giãn cách xã hội khiến mọi người ngừng ăn ngoài. Rất nhiều người đã chuyển sang gọi thực phẩm giao về để nấu tại nhà.

Nửa đầu năm nay, hơn 105.000 doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm và đồ uống đã giải thể hoặc ngừng hoạt động. Hơn 70% việc đóng cửa diễn ra trong quý II, theo số liệu của hãng nghiên cứu Qichacha. Vì thế, Gao Huan dự báo giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng cao có thể khiến lợi nhuận của các nhà hàng giảm 2%.

Các nhà phân tích tại hãng môi giới chứng khoán Nanhua Futures cho rằng tác động lên giá thực phẩm sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lũ lụt sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất thịt lợn. Giá thịt lợn Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong 18 tháng qua, do dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung trong nước thiếu hụt. Giá thịt lợn tháng trước vẫn tăng, cao hơn 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Trung Quốc tăng mua thực phẩm nước ngoài cũng chưa giúp hạ nhiệt giá cả trong nước. Theo số liệu hôm qua của Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm, nước này nhập khẩu thêm 140% thịt lợn so với năm ngoái, thịt bò tăng 42,9% và đậu nành tăng 17,9%.

Việc đại dịch tái bùng phát tại chợ thực phẩm ở Bắc Kinh lại càng gây sức ép lên giá cả. Giá thực phẩm tươi sống tại Bắc Kinh tăng 9% trong tháng 6.

Thịt lợn và giá thực phẩm nói chung tăng đã kéo CPI của Trung Quốc lên. Chỉ số này tăng 2,5% trong tháng 6, cao hơn so với mức 2,4% tháng 5. Tuy nhiên, lạm phát các tháng này vẫn còn thấp hơn mức 4% – 5% trong vài tháng đầu năm.

Zong Liang – nhà nghiên cứu tại Bank of China cho biết lạm phát năm nay của Trung Quốc sẽ dưới 3%, tức là khá ổn định. Ông cũng lạc quan rằng việc thực phẩm tăng giá chỉ kéo dài trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với nền kinh tế nói chung, các diễn biến như đại dịch tái bùng phát cũng đồng nghĩa tăng trưởng sẽ hồi phục với tốc độ chậm hơn. “Sự phục hồi của thị trường sẽ rất từ từ, không nhanh đâu”, ông nói.

Còn với các nhà hàng, con đường phía trước sẽ rất khó khăn, khi cả giá thực phẩm và hành vi tiêu dùng đều thay đổi. “Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rời cuộc chơi. Ngành này sẽ còn tiếp tục xáo trộn”, Gao nói, “Nhu cầu với các nhà hàng sẽ không phục hồi hoàn toàn đâu. Chỉ khoảng 80%, 90% thôi”.

Ông cho rằng các nhà hàng cần sáng tạo hơn để tồn tại trong nền kinh tế hậu đại dịch, bằng các chiến lược như tận dụng kênh bán hàng online và thực phẩm đông lạnh, cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng và trấn an người tiêu dùng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để khuyến khích họ ăn ngoài.

Hà Thu (theo CNBC)

Theo Vnexpress.net

Trả lời