Cần tỉnh táo khi mua hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng kẻo ‘sập bẫy’ lừa đảo

Cần tỉnh táo khi mua hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng kẻo ‘sập bẫy’ lừa đảo

(VietQ.vn) – Hiện nay rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn các loại hàng hóa thanh lý, hàng qua sử dụng, hàng cũ trên mạng, tại các trung tâm thương mại vì giúp tiết kiệm chi phí tuy nhiên việc mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng, hàng cũ được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn mua được sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đang lợi dụng việc giao dịch, mua bán các loại hàng hóa này trên các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hệ quả là có không ít người nhận phải những món đồ kém chất lượng, không đúng như lời quảng cáo hoặc thậm chí mất tiền vì trót tin lời của các đối tượng lừa đảo.

Nhiều người ‘sập bẫy’ khi mua hàng thanh lý trên mạng

Với nhu cầu mua một chiếc xe cũ phục vụ việc đi lại của gia đình, một người phụ nữ đã lên các trang mạng xã hội thanh lý xe để tìm kiếm. Sau quá trình trao đổi thông tin với một người bán tự nhận ở Quảng Ngãi, người này yêu cầu chị chuyển khoản tiền đặt cọc vào một số tài khoản không chính chủ để đưa xe ra Hà Nội. Chị bắt đầu nảy sinh nghi ngờ.

Sau đó, chị đã lên các trang mạng xã hội tìm kiếm, kiểm tra thông tin và phát hiện đã có không ít người mất tiền vì chiêu lừa của đối tượng này. Đăng tin bán xe thanh lý với giá rẻ bằng nửa giá thị trường, đưa ra chính sách bán dễ dàng, cho phép kiểm tra thoải mái, nếu không ưng được hoàn trả cọc, yêu cầu chuyển cọc trước từ 5 đến 10 triệu cùng các loại phí để chuyển xe đi. Có nạn nhân đã chuyển đến 80 triệu tiền cọc rồi mất sạch.

Theo các chuyên gia, trong quá trình mua bán trên mạng, người tiêu dùng cần chú trọng kiểm tra thông tin người bán và chỉ mua sản phẩm từ nơi uy tín. Chủ động tìm kiếm thông tin liên quan đến người bán hàng trên các phương tiện tìm kiếm, về tên tuổi, địa chỉ và các đánh giá. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ hãy dừng ngay các giao dịch và không chuyển khoản trước cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào nếu chưa kiểm chứng thông tin.

 Người tiêu dùng nên tỉnh táo khi lựa chọn hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng trên mạng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng trên mạng xã hội tiềm ẩn không ít rủi ro về chất lượng. Do đó, người tiêu dùng cần phải có cơ chế kiểm tra chất lượng hàng hóa và các yêu cầu về hoàn, hủy đơn hàng khi xảy ra vấn đề. Đặc biệt, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ vì các loại hàng hóa này sẽ không được hưởng chính sách bảo hành.

Một vụ việc điển hình xảy ra trước đó vào năm 2022, Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã phát hiện Nguyễn Văn Quang có biểu hiện nghi vấn hoạt động lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội để truy cập vào các nhóm Facebook liên quan tới thanh lý đồ cưới hỏi, sau đó đăng tải nhiều hình ảnh về việc thanh lý các mặt hàng bàn, ghế inox số lượng lớn với giá sỉ. Để lấy sự tin tưởng của khách hàng, Quang gửi cho nạn nhân nhiều hình ảnh hàng hóa.

Khi có người mua, Nguyễn Văn Quang yêu cầu khách hàng chuyển tiền cọc là 10% tổng tiền phải thanh toán vào tài khoản của mình sau đó chiếm đoạt tiền và không gửi hàng cho người mua. Để tránh bị phát hiện, Quang lập và sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khi đăng bài, trao đổi với các nạn nhân qua tin nhắn và điện thoại. Sau khi bị hại chuyển tiền, Quang chiếm đoạt số tiền cọc, xóa tin nhắn, chặn Facebook, Zalo, số điện thoại của nạn nhân. 

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Văn Quang khai nhận với phương thức, thủ đoạn như trên Quang đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người trên địa bàn cả nước. Cơ quan điều tra xác định số tiền giao dịch liên quan tài khoản đối tượng sử dụng để lừa đảo là trên 500 triệu.

Công an tỉnh Thanh Hóa cũng điều tra và phát hiện nhân vật Cao Thị Huyền Trang (21 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng tài khoản Facebook ảo rồi đăng tin thanh lý các mặt hàng đồ cũ như tivi, tủ lạnh, sofa… với giá rẻ. Nhiều người sau đó nhắn tin cho Trang qua mạng xã hội để thỏa thuận giá và đặt hàng. Sau đó, Trang yêu cầu người mua chuyển tiền cọc trước 1-10 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng khác nhau. Nhận tiền, cô gái 21 tuổi dùng tiêu xài cá nhân, không chuyển hàng cho khách như đã hứa.

