Cảnh báo nguy cơ bị chiếm đoạt tiền tỷ khi tham gia đầu tư “giao dịch dầu thô qua quỹ MBK”

Cảnh báo nguy cơ bị chiếm đoạt tiền tỷ khi tham gia đầu tư “giao dịch dầu thô qua quỹ MBK”

(VietQ.vn) – Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan chức năng đề nghị người dân cần cảnh giác với các quỹ đầu tư, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư giao dịch dầu thô qua “Quỹ đầu tư MBK”. Nạn nhân cho biết được tư vấn tải app tham gia “Quỹ đầu tư MBK” rồi mở tài khoản để giao dịch dầu thô. Các nhà đầu tư sẽ được các thầy và trợ lý dẫn dắt, hướng dẫn đầu tư. Với quảng cáo lợi nhuận hấp dẫn, sau khi được nghe tư vấn, chị H (Hà Nội) đã chuyển khoản nhiều lần với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Trong 4 ngày, chị H thực hiện mua bán dầu thô theo sự hướng dẫn của các đối tượng, tài khoản của chị H được hưởng lợi lên đến hơn 10 tỷ đồng. Khi số tiền trong tài khoản lên đến gần 20 tỷ, nạn nhân làm thủ tục rút tiền ra thì không rút được.

Lúc này các đối tượng yêu cầu phải nộp thêm 8 tỷ đồng mới được rút tiền ra. Tuy nhiên, khi thấy nạn nhân không hợp tác chuyển tiền, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền 4 tỷ của chị H. Tương tự, anh M cũng tham gia quỹ đầu tư dầu thô. Lúc đầu, anh M (Hà Nội) chỉ đầu tư vài trăm triệu vì tò mò. Nhưng do lợi nhuận từ giao dịch lớn, anh tiếp tục đầu tư 5 tỷ mua bán dầu thô. Nhưng cũng như nhiều nhà đầu tư khác, anh M cũng không thể rút được tiền ra và bị chiếm đoạt tiền đầu tư.

Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các Quỹ đầu tư, Sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Giao diện của App Quỹ đầu tư MBK

Những thủ đoạn lừa đảo thường được sử dụng dưới danh nghĩa đầu tư quốc tế

Đã có không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép, kêu gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, giao dịch tiền ảo, đầu tư dự án bất động sản… điển hình như: vụ liên kết Việt gây thiệt hại hơn 1900 tỉ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỉ đồng; Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỉ đồng… Hay mới nhất, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, triệt phá đường dây kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade của Thị Lệ Nhi, Giám đốc công ty TNHH TMDV Queenlad chiếm đoạt tổng số tiền 683.500 USD (đồng tiền quy định trên hệ thống) tương đương với hơn 16 tỷ đồng… Điểm chung của các vụ lừa đảo này là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền. 

Thứ nhất, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư. Chẳng hạn như bán các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến để sau đó cho người khác thuê lại bán hàng, hoặc mua hàng tích điểm thưởng, càng mua nhiều gian hàng, mua nhiều hàng được hoàn lại điểm về tài khoản (trên ứng dụng); nạp nhiều tiền vào tài khoản và giới thiệu người tham gia như mình thì càng được lên cấp cao hơn, được thưởng hoa hồng cao; hoặc là mở bán các gói đầu tư, quyền kinh doanh thương hiệu, cam kết lợi nhuận cao, người mua được sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty hưởng cổ tức trọn đời…

Thứ hai, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.

Thứ ba, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,…

Thứ tư, để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Tham gia các hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,… trước khi tham gia, góp vốn đầu tư. Đặc biệt, cần nhận diện và nắm rõ các thủ đoạn một số đối tượng lừa đảo thường sử dụng như trong bài phân tích trên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản ma…

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: https://vietq.vn/canh-bao-nguy-co-bi-chiem-doat-tien-ty-khi-tham-gia-dau-tu-giao-dich-dau-tho-qua-quy-mbk-d213888.html