Để tránh công an phát hiện, Trang chuyển tiền cọc của khách hàng qua nhiều tài khoản ngân hàng khác và mua tiền ảo trên các sàn giao dịch. Cô gái sau đó bán lại tiền ảo cho các nhóm người ở Hà Nội để lấy tiền mặt. Ít nhất 100 người đã sập bẫy khi mua hàng của Trang, với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng.

Cẩn trọng với hàng điện máy thanh lý, hàng cũ giảm giá 

Trong bối cảnh sức mua các mặt hàng điện máy, công nghệ xuống thấp, bên cạnh việc chạy các chương trình ưu đãi, giảm giá, nhiều trung tâm – siêu thị còn liên tục có những đợt xả hàng tồn, thanh lý hàng trưng bày để thu hồi vốn với giá rẻ hơn hàng mới 30%-70%.

Ngoài ra, với việc cửa hàng nào cũng áp dụng chính sách thu cũ – đổi mới, đổi trả hoặc thu hồi hàng bị lỗi kỹ thuật, lượng hàng điện máy – công nghệ đã qua sử dụng được tân trang bán lại trên thị trường hiện rất nhiều. Nhờ đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận hàng điện máy – công nghệ với giá phải chăng nhưng cũng gặp không ít rủi ro.

Anh Nguyễn Minh Long (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) than phiền: “Vì ham đồ rẻ nên tôi đã mua chiếc máy giặt 11,5 kg trưng bày tại siêu thị điện máy với giá chưa tới 6 triệu đồng. Khi sử dụng, lồng giặt va đập vào thùng phát ra tiếng kêu rất lớn. Siêu thị cử nhân viên kỹ thuật đến tận nhà kiểm tra, rồi báo không khắc phục được. Vài ngày sau, nhân viên kỹ thuật của hãng đến kiểm tra tiếp và đề nghị tôi giảm khối lượng đồ giặt xuống 3-4 kg song vẫn không khắc phục được lỗi. Hãng chỉ hỗ trợ thay mới lồng giặt với giá “ưu đãi” nhưng tính ra gần bằng giá mua ban đầu nên tôi quyết định bỏ luôn”.

Chị Trương Thúy Linh (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết: “Tôi mua máy lạnh đã qua sử dụng. Thời gian đầu, máy hoạt động bình thường nhưng chỉ vài tuần sau, cục nóng phát ra tiếng kêu rất lớn, cả nhân viên cửa hàng và hãng đến kiểm tra vẫn không khắc phục được”.

Anh Lê Văn Lâm (ngụ quận 8, TP HCM) phản ảnh: “Tôi mua chiếc điện thoại iPhone 13 Pro Max đã qua sử dụng ở một cửa hàng điện máy lớn với giá gần 20 triệu đồng. Máy đã hết bảo hành hãng nhưng được cửa hàng “bao xài” trong 6 tháng. Tuy nhiên, mới xài tới tháng thứ 2, điện thoại gặp lỗi màn hình xanh, hãng báo giá thay cả chục triệu đồng, còn cửa hàng chỉ hỗ trợ một phần chi phí chứ không chịu toàn bộ. Tôi đành bấm bụng bỏ thêm số tiền lớn để thay màn hình, nếu không chiếc điện thoại biến thành “cục gạch”.

Liên quan tới tình trạng trên, theo kỹ sư Hoàng Thanh Tuấn, phụ trách kỹ thuật một trung tâm bảo hành sửa chữa điện tử ở quận 10, TP HCM, hàng điện máy đã qua sử dụng thường phát sinh nhiều trục trặc khi sử dụng. Chẳng hạn, máy lạnh đã qua sử dụng có thể phát ra tiếng ồn quá lớn, chảy nước, làm lạnh yếu. Máy giặt thì hay gặp lỗi chảy nước khi giặt, lồng va đập vào thùng, hệ thống điều khiển không nhận được tín hiệu ở một số chức năng.

Hàng trưng bày thông thường sẽ không bị trục trặc về kỹ thuật do máy không hoạt động mà do trưng bày lâu ngày – có thể đến vài năm – nên màu sắc bị phai, trầy xước, móp méo vì khách tham quan “sờ mó” hoặc bị di chuyển nhiều lần. Do đó, khi người tiêu dùng quyết định mua các mặt hàng này thì phải chấp nhận rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro, khách hàng nên yêu cầu bên bán có chế độ bảo hành rõ ràng, càng cụ thể càng tốt. Đặc biệt, phải hỏi rõ trường hợp máy bị trục trặc có được đổi trả hay hỗ trợ chi phí sửa chữa gì không.

An Dương (t/h)

Nguồn: https://vietq.vn/can-tinh-tao-khi-mua-hang-thanh-ly-hang-cu-tren-mang-d212302.